Về thăm căn cứ địa Suối Thơm, Hòn Dữ, nhà thơ lão thành Giang Nam bồi hồi nhớ lại:
“Lúc ấy, khoảng trung tuần tháng 4/1946, Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng bàn bạc, đi đến quyết định phải có một tờ báo của Đảng bộ địa phương phục vụ cho cuộc kháng chiến. Đến đầu năm 1947, tại chiến khu Hòn Dữ, sau thời kỳ chuẩn bị, báo Thắng ra số đầu tiên, do anh Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách. Lo phần nội dung tờ báo ngoài anh Vỹ và anh Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn), về sau có thêm anh Võ Văn Sung và tôi. Làm báo trên rừng rất khổ, thiếu thốn mọi thứ, trong khi đó, địch càn quét, đánh phá mọi nơi. Thế nhưng mỗi tháng báo Thắng vẫn ra được 2 đến 3 số, mỗi số khoảng 600-700 bản.
Tuy ít, nhưng tờ báo khi ra đời đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng. Nhiều bài viết có nội dung sắc bén, đã vạch trần bộ mặt thật của kẻ địch, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi đồng bào ta hướng về kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, góp phần đánh đuổi kẻ thù xâm lược”.
Sinh thời, bác sĩ Kiều Xuân Cư luôn tỏ ra rất bồi hồi khi nói về kỷ niệm những ngày đầu tiên tham gia phát hành báo Thắng. Đọc những dòng hồi ký của ông, những thế hệ làm báo cách mạng không khỏi xúc động: “…
Chị Mai Thị A đem đến nhà tôi một đòn bánh tét. Chúng tôi mở ra thấy những tờ báo cuộn tròn còn nồng mùi mực in. Tôi thu, cất và mở một tờ báo ra, vội xem thấy tên báo Thắng chữ to, đậm nét mực, về hình thức trông khá đẹp. Ở trang đầu là lời ra mắt của Ban Biên tập, tiếp đến là bài xã luận của ông Chủ tịch tỉnh. Ở giữa trang đầu là bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Trang báo sau, mục chuyện thời sự có bài “Vải thưa che mắt thánh” vạch trần thái độ trơ trẽn của thực dân Pháp đang chuẩn bị bôi son, trét phấn Bảo Đại nhằm đưa ông ta về trước. Các trang sau có mục “tin kháng chiến trong nước”, “tin kháng chiến trong tỉnh”…”.
Hồi ký của bác sĩ Kiều Xuân Cư còn có những đoạn viết rất xúc động về việc chị Mai Thị A đã gan dạ và mưu trí chuyển trót lọt giấy và mực in về đến căn cứ để in báo.
Theo nhà thơ Giang Nam, thời đó, bên cạnh tờ báo Thắng, Khánh Hòa còn có tờ địch vận bằng tiếng Pháp Trait d’Union (Gạch Nối). Ông khẳng định: “Một tỉnh mà đã có tờ báo của Đảng rồi, còn có thêm tờ báo địch vận bằng tiếng Pháp nữa, cả miền nam hồi đó hoàn toàn chưa có”.
Ngay từ số đầu tiên, báo Thắng đã hòa mình vào dòng chảy lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong suốt hai cuộc kháng chiến, tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà tờ báo của Đảng bộ thay đổi tên gọi, đó là Thông Tin (1951-1954), Gió Mới (1954 -1956), Khánh Hòa Giải phóng (1965-1975). Dù có mang tên nào, tờ báo của Đảng bộ luôn là một phần quan trọng của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, được nhân dân tin tưởng, yêu quý.
Sau ngày đất nước thống nhất, tờ báo của Đảng bộ tiếp tục bước sang thời kỳ mới, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương vừa được giải phóng. Tháng 11/1975, theo Nghị quyết của Quốc hội, hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên sáp nhập thành tỉnh Phú Khánh.
Báo Khánh Hòa Giải phóng và Phú Yên Giải phóng cũng sáp nhập thành báo Phú Khánh. Suốt giai đoạn lịch sử gần 15 năm, báo Phú Khánh đã bám sát cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của tờ báo Đảng địa phương. Tháng 7/1989 tỉnh Khánh Hòa tái lập theo Nghị quyết của Quốc hội. Báo Khánh Hòa đã ra số 1 và Đặc san Khánh Hòa đúng ngày tái lập tỉnh 1/7/1989.
Tổng Biên tập báo Khánh Hòa Trần Duy Hưng cho biết, trước sự phát triển ngày càng nhanh chóng của công nghệ thông tin, đúng dịp Kỷ niệm 28 năm ngày giải phóng Khánh Hòa, ngày 2/4/2003, Trang thông tin Khánh Hoà điện tử ra mắt bạn đọc. Thời điểm này, Báo Khánh Hòa là một trong số ít các báo khu vực miền trung và Tây nguyên có phiên bản Trang thông tin điện tử.
Đến năm 2012, Ban Biên tập thành lập Phòng báo điện tử, thực hiện đổi mới giao diện trang thông tin điện tử, ra thêm phiên bản mobile để tăng thêm tính tương tác với bạn đọc. 5 năm sau, được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, Báo Khánh Hòa điện tử ra mắt. Hiện báo Khánh Hòa đang xây dựng, triển khai thực hiện Đề án nâng cấp toàn diện Báo Khánh Hòa điện tử, chuẩn bị ra mắt phiên bản mới.
Vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, Báo Khánh Hòa cùng một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ các hộ nghèo xã Suối Cát (huyện Cam Lâm); xây dựng Quỹ Thiện Tâm với sự đóng góp của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Những hoạt động này không chỉ làm cho hình ảnh tờ báo Đảng bộ địa phương ngày càng gần gũi với bạn đọc, mà còn thể hiện uy tín của tờ báo trong cuộc sống, thể hiện được trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của những người cầm bút, để tờ báo ngày càng gần gũi, gắn bó hơn với bạn đọc.
Dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống báo Khánh Hòa 26/4/1997, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng, động viên toàn thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, công nhân viên báo Khánh Hòa. Thư có đoạn viết: “Là một trong những tờ báo của Đảng bộ địa phương xuất bản sớm nhất trên đất nước ta, Báo Khánh Hòa qua nửa thế kỷ xây dựng và phát triển đã có những cống hiến quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Khánh Hòa”.
Tổng Biên tập báo Khánh Hòa Trần Duy Hưng khẳng định: Truyền thống 75 năm của Báo Khánh Hòa là tài sản tinh thần vô giá, luôn là niềm tự hào đối với những thế hệ làm báo ngày nay. Lịch sử phát triển 75 năm của Báo như ngọn đèn định hướng cho các thế hệ sau đi tới.
Vinh dự và tự hào, những người làm Báo Khánh Hòa hôm nay nguyện phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã dày công xây dựng, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, rèn luyện đạo đức của người làm báo Đảng, xây dựng Báo Khánh Hòa ngày càng phát triển, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới mà Tỉnh ủy đã cô đọng trong 12 chữ tặng cho Báo trong dịp kỷ niệm 70 năm: “Định hướng đúng, hình thức đẹp, thông tin giàu”.