Do nước lớn đổ về từ thượng nguồn và thủy điện La Hiêng xả lũ 1.700 m3/s, từ 17 giờ ngày 10-11, tất cả các tuyến đường đi vào huyện Đồng Xuân đều bị ngập sâu, cô lập toàn huyện. Ở những vùng trũng thấp, có nơi ngập sâu 3m. Nước sông Kỳ Lộ tiếp tục lên nhanh, vượt báo động 3 và dự kiến tối nay có khả năng vượt đỉnh lũ năm 2017 là 1,78m.
Để bảo đảm an toàn, chính quyền địa phương đã di dời khẩn cấp 2.130 người và có khả năng tiếp tục di dời trong đêm nay do lũ dâng nhanh. Trực tiếp kiểm tra tình hình mưa lũ tại huyện Đồng Xuân, ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, yêu cầu chính quyền địa phương phải chủ động các phương án di dời theo kịch bản được duyệt, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân; lập rào chắn cảnh báo và không cho người dân, phương tiện qua lại vùng ngập sâu; nghiêm cấm các hoạt động đánh bắt cá, vớt củi trên sông suối.
Cùng với đó, UBND tỉnh Phú Yên sẽ huy động lực lượng quân đội và công an hỗ trợ huyện Đồng Xuân và các địa phương bị chia cắt để kịp thời ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đến 19 giờ ngày 10-11, toàn tỉnh Phú Yên đã sơ tán hơn 7.000 người dân, chủ yếu tại các huyện Đồng Xuân, Tuy An và thị xã Sông Cầu; trong đó huyện Đồng Xuân bị cắt điện hoàn toàn.
Tại huyện Phú Hòa, lúc 16 giờ ngày 10-11, ông Hồ Ngọc Bưng (sinh năm 1985, trú tại thôn Phú Lộc, xã Hoà Thắng) đi thăm nước ven sông Ba trên kè Phú Lộc, không may bị trượt chân rơi xuống sông bị nước cuốn trôi. Hiện chính địa phương và gia đình đang tổ chức tìm kiếm.
* Trước đó, sáng sớm 10-11, bão số 12 gây mưa lớn và gió mạnh ở Phú Yên, đã gây ra những thiệt hại ban đầu. Một số tuyến đường giao thông, khu dân cư bị ngập úng cục bộ, mất điện tại nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên và cộng tác viên, hiện tại một số khu dân cư trên địa bàn TP Tuy Hòa như: phường 8, xã Hòa Kiến đã bị ngập úng cục bộ một số tuyến đường, nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ. Một số đoạn tuyến trên tuyến quốc lộ 29 đoạn qua địa phận huyện Sông Hinh bị ngập, gây ách tắc giao thông.
Vào lúc 8 giờ 30 phút sáng nay, ông Đinh Ngọc Dạng, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, quốc lộ 29 đoạn thôn Suối Biểu, xã Sơn Giang và Đức Bình Đông nước từ các con suối đổ mạnh về làm ngập ngập các tràn, gây ách tắc giao thông.
Huyện đã chỉ đạo lực lượng ứng trực tại chỗ để canh chốt, hướng dẫn không cho các phương tiện giao thông và người qua lại. Trên tuyến đường sắt tại khu giang gần ga Hảo Sơn, đèo Cả, huyện Đông Hòa bị sạt lở đất lấp đường ray, đơn vị quản lý đường sắt khu vực đã kịp thời khắc phục thông tàu.
Tại các khu vực ven biển TP Tuy Hòa, tuyến đường Bạch Đằng (TP Tuy Hòa), sóng biển đánh mạnh và tiếp tục xâm thực vào bên trong ở những vị trí đã bị xói lở trước đó do ảnh hưởng của bão số 9.
Theo báo cáo nhanh của Công ty Điện lực Phú Yên, đến 9 giờ sáng cùng ngày, đã có 45/110 xã phường trong toàn tỉnh, với 124 nghìn khách hàng mất điện; do đang mưa bão, một số nơi chưa kiểm tra được. Riêng tại TP Tuy Hòa gió đang rất mạnh, kèm mưa to đã làm một số xã phường mất điện như Phú Thạnh, Phú Lâm, phường 8, phường 9, Hòa Kiến...
Từ sáng sớm nay, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã phân công, thành lập các tổ công tác kiểm tra, theo dõi chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai chặt chẽ các phương án ứng phó với bão số 12. Trước đó, trong ngày 9-11, tỉnh Phú Yên đã tổ chức di dời dân tại các khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ, toàn tỉnh đã di dời 2.135 hộ/5.147 hộ; 5.800khẩu/17.239 khẩu. Tùy theo diễn biến của bão để di dời các khu vực bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Phú Yên, bão số 12, tại Phú Yên có gió cấp 8, giật cấp 9. Người dân được khuyến cáo không ra khỏi nhà trước 12 giờ trưa nay 10-11, để tránh những tai nạn do bão.
Do ảnh hưởng của bão số 12 nên khu vực tỉnh Phú Yên xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng. Theo cập nhật từ các trạm đo mưa tự động trên địa bàn tỉnh, tính từ 19 giờ ngày 9 đến 6 giờ 30 phút ngày 10-11, trên địa bàn toàn tỉnh có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 51,4mm đến 229,4mm. Trong đó lượng mưa lớn nhất tại Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) là 229,4mm.
Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh ở mức trên dưới báo động 1. Mực nước sông Ba có dao động do ảnh hưởng điều tiết hồ chứa thủy điện Sông Ba Hạ. Trên địa bàn tỉnh Phú Yên hiện có 50 hồ chứa nước. Các hồ chứa đang tích nước phổ biến ở mức từ 30 - 55% so với dung tích thiết kế.
* Ngày 10-11, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: do ảnh hưởng của bão số 12, tại Bình Định đã có một người tử vong, một người bị thương và nhiều thiệt hại khác.
Ngày 10-11, ông Trương Văn Liêm (57 tuổi, ở khu phố Cửu Lợi Đông, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) trong lúc chèn chống nhà cửa chống bão đã té ngã, bị thương nặng và tử vong; tại huyện Phù Mỹ có một người bị thương là bà Nguyễn Thị Lan (87 tuổi, ở thôn Tân Phụng, xã Mỹ Thọ) và bảy nhà dân bị tốc mái hoàn toàn tại xã Mỹ Thọ.
Bão số 12 cũng gây mất điện 1.325 trạm biến áp trên địa bàn tỉnh, hiện tại đã khôi phục được 593 trạm. Bên cạnh đó, lúc 12 giờ ngày 10-11, tàu KN 463 đã lai dắt tàu BĐ-91388-TS (chiều dài 19,6m, công suất 900 CV) bị nạn về đảo Trường Sa lớn an toàn, sức khỏe các thuyền viên ổn định.
Trước đó, tàu BĐ-91388-TS, trên tàu có 13 thuyền viên, chủ tàu kiêm thuyền trưởng Phạm Văn Tâm ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, tàu đang hoạt động tại vùng biển có tọa độ 10015’N-111031’E (cách Bắc Tây Bắc đảo Trường Sa Lớn 98 hải lý), bị hỏng hộp số, thả trôi, thuyền trưởng đã phát tín hiệu cứu nạn khẩn cấp. Nhận được tin báo, lúc 2 giờ 15 phút ngày 9-11, Bộ Quốc phòng đã điều tàu KN 463 xuất phát từ đảo Đá Lớn đi cứu nạn tàu cá trên.
Hiện nay, khu vực Bình Định có mưa to đến rất to; mực nước các sông trong tỉnh đang lên nhanh trên báo động 1, báo động 2. Dự báo, trong 6-12 giờ tới mực nước trên các sông trong tỉnh tiếp tục lên. Bình Định dự kiến di dời 1.073 hộ/4.288 khẩu vùng ven biển, vùng ngập lụt và vùng có nguy cơ sạt lở đất theo phương châm sơ tán tại chỗ, bảo đảm an toàn.
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày từ cơn bão số 9 đến nay đã gây ngập lụt nhiều nơi ở tỉnh Bình Định. Đặc biệt các huyện miền núi An Lão, Vĩnh thạnh và huyện Hoài Ân bị sạt lở nhiều điểm gây ách tắc nhiều vùng.
Tại huyện Vĩnh Thạnh, chỉ riêng xã Vĩnh Sơn đã có 15 điểm sạt lở làm cô lập hàng trăm hộ dân. UBND xã Vĩnh Sơn đã kịp thời sơ tán 18 hộ dân có nhà dưới chân núi có nguy cơ bị sạt lở di chuyển đến UBND xã. Các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đang rất khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở. Công việc được ưu tiên là khơi thông dòng chảy và lối đi tạm thời. Đến nay, một số tuyến đường đã tạm lưu thông.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 12 tại huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Tại làng 2 làng O3 và O5 hiện đang bị cô lập, chúng tôi đã chỉ đạo địa phương có phương án kịp thời ứng cứu dân. Sẵn sàng cắt cử các lực lượng tại chỗ băng rừng đưa lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu đến cho các hộ dân bảo đảm cầm cự lâu dài…”.
Mưa lũ gây ngập lụt, ách tắc nhiều nơi ở Đắk Lắk
Hiện nay, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang mưa to đến rất to, có nơi lượng mưa đo được gần 200mm. Một số huyện phía đông của tỉnh tiếp giáp với tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, đặc biệt là huyện M’Đrắk nước lũ đổ về làm ngập lụt, gây ách tắc một số tuyến đường và hàng trăm hộ dân ở vùng trũng…
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện M’Đrắk, tính đến 10 giờ 30 phút ngày 10-11, trên địa bàn huyện M’Đrắk, lượng mưa đo được là 159,2mm, mưa lớn kèm theo gió mạnh; riêng lượng mưa tại xã Cư San, huyện M’Đrắk đo được là 168,63mm.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, các ngành chức năng huyện M’Đrắk đã tiến hành di dời một hộ dân với sáu khẩu ở xã Cư San đến nơi an toàn. Đặc biệt, mưa lũ lớn đã cuốn trôi hai xe máy tại đèo 35 xã Ea Trang, huyện M’Đrắk, hiện chưa tìm thấy xe.
Mưa lớn còn làm nhiều cầu, ngầm trên địa bàn huyện M’Đrắk bị ngập, làm cô lập nhiều khu dân cư. Cụ thể, cầu thôn 7, thôn 9, đường thôn 6 xã Cư Króa bị ngập; cầu thôn 3 đi thôn 4 xã Ea M’đoal bị ngập; cầu tổ dân phố 4 thị trấn M’Đrắk bị ngập… Hiện nay, UBND các địa phương đã lập các chốt chặn, cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm.
Trưa 10-11, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrắk Nguyễn Thế Thập cho biết, sáng nay, các lực lượng chức năng của huyện đã tập trung tại xã Cư San sẵn sàng phương án di dời các hộ dân thuộc lòng hồ chứa nước công trình thủy lợi Krông Pách Thượng đang thi công đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
Khu vực lòng hồ chứa nước Krông Pách Thượng có khoảng 600 hộ dân, trong đó có khoảng 100 hộ dân nằm ở vùng xung yếu của lòng hồ, hiện nước lũ đổ về khiến nước lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng đang dâng cao nên huyện đã sẵn sàng phương án di dời.
Đối với 500 hộ dân còn lại, các lực lượng chức năng của huyện đang đến từng nhà, tuyên truyền, vận động người dân di dời đến trú tránh tại gia đình người thân ở vùng cao, an toàn, những hộ không có người thân ở nơi an toàn sẽ đưa về trường học, trạm y tế… để trú tránh.
Trước tình hình mưa bão, lũ đang diễn biến phức tạp, UBND huyện, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện M’Đrắk chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn trực ban 24/24 giờ, đối với những nơi nguy hiểm cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng tổ chức gác chặn, hỗ trợ người và phương tiện tham gia giao thông qua lại an toàn.
Đặc biệt, đối với xã Cư San, UBND huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 8 (Bộ NN-PTNT) khẩn trương rà soát các hộ dân nằm trong vùng di dời dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng thuộc thôn 9, 10, 11, sẵn sàng thực hiện phương án di dời phù hợp, bảo đảm an toàn về người và tài sản.
Ngày 10-11, các khu vực huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa, TP Nha Trang có mưa rất to, nhiều nơi có gió mạnh. Trên địa bàn, lượng mưa phổ biến 40-80mm, riêng huyện Vạn Ninh mưa 150-200mm.
Khánh Hòa: Ba người bị thương, nhiều nhà sập, tốc mái, cây xanh ngã đổ
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, tính đến 18 giờ ngày 10-11, bão số 12 đã làm ba người bị thương; năm nhà sập hoàn toàn; 293 nhà tốc mái, hư hỏng; 1.745 ha lúa bị ngập; 79,5 ha hoa màu, cây ăn quả bị ngã đổ, hư hại; một tàu cá bị chìm.
Nhiều khu vực bị mất điện: huyện Vạn Ninh mất điện trên địa bàn các xã Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Phước, Vạn Thọ và Đại Lãnh; huyện miền núi Khánh Vĩnh mất điện toàn huyện; thị xã Ninh Hòa mất điện xã Ninh Vân, Ninh Phước; TP Nha Trang mất điện dọc đường 23 tháng 10 đoạn từ sau Cầu Dứa, đường vào UBND xã Vĩnh Thái cũ; khu Vĩnh Điềm Trung cuối đường A1 đến Chung cư CT4; Ngã tư Tô Hiệu - Trường Sơn, phường Vĩnh Nguyên.
Tỉnh lộ 5 đoạn km 0+100 xã Ninh Tân; km 2+800 xã Ninh Hưng bị ngập, tạm thời không cho phương tiện giao thông qua lại.
Nhằm bảo đảm an toàn tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, Khánh Hòa đã tổ chức thông tin cảnh báo, kêu gọi 4.026 tàu cá với 18.923 thuyền viên, trong đó có 110 phương tiện với 972 thuyền viên đang hoạt động trên biển di chuyển về nơi neo đậu, tránh trú an toàn; thực hiện cấm biển kể từ 18 giờ ngày 9-11; triển khai di dời, chằng néo, gia cố 2.616 bè với 86.904 lồng; sơ tán 8.000 lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước 18 giờ ngày 9-11.
Học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT... ở huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và một số địa phương ở TP Nha Trang tiếp tục nghỉ học ngày 11-11.
* Trước đó, theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến 12 giờ ngày 10-11, toàn tỉnh có 16 nhà tốc mái; ba nhà màng công nghệ cao của Trại thực nghiệm Suối Dầu bị sập, hư hỏng; Quốc lộ 27C bị sạt; nhiều diện tích cây trồng bị ngã đổ; một tàu cá bị chìm. Tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức di dời 1.210 hộ dân với 4.427 khẩu tại 174 vị trí có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn.
Tại huyện Vạn Ninh, đường sắt thuộc khu vực Đại Lãnh bị ngập sâu, ngành đường sắt đã phải tạm dừng chạy tàu; khắc phục sự cố. Cũng trong sáng 10-11, do mưa lớn, một số xã bị mất điện, gồm Vạn Khánh, Vạn Long, Vạn Thọ, Vạn Phước, Đại Lãnh.
Tính đến 6 giờ ngày 10-11, huyện Vạn Ninh đã thực hiện di dời gần 100 hộ dân với hơn 250 nhân khẩu nơi có nguy cơ sạt lở cao về nơi tránh trú an toàn; đồng thời di dời hơn 2.000 lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản trên biển vào bờ, bố trí lực lượng túc trực, nghiêm cấm lao động ra biển khi bão đang diễn ra.
Tại Nha Trang, tàu cá KH 91739 của ông Dương Thành Đồng, ở đảo Vũng Ngán, bị chìm khi neo đậu tránh bão tại cửa Bé, do va đập với các tàu khác; nhà khu vực thao trường Vĩnh Phương (khu cách ly công dân) bị hư hỏng; cổng khu vực bến tàu du lịch Vĩnh Trường bị hư hỏng một phần; nhiều cây xanh dọc các tuyến đường trong thành phố bị ngã, gãy; một số khung trang trí dọc đường Thái Nguyên bị rơi, hư hỏng; xảy ra mất điện dọc đường 23/10 đoạn từ sau Cầu Dứa, đường vào UBND Xã Vĩnh Thái cũ; Khu Vĩnh Điềm Trung cuối đường A1 đến Chung cư CT4.
Hiện nay, mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn đạt mức trung bình 60-70%. Một số hồ đạt xấp xỉ dung tích thiết kế như Suối Trầu 99%, Hoa Sơn 96%, Đá Đen 86%, Suối Dầu 82%... đang vận hành điều tiết để hạ thấp mực nước, chủ động đón lũ.