"Bảo tàng ông Bảng" - nơi tưởng nhớ và tri ân đồng đội

NDĐT - Sau những khó khăn tưởng như không vượt qua được, giờ đây, “Bảo tàng ông Bảng” - cách gọi đầy trìu mến của người dân với Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày - đã được cả nước biết đến. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo TP Hà Nội nhiều lần đến thăm và động viên; các thế hệ học sinh, các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng cũng thường xuyên tìm về học tập.

Toàn cảnh đền thờ liệt sĩ trong khuôn viên Bảo tàng.
Toàn cảnh đền thờ liệt sĩ trong khuôn viên Bảo tàng.

Chủ nhân của Bảo tàng - ông Lâm Văn Bảng đã thấy lòng nhẹ nhõm và chia sẻ: “Tôi vơi bớt được những ám ảnh, những cảm giác mang nợ đồng đội. Nhìn thế hệ trẻ rưng rưng đứng trước bảo tàng, trang nghiêm trước anh linh đồng đội; tôi đã nghĩ mình có thể ngẩng cao đầu để đi gặp các anh ở thế giới bên kia”.

Những ám ảnh nghĩa tình đồng đội

Bảy giờ sáng, hai ông Nguyễn Văn Quốc, Nguyễn Hữu Mão đã bước xuống xe buýt, đi bộ từ thị trấn vào thôn Nam Quất (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội). Nhìn hai ông lão tuổi ngoài thất thập, tóc bạc lơ phơ bước dưới nắng hè gay gắt, mấy người đi xe máy dừng lại: “Hai ông về Bảo tàng phải không?! Hai ông lên xe, chúng con chở ông về!”.

Đã nhiều năm nay, ông Quốc và ông Mão vẫn đi xe buýt mấy chục cây số từ nội thành về Bảo tàng để làm công quả như thế. Các ông là hai trong số mười lăm người thường xuyên làm việc không lương ở nơi này.

Những mái đầu bạc phơ chụm lại thắp nhang trong đền thờ liệt sĩ, các ông đều là cựu binh và cựu tù Phú Quốc. Thắp nhang xong, các ông mỗi người một việc, người quét tước, người thay lại lọ hoa, người làm vệ sinh các phòng trưng bày hiện vật... Ông Lâm Văn Bảng năm nay đã 75 tuổi mà bước đi còn vững chãi, nhanh nhẹn, nói chuyện mạch lạc, khúc chiết. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ông Bảng bị đa vết thương trong chiến dịch Mậu Thân (1968) và sa vào tay giặc.

Ông Lâm Văn Bảng đã nghĩ mình có thể ngẩng cao đầu để đi gặp đồng đội ở thế giới bên kia.

“Nếu không có đồng đội thì tôi đã chết. Tôi không đi lại được, anh em thay nhau khiêng từng thùng nước về tắm rửa, giặt giũ quần áo cho tôi. Anh Trọng người huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) lo cho tôi từng giấc ngủ. Ở nhà tù Phú Quốc, tôi và anh Sanh (người Yên Mô, Ninh Bình) đã điểm danh thay cho đồng đội, để hai anh khác vượt ngục. Chúng tôi biết, khi điểm danh hai lần thì chỉ cần một chút sơ sảy, để địch phát hiện ra sự gian dối là mình sẽ chết. Giữa sự sống và cái chết, mà chấp nhận chết để đồng đội mình vượt ngục, thì tình nghĩa ấy sâu nặng lắm. Cái nghĩa tình của anh em chúng tôi, những người trở về từ địa ngục trần gian, nó là xương, là máu, là thân thiết như ruột thịt”, ông Bảng hồi tưởng.

Ông Bảng không thể nào quên những ngày đầu sa vào tay địch. Khi ông tỉnh dậy, thấy rất nhiều đồng đội của mình bị chấn thương sọ não, những tiếng kêu: “Ôi trời ơi! ôi cha ơi! ôi mẹ ơi” cứ rền rĩ, rền rĩ. Ngày đó, ông Bảng gặp được ông Lê Trung Dư là người cùng quê, ông Dư còn đi lại được nên cách một ngày ông Dư lại lần tường đến thăm ông Bảng một lần.

“Dịp đó, hệ thống thoát nước của khu điều trị trong trại tạm giam bị vỡ, chuột cống theo đường ống nước bò vào, chúng cứ thế cắn chân, cắn tay đồng đội tôi; các anh bị chấn thương sọ não, nên có nhận biết được gì đâu. Mấy hôm sau, anh Dư đến thăm tôi và bảo: “Bảng ơi, chuột nó cắn đến môi, đến tai, đến mũi anh em rồi”. Sau hôm đó, tiếng kêu chầm chậm, chầm chậm rồi im lặng, đó là khi đồng đội tôi đã ra đi” - giọng ông Bảng run run kể lại.

Mỗi hiện vật đều là "xương", là "máu"

Suốt bốn năm, tám tháng, bảy ngày trong nhà tù Phú Quốc; suốt 44 năm trở về theo Hiệp định Paris; những thanh âm não nề, thê thiết của đồng đội vẫn văng vẳng bên tai ông Bảng. Rồi hình ảnh đồng đội bị đánh gãy chân tay, bị đổ xà phòng sôi vào miệng…, đã là quá khứ, xong cứ hiển hiện trước mắt ông như mới ngày hôm qua. Rồi đồng đội ông hy sinh, khi ông và anh em tìm được mộ phần, các ông không biết đưa đồng đội về đâu thờ tự, bởi bố mẹ của đồng đội đều đã mất, nhà có hai anh em trai thì cả hai đều hy sinh.

Những điều đó cứ ám ảnh, rồi từ trong sâu thẳm thôi thúc ông Bảng - phải làm điều gì đó để đáp đền ơn nghĩa đồng đội.

Ông Bảng đã báo cáo với đồng chí Tô Diệu (nguyên Phó Cục trưởng Cục Địch vận, Tổng cục Chính trị - Quân đội Nhân dân Việt Nam) về ý tưởng muốn sưu tầm những hình ảnh bạo tàn ở “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc để tái hiện, trưng bày, và lập một ngôi đền để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Hơn 4.000 hiện vật, kỷ vật trong “Bảo tàng ông Bảng” ngày hôm nay, mỗi hiện vật đều là "xương", là "máu" của đồng đội ông. Đó là những chiếc đinh đóng vào đầu đồng đội, là những chiếc răng của đồng đội bị quân cảnh ngụy bẻ gãy… Đó là lá cờ Đảng bằng máu, đâu dễ gì mà có được. Trong nhà tù, ăn uống, sinh hoạt khổ sở, rồi đòn roi, đánh đập, mà những người chiến sĩ vẫn lấy máu của mình tô lên lá cờ Đảng; để lá cờ thiêng liêng có mặt trong những ngày lễ lớn, trong ngày kết nạp Đảng viên ngay chốn lao tù.

Lá cờ bằng máu ấy có mặt ở Bảo tàng để nói rằng: Trong kìm kẹp của 12 lớp hàng rào dây thép gai, bên ngoài là chó bẹc-giê, là cả một bãi mìn mênh mông; mà bên trong vẫn có những người chiến sĩ đang ngày đêm gồng mình chịu đòn roi, đấu trí với địch, kiên trung giữ con đường vệ quốc đầy kiêu hãnh.

Giữ cờ Đảng trong nhà tù của địch là đặt mình vào giữa sự sống và cái chết, điều đó chẳng phải dễ dàng, bởi có ai là người không muốn sống! Nhưng ông và đồng đội cũng xác định chết là bảo vệ danh dự của người chiến sĩ cách mạng. Với họ, chết vinh còn hơn sống nhục!

Ông Bảng cùng đồng đội đã bỏ nhiều công, của để có được những hình ảnh, tư liệu đắt giá, đầy ám ảnh này.

Lá cờ Đảng nhuộm máu đào, vốn là của ông Nguyễn Mạnh Dư (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội). Trong lao tù, ông Dư bảo vệ lá cờ còn hơn sinh mạng. Về sống trong thời bình, gia đình ông Dư rất khó khăn, nhà cửa tuềnh toàng, song riêng lá cờ vẫn được ông Dư giữ gìn rất kỹ. Gần ba mươi năm trước, ông Bảng cùng anh em đạp xe đến nhà ông Dư đến mười mấy lần để thuyết phục ông Dư trao lại lá cờ Đảng cho Bảo tàng (bấy giờ còn là Phòng Truyền thống Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày). Ngày trao lại lá cờ, cả ông Bảng và ông Dư đều khóc.

Vượt khó khăn, “cõng” bảo tàng đi trưng bày khắp cả nước

Ông Quốc, ông Mão, rồi ông Phạm Văn Giã nhà ở thị trấn Phú Xuyên (TP Hà Nội) đều cảm phục: “Nhìn Bảo tàng khang trang, được nhiều thế hệ ủng hộ như ngày hôm nay, ít ai biết được rằng ông Bảng đã trải qua vô vàn gian khó…”. Hơn ba mươi năm trước, từ khi có ý tưởng thành lập bảo tàng, ông Bảng đã bất chấp hiểm nguy để sưu tầm từng chiếc quân hàm của ngụy quyền!

Kinh phí ban đầu chẳng có nguồn nào ngoài lương hưu và lương thương binh của ông Bảng (ông Bảng là cán bộ ngành giao thông của huyện, và là thương binh hạng 2/4). Rồi xóm giềng dị nghị, xì xào “lão già khùng rước ma về thờ”; vợ ông từng kịch liệt phản đối, nhất là khi biết ông giấu bà bán một ngôi nhà và một suất đất để lo cho bảo tàng. Có lúc căng thẳng quá, ông bà còn suýt bỏ nhau.

Ngày ấy, ông chỉ nói với bà rằng: “Anh không rước ma về thờ, đó là đồng đội anh, là những người nằm xuống cho anh được sống. Nếu không có họ, thì anh không gặp được em, cũng không có con cái chúng mình…”.

Những hình ảnh tái hiện những trò tra tấn bạo tàn trong nhà tù đế quốc.

Các cựu binh ngồi bên nhau, họ cười: “Anh em tôi, đã từ địa ngục trần gian là nhà tù Phú Quốc trở về thì chẳng có khó khăn nào là không thể vượt qua”. Các ông đã đi khắp các bảo tàng để tự học cách bảo quản, trưng bày hiện vật, sắp xếp, quản lý tư liệu; để rồi bây giờ, các ông làm mọi việc không kém bất cứ nhân viên chuyên nghiệp của bảo tàng nào. Rồi mỗi năm, các ông còn “cõng” cả hiện vật và nhân chứng sống đi triển lãm lưu động nhiều lần, khắp các trường học, các cơ quan, đơn vị trên cả nước.

Hiện vật và nhân chứng sống mà các ông mang đi, là đại diện cho hơn 4.000 đồng đội của các ông hy sinh ở Phú Quốc. Mới tìm thấy được di cốt của hơn 1.000 đồng đội của các ông thôi, số đông còn lại, ông Bảng và anh em đang sống xin được đưa về đền thờ trong bảo tàng. Và đi đâu, dùng bất cứ bữa cơm nào, các ông cũng sắp thêm hai đôi đũa, hai cái bát mời anh linh đồng đội cùng ăn!

Không chỉ tri ân những anh hùng vị quốc vong thân, ông Bảng và đồng đội đã phần nào thấy mãn nguyện khi Bảo tàng trở thành địa chỉ đỏ giáo dục về nguồn. Bảo tàng cũng là điểm tham quan, nghiên cứu và học tập của nhiều người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Các thế hệ học sinh, các lứa học viên trong Lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng của của nhiều địa phương đều về đây, đứng trước đền thờ liệt sĩ dâng hương, để xúc động trước công lao của các thế hệ liệt sĩ đã ngã xuống. Rồi các ông đưa họ thăm bảo tàng, để họ thấm thía sự hy sinh của ông cha, thấm thía giá trị của cuộc sống yên bình hôm nay.

Có thể bạn quan tâm