Bảo tàng Dân tộc học - cầu nối văn hóa truyền thống với hiện đại

Hôm nay không phải ngày nghỉ, đẹp trời, nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Thông, kinh doanh vật liệu xây dựng ở phố Cát Linh vẫn đưa các con đến thăm bảo tàng, "vì nghe mọi người khen triển lãm Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp 1975-1986 quá!". Chị vợ nói.

Anh và chị tóc đã có sợi bạc, nét mặt cảm động trước những cảnh, vật gợi nhắc một thời đầy kỷ niệm đã qua. Hai đứa con trai một là sinh viên Ðại học xây dựng, một học lớp 12 thì đầy vẻ tò mò trước cảnh xếp hàng mua gạo ở cửa hàng lương thực, những bánh pháo hồng ngày Tết, chiếc xe đạp cũ thiếu đủ mọi thứ trừ... phanh.

"Chúng tôi muốn nhớ lại một thời tuổi trẻ, cũng muốn cho các cháu hiểu hơn cuộc sống trước kia của ông bà, cha mẹ để biết trân trọng những gì đang có của ngày hôm nay". Anh Thông chân thành bộc bạch.

Trong phòng ảnh Những người phố cổ tự chụp ảnh và nói về văn hóa của mình có một tốp học sinh đang chăm chú xem, thỉnh thoảng lại chỉ vào tấm hình nọ, hình kia ríu rít: "Ơ kìa, đúng là cây si cổ thụ trên phố Hàng Gai gần nhà tớ"; "Xem này, cảnh nhà cái Hà cúng đêm giao thừa anh nó tự chụp đấy!"; "Úi chà, cái ảnh xin chữ ông đồ lại có cả bố tớ đang đứng "xếp hàng" bên cạnh này. Hôm đó bố tớ về xin được chữ Phúc đẹp ơi là đẹp nhé!"...

Ngoài trời tuy lắc rắc mưa, vẫn thấy thấp thoáng những toán du khách nước ngoài ở các khuôn viên cây xanh rợp bóng. Mấy thanh niên trẻ đang đỡ nhau trèo từng bậc thang gỗ đen bóng dựng đứng để lên thăm ngôi nhà rông cao vút của người Ba Na, tiếng nói cười vui vẻ.

Còn trong ngôi nhà Thang Lâm hơn 100 năm tuổi xinh xắn, cổ kính của dân tộc Chăm, cặp vợ chồng người Âu cao tuổi đang tháo dép, nhón chân lặng lẽ bước vào, nhẹ nhàng như sợ chạm phải những linh thiêng của quá khứ...

Có thể gặp ở bất cứ nơi đâu trong bảo tàng này những gương mặt rạng ngời niềm say mê, thích thú của du khách trước những khung cảnh, hiện vật mang đậm dáng hồn dân tộc gợi nhớ về một thời kỳ, một vùng đất, những kỷ niệm xa xôi mà gần gũi của hôm qua và hôm nay.

Giám đốc bảo tàng, PGS, TS Nguyễn Văn Huy nguyên là Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, từng gắn bó với nơi đây từ ngày mới thành lập. Ông chính là con trai cố GS Nguyễn Văn Huyên, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một nhân sĩ lớn của đất nước mà giờ đây chính con đường trước mặt bảo tàng đang mang tên.

Nói về "bí quyết" thành công của bảo tàng, ông tâm đắc một điều: "Chúng tôi "sướng" nhất là được tự  quyết định và tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Viện Khoa học xã hội Việt Nam (cơ quan chủ quản) không bao giờ gò  ép  một cách cứng nhắc, cầm tay chỉ việc phải làm cái này, cái kia. Chính vì thế chúng tôi được chủ động phát huy tính sáng tạo theo một cách làm mới chứ không áp đặt người xem bằng những hiện vật mang tính giới thiệu một chiều, những thông tin, đáp án có sẵn. Không thể bị động mà phải luôn tạo ra những lối mở để mọi người tự nghĩ, tự cảm thụ theo hoàn cảnh, điều kiện của mình rồi từ đó họ sẽ tự rút ra bài học riêng".

Ðiều đó quả đúng, khi nhìn lại hoạt động thời gian qua của bảo tàng, thấy rất nhiều chương trình đặc sắc được đầu tư chu đáo, đầy sáng tạo, trong đó có những triển lãm, trưng bày được dư luận đánh giá cao như: Từ Chi, nhà dân tộc học; 100 năm đám cưới Việt Nam; Cuộc sống Hà Nội thời bao cấp 1975-1986...

Là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam mở ra những hướng mới trong việc thực hiện đa dạng hóa hoạt động bảo tàng, đây không chỉ là nơi lưu giữ, bảo tồn các yếu tố văn hóa vật thể và phi vật thể mà luôn có ý thức đột phá với những ý tưởng độc đáo. Ðó là sự sáng tạo trong thủ pháp trưng bày, trình diễn chuyên đề; việc xây dựng thành công khu trưng bày ngoài trời với 10 kiến trúc dân gian và một số "hiện vật" lớn đặc biệt; sự đề cao, tôn trọng đúng đắn các chủ thể văn hóa, thiết lập quan hệ chặt chẽ giữa bảo tàng và cộng đồng bằng nhiều hoạt động giúp người dân tự cảm thụ, khẳng định giá trị văn hóa của mình và mở rộng giao lưu bằng hình thức "phòng khám phá" dành cho trẻ em, các chương trình thuyết trình, chiếu phim theo chủ đề...

Chính nhờ sự dũng cảm, mới mẻ ở tư duy và cách làm nên dẫu "sinh sau đẻ muộn" (thành lập năm 1995), nhưng Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sớm trở thành một điểm sáng trong hệ thống gần 120 bảo tàng cả nước.

Tuy ở vị trí xa trung tâm, còn hạn chế về công tác tuyên truyền, quảng bá, nhưng nơi đây vẫn luôn là một địa chỉ hấp dẫn với số lượng khách tham quan ngày càng tăng.

Trong khoảng năm năm qua, từ con số 76.000 lượt khách của năm 2001, đến năm 2005 đã lên tới 164.000 lượt. Riêng bảy tháng đầu năm nay bảo tàng đã đón hơn 106.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng thời điểm năm ngoái, trong đó khách nước ngoài chiếm khoảng 50%. Ðó là một con số đáng tự hào của hoạt động bảo tàng không chỉ trong nước mà còn ở cả khu vực, khi Bảo tàng Dân tộc học quốc gia nổi tiếng tại thành phố Osaka của Nhật Bản hiện tại cũng chỉ đón 150.000 lượt khách/năm.

"Có hai yếu tố quan trọng nhất đối với sự thành công của hoạt động bảo tàng, đó là kinh phí và con người". PGS, TS Nguyễn Văn Huy thẳng thắn tiếp tục dòng tâm sự về nghề.

"Trung bình mỗi năm chúng tôi được cấp khoảng 1,8 tỷ đồng, nhưng cũng mới đáp ứng được khoảng 50% kinh phí hoạt động. Còn lại là từ các nguồn tài trợ và tự làm ra. Thế mới hiểu cái khổ của các bảo tàng địa phương với nguồn kinh phí chỉ khoảng 300 triệu đồng/năm, thế thì biết làm gì?

Như vậy là còn ở yếu tố con người, tức là vấn đề trình độ, tư duy sáng tạo. Phải nhanh chóng thay đổi quan niệm về đời sống của một bảo tàng, không thể cứ làm như chúng ta đã và đang làm. Bảo tàng không thể chỉ là nơi trưng bày.

Chúng tôi đang hướng đến những vấn đề xã hội gắn với đời sống đặc thù của các dân tộc, kể cả dân tộc Kinh. Bởi vì dân tộc học là đời sống, lịch sử là đời sống. Cần đưa bảo tàng gắn liền đời sống cộng đồng, gắn liền những gì mà mọi người trăn trở, xã hội muốn thay đổi, phát triển. Và làm thế nào để nâng cao trình độ, nhận thức của công chúng. Chúng tôi muốn để mọi người tự tham gia vào các hoạt động mà chính họ là chủ thể. Hãy để cộng đồng tự quyết định. Ðó là phương châm hữu hiệu nhất đối với những người làm công tác bảo tàng".

Với tổng số hơn 90 cán bộ, nhân viên, trong đó 38 người trong biên chế, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hiện có số người có trình độ sau đại học vào loại nhiều nhất trong các bảo tàng cả nước (8 tiến sĩ, 10 thạc sĩ).

Không ngừng vừa làm, vừa tự đào tạo, học tập để đáp ứng mọi nhu cầu hoạt động ở các lĩnh vực, bảo tàng còn có nhiều hoạt động tích cực nhằm chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm quý của một "mô hình" hoạt động hiệu quả cho các bảo tàng, các đơn vị văn hóa cả nước.

Một số hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày được hợp tác với các địa phương; nhiều lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do bảo tàng tổ chức có sự tham gia của cán bộ bảo tàng và sở văn hóa - thông tin các tỉnh.

Ðiển hình là đã tổ chức thành công dự án tại vùng đồng bằng Nam Bộ về nâng cao năng lực nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày với sự tham gia của các bảo tàng ở miền Tây Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh; cuộc trưng bày lưu động Cuộc sống đồng bằng sông Cửu Long - câu chuyện về sáu cộng đồng ở An Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hà Giang...

Bảo tàng đang phối hợp  Cục Di sản văn hóa, Trường đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức khóa học Mùa hè nghiên cứu và thực hành bảo tàng, nhằm góp phần nâng cao năng lực, nhận thức mới và xúc tiến đổi mới trong giới bảo tàng.

Các khóa học sẽ được tổ chức liên tục trong ba năm với 19 đơn vị bảo tàng và Khoa Bảo tàng của hai Trường đại học Văn hóa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bảo tàng còn có nhiều hoạt động hợp tác với các nước và với UNESCO, ICOM (Tổ chức Bảo tàng quốc tế)... Hai cuộc trưng bày gây tiếng vang lớn giới thiệu một cách toàn diện văn hóa Việt Nam đã được tổ chức ở Mỹ, Áo và Bỉ là: Việt Nam: Những hành trình của con người, tinh thần và linh hồn (năm 2003, hợp tác cùng Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ ở New York); Việt Nam: Quá khứ và hiện tại (năm 2003, 2004, hợp tác cùng Bảo tàng Dân tộc học ở Viên (Áo), Bảo tàng Hoàng gia Bỉ).

Một nhiệm vụ nặng nề mà bảo tàng đang thực hiện là vừa xây dựng Tòa nhà Ðông - Nam Á (có diện tích 7.000 m2, ngay trong khuôn viên bảo tàng) vừa khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm các hiện vật ở Ðông - Nam Á để tổ chức cuộc trưng bày đầu tiên về văn hóa và cuộc sống các dân tộc các nước Ðông - Nam Á và khu vực, dự định sẽ khai trương vào năm 2008.

Hơn 10 năm qua, cùng với những phần thưởng cao quý của Nhà nước trao tặng hai lần Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được giới báo chí trong nước bình chọn vào danh sách 10 sự kiện văn hóa, văn nghệ tiêu biểu trong năm của Việt Nam (năm 1997, 2005). Ðó cũng là niềm vui, là động lực không nhỏ để tập thể những con người nơi đây tiếp tục cuộc hành trình thầm lặng nối truyền thống với hiện đại, góp phần bồi đắp và nuôi dưỡng tình cảm, ý thức dân tộc trong mỗi tâm hồn người Việt Nam.