Bảo tồn bản sắc cho làng quê Việt Nam

(Tiếp theo và hết) (★)
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Quýnh (ngoài cùng bên trái), phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cùng các thành viên trong câu lạc bộ Quan họ sinh hoạt, dạy hát cho các cháu nhỏ.
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Quýnh (ngoài cùng bên trái), phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cùng các thành viên trong câu lạc bộ Quan họ sinh hoạt, dạy hát cho các cháu nhỏ.

Bài 2: Phát huy các giá trị văn hóa làng xã

Cuộc sống hiện đại với nhiều biến động, văn hóa làng đứng trước nguy cơ mai một. Trong từng ngôi làng, từng mái nhà đang mất dần cốt cách truyền thống mà tiền nhân từng dày công sáng tạo, vun đắp. Hơn lúc nào các giá trị văn hóa làng xã cần được bảo tồn và phát huy.

Nhiều năm qua, văn hóa làng xã luôn là một lĩnh vực đề tài được các học giả đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nhưng các nghiên cứu đều chung một luận đề khái quát, văn hóa làng là kiểu hình văn hóa đặc trưng, văn hóa “gốc” của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam; trong đó có hệ thống thiết chế, những mối liên kết xã hội, những tập quán, tín ngưỡng, lối sống, sinh hoạt sản xuất, đời sống và thực hành văn hóa đặc biệt độc đáo. Những bản sắc ấy đã làm nên hồn cốt, nơi khởi nguồn nền văn hóa Việt Nam.

Thực tiễn cho thấy những giá trị mang bản sắc của mỗi xóm làng, buôn, bản, những nét đẹp truyền thống của mỗi vùng miền từ duyên hải, đồng bằng đến trung du, miền núi đều đã được tiếp nhận, trao truyền và tồn lưu trong tâm thức của cư dân Việt Nam. Với vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, sau lũy tre làng, bên gốc đa, mái đình, bến nước, người dân quê Việt Nam bao đời đã kiến tạo nên một hệ thống giá trị văn hóa phi vật thể quý báu. Đó là cả một kho tàng phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, văn hóa-nghệ thuật dân gian, là những bảo vật “gốc” tạo nên tập tính dân tộc. Chỉ nói riêng nghệ thuật dân gian, văn hóa làng đã tạo nên một kho tàng văn hóa phong phú và hấp dẫn. Những làng cổ Kinh Bắc bên dòng sông Cầu góp cho nhân loại một Không gian văn hóa Quan họ đặc sắc.

Trong cát bỏng gió Lào, người xứ Nghệ từ ngàn xưa đã cất lên câu ví, câu giặm. Những làng quê giữa cánh đồng lúa Thái Bình mượt mà với làn điệu chèo mát rượi sân đình. Những làng mạc bên dòng sông Hương da diết điệu Nam bình, Nam ai. Người Đất Tổ sáng tạo hát xoan. Những làng cổ suốt miền Trung Bộ đã tạo nên lối hô bài chòi độc đáo. Đờn ca tài tử và điệu lý, câu hò lại vang vọng từ chín nhánh Cửu Long… Những giá trị ấy chính là “dòng máu” của mỗi ngôi làng, là trầm tích thẳm sâu, những lớp phù sa đắp bồi hồn cốt cho làng và nuôi dưỡng cảm xúc cho mỗi người làng.

Cũng từ mỗi ngôi làng đã thiết lập nên những bộ hương ước để quản lý, điều chỉnh cộng đồng; đó là những định chế cụ thể từ thực tiễn, cho thấy một dân tộc Việt Nam luôn tôn trọng đạo lý; các chuẩn mực đạo đức xã hội từ mỗi cộng đồng làng có khác nhau sắc thái cụ thể nhưng cùng chung một mạch tư tưởng. Đó là truyền thống tôn thờ những bậc anh hùng có công với nước; trọng nghĩa tình, tương trợ; trọng người già, kẻ sĩ, những người hiếu học; không chấp nhận những thói hư, tật xấu, không đồng tình với những đối tượng gây hại cho cộng đồng…

Ở nước ta, đô thị hình thành muộn và nhiều thành phố ra đời từ cội nguồn thôn dã. Chính vì vậy, văn hóa thành thị ở Việt Nam cũng bắt nguồn từ văn hóa làng; là sự dung nạp và cộng sinh giữa văn hóa làng với quá trình kiến tạo, hình thành đô thị; nên về cơ bản căn cốt văn hóa Việt Nam vẫn mang đậm bản sắc văn hóa làng. Bản thân chúng ta hay những người tiếp xúc hằng ngày tại những ngôi nhà có số, phố có tên, thì hầu hết đều mang những nét tính cách, ứng xử mang dấu ấn vùng miền rõ rệt. Có những người tha hương hàng chục năm đến biển Á, trời Âu nhưng niềm tự hào vẫn là “cây đa, bến nước làng mình”. Nói một cách khái quát, văn hóa làng được người dân quê xây dựng, sàng lọc từ hàng ngàn đời nay đã trở thành di sản. Hệ thống những giá trị quý báu ấy đã nhập hòa vào máu thịt cư dân, góp phần đắp bồi hồn cốt, tạo giá trị khác biệt và tỏa sáng tính đa dạng của không gian nông thôn Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, văn hóa làng hình thành, được lưu giữ bởi những nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân; nó tồn tại tương đối ổn định và bằng cảm xúc tự nguyện trong tình yêu của mỗi người với nơi chốn sinh thành…

Những thập niên gần đây, đất nước phát triển mạnh mẽ với những thay đổi to lớn về kinh tế-xã hội. Trong hoàn cảnh đó, khu vực nông thôn cũng đã chủ động và cả thụ động tiếp nhận những tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai. Đời sống khởi sắc là điều cần khẳng định, nhưng kết cấu văn hóa làng xã cũng đứng trước nguy cơ bị xô lệch. Sự đa dạng và sinh động của nông thôn Việt Nam cổ truyền mà các nhà nghiên cứu nước ngoài từng thốt lên “sự bí mật của các làng Việt” đang đứng trước nguy cơ mai một. Làng quê mất dần phong vị, mất đi cái sắc thái tâm tình quê kiểng, chất phác, hồn nhiên. Những giá trị cố kết cộng đồng đang dần lơi lỏng, bởi lối sống thực dụng len lỏi chi phối vào mỗi ngôi làng và mỗi mái nhà. Đạo lý vuông tròn, tình làng, nghĩa xóm có phần phai lạt. Trong cơn lốc đô thị hóa, đất đai tăng giá bất thường nhiều khi đã làm cho máu mủ tình thân cũng bị lòng tham vật chất làm cho băng hoại, rệu rã. Những hiện tượng của thói đố kỵ hay sự lãnh cảm, thờ ơ với nỗi đau của người khác đã và đang xuất hiện ở nơi chốn vốn là điểm khởi phát và nuôi dưỡng đạo lý cao đẹp tình làng nước, nghĩa đồng bào Việt Nam…

Kinh tế phát triển nhưng nhiều kết cấu văn hóa tưởng chừng bền vững đang có nguy cơ phai nhạt, lơi lỏng. Trước nguy cơ đó, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và mới đây, Hội nghị văn hóa toàn quốc thêm một lần xác định, nền văn hóa Việt Nam phải đứng vững trên “đôi chân” vừa tiên tiến-hiện đại, vừa đậm đà bản sắc, kế thừa truyền thống. Sự biến đổi văn hóa cổ truyền trong xã hội hiện đại với sự thay đổi sâu sắc các nền tảng là một tất yếu. Nhưng những giá trị di sản ông cha phải được con cháu trân trọng, gìn giữ, phát huy thành sức mạnh nội sinh.

Bảo tồn bản sắc cho làng quê Việt Nam ảnh 1

Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh TRẦN HẢI)

Trước hết, khi đời sống người dân nông thôn khởi sắc thì chính quyền cần là người định hướng và tổ chức trong việc phát huy niềm tự hào và trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống song song với xây dựng nông thôn tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh loại bỏ hủ tục lạc hậu trong lối sống, văn hóa hằng ngày, cần phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong đời sống, các phong tục, tập quán có từ xa xưa. Chính quyền cơ sở cần quan tâm phát huy mặt tích cực của văn hóa dòng họ trong công tác vận động xã hội, nhất là phong trào khuyến học, bảo đảm trật tự trị an và đẩy lùi tệ nạn. Ở các vùng, các làng có truyền thống văn hóa-nghệ thuật đặc sắc, cần có chính sách động viên các nghệ nhân dân gian, giúp họ có thêm niềm đam mê và động lực trong việc tiếp lửa, trao truyền. Đưa di sản vào trường học, thành lập các câu lạc bộ; khơi dậy phong trào bằng các cuộc thi, liên hoan. Về điều này, các làng quan họ Bắc Ninh, hát xoan Phú Thọ, chèo cổ Thái Bình, ví giặm Nghệ-Tĩnh, ca trù Hà Nội, bài chòi các tỉnh miền trung, ca Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ… đã làm nhưng muốn thành công hơn thì cần phải có sự định hướng rõ ràng của chính quyền, sự hỗ trợ nhiệt tình của các cấp, ngành liên quan…

Các cuộc vận động lớn về xây dựng đời sống văn hóa nói chung và làng văn hóa nói riêng đã tạo nên động lực, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện đại. Chúng ta tiếp tục các cuộc vận động nhưng cần đi vào chiều sâu và thực chất, tránh mang tính hình thức. Làng văn hóa phải là làng đạt đủ các tiêu chí, mà trong đó, người dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt; nhân cách và lối sống đẹp được phát huy. Làng văn hóa cũng góp phần ổn định chính trị, kinh tế phát triển, đời sống, dân trí nâng cao, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và tệ nạn xã hội. Việc công nhận gia đình văn hóa cũng vậy, những gia đình được tôn vinh phải là những gương sáng, có sức lan tỏa điều tốt ra cộng đồng. Làm sao để làng Việt hiện đại phải là một môi trường dân chủ, văn hóa, an toàn, lành mạnh và tiến bộ.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn ngày càng diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những biến động văn hóa ở khu vực này. Trong xu hướng tương lai, sự vận động và biến đổi ngày càng phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng gìn giữ và phát huy những giá trị quý báu của văn hóa làng vốn đã được các thế hệ người Việt thanh lọc qua thăng trầm thời gian, chính là giữ hồn cốt của người Việt, của tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Văn hóa là bản sắc, là biểu tượng nhận diện, văn hóa cũng là kháng thể để người Việt vững vàng trước mọi biến động và thử thách của thời cuộc. Bởi vậy, cần phải có sự định hướng rõ ràng, hệ thống chính sách phải đi vào thực tiễn cuộc sống, can thiệp phù hợp, kịp thời và hiệu quả. Những chương trình, dự án cụ thể về lĩnh vực này được triển khai nhiều hơn, quy mô hơn nhằm phát huy những ảnh hưởng, xu hướng biến đổi tích cực; đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, những mặt trái đang xâm thực, bào mòn hệ giá trị văn hóa cổ truyền của nông thôn Việt Nam.

(★) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 25/10/2022.

Bài 1: Sự thay đổi diện mạo nhanh chóng