Bảo tàng Văn học Việt Nam, một địa chỉ văn hóa hấp dẫn

Bảo tàng Văn học Việt Nam hoạt động chưa lâu nhưng nếu đã đến đây, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên trước kho tàng đồ sộ tài liệu về văn học Việt Nam, cũng như những kỷ vật liên quan đến các nhà văn nổi tiếng.
0:00 / 0:00
0:00
Khách tham quan nghe giới thiệu về danh nhân Nguyễn Khuyến tại không gian ngoài trời của Bảo tàng.
Khách tham quan nghe giới thiệu về danh nhân Nguyễn Khuyến tại không gian ngoài trời của Bảo tàng.

Việt Nam có nền văn học lâu đời, đồ sộ, gồm cả văn học dân gian lẫn sáng tác của những tác giả nổi tiếng qua các thời kỳ. Bảo tàng Văn học Việt Nam được xây dựng tại địa chỉ 275 đường Âu Cơ, phường Quảng An (quận Tây Hồ) là bức tranh toàn cảnh “thu nhỏ” toàn bộ nền văn học nước nhà.

Bảo tàng được xây dựng trên chính mảnh đất từng là Trường Viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam - nơi lưu lại nhiều kỷ niệm của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng.

Với diện tích 3.000 m2, nơi đây hiện đang lưu giữ, trưng bày 40.000 hiện vật quý của các thế hệ nhà văn Việt Nam gắn liền với lịch sử dân tộc, từ các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Bảo tàng gồm hai phần trưng bày trong nhà và ngoài trời.

Phần trưng bày trong nhà là nơi giới thiệu về tiến trình lịch sử văn học Việt Nam, được chia làm các thời kỳ: Văn học cổ trung đại, Văn học cận hiện đại. Ngay khi bước vào Bảo tàng, ở sảnh trung tâm có hòn đá thiêng hình ngọn bút được rước từ Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ, đặt trên Trống đồng Đông Sơn.

Sự sắp đặt này mang ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ nhà văn, nhà thơ phải kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Trên bức tường phía sau không gian sắp đặt có dòng chữ trích từ tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Đây cũng là một thông điệp gửi đến những người cầm bút.

Trong không gian giới thiệu văn học cổ trung đại, khách tham quan được khám phá, tìm hiểu về những nhà văn - danh nhân văn hóa lớn như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu...; trong đó, có cả mô hình tái hiện hình ảnh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Tại đây còn có chiếc bàn mà Nguyễn Du đã sử dụng trong khoảng 10 năm khi sống ở quê vợ Thái Bình vào cuối thế kỷ 18. Cũng tại đây, công chúng được tìm hiểu về không gian dạy học của các thầy đồ, mô hình các sĩ tử lều chõng đi thi thời xa xưa và giới thiệu nhiều tư liệu, hình ảnh quý về các sĩ tử đỗ đạt...

Bảo tàng cũng trưng bày, giới thiệu những cuốn sách chữ Hán, chữ Nôm cổ; các ván khắc in chữ, sách giấy dó, sách bằng đồng… Ngoài ra, còn có phần trưng bày về sách, văn học và chữ viết của các dân tộc như: chữ Nôm của người Tày, người Dao; “sách lá” của các dân tộc Thái, Chăm, Khmer…

Khu trưng bày tầng 2 giới thiệu nhiều tư liệu văn học gắn liền với những tên tuổi lớn của Việt Nam đầu thế kỷ 20 là các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… và các tác giả văn học hiện thực phê phán như: Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao… hay các thế hệ nhà văn thời đại Hồ Chí Minh. Khách tham quan được trực tiếp khám phá những kỷ vật từng gắn bó với các nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Xuân Sanh, Ngô Tất Tố, Hoài Thanh…; và thế hệ sau này như: Nguyễn Khoa Điềm, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật…

Đáng chú ý, có cả một không gian tái hiện về chiếc xe không kính trong bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật. Rất nhiều hiện vật, bản thảo quý được lưu giữ ghi lại câu chuyện về những thế hệ nhà văn đi trước. Trong khi đó, khu vực ngoài trời có vườn tượng nhiều nhà văn, nhà thơ lớn.

Nằm ngay gần vườn đào Nhật Tân, những đầm sen và những thắng cảnh của quận Tây Hồ, Bảo tàng Văn học Việt Nam là địa chỉ văn hóa hấp dẫn dành cho công chúng yêu văn chương và văn hóa Việt Nam.