Giới khoa học đánh giá, không có Giáo sư Cullis sẽ khó có thể có vaccine mRNA vào thời điểm cam go nhất của nhân loại 3 năm về trước.
Hội đồng Nobel tại Thụy Điển cuối tuần qua (giờ địa phương) đã công bố những người đoạt giải năm 2023 ở hạng mục Y Sinh. Chủ nhân giải thưởng danh giá gồm Katalin Karikó và Drew Weissman (Đại học Pennsylvania, Mỹ).
Đối với nhiều người trong cộng đồng Khoa học Sự sống, việc Giáo sư Karikó (người Hungary) và Giáo sư Weissman (người Mỹ) giành được giải thưởng lớn không phải là điều ngạc nhiên. Điều khó hiểu là cộng sự của họ, Giáo sư Pieter Cullis (quốc tịch Canada), đồng tác giả của công nghệ vaccine mRNA, không được xướng tên là người chiến thắng.
Bộ ba Karikó, Weissman và Cullis đã cùng tạo ra phát minh mang tính đột phá, đó là công nghệ mRNA - nền tảng mà Pfizer và BioNTech sử dụng cho sản xuất vaccine Covid-19, giúp cứu sống hàng triệu người khỏi đại dịch.
Lĩnh vực nghiên cứu chính của Giáo sư Karikó và Giáo sư Weissman là thiết kế RNA thông tin (mRNA), thành phần hoạt chất trong vaccine Covid-19. Trong khi đó, vai trò của Giáo sư Cullis là nghiên cứu ra các hạt nano lipid (LNP), được xem là công nghệ để đưa vaccine mRNA vào cơ thể người.
“Tôi cho rằng Hội đồng Nobel đã nghĩ rằng công nghệ này đã có từ lâu nhưng thật không may, họ không hoàn toàn hiểu rằng hệ thống phân phối này thực sự rất mới, cần thiết và là hệ thống duy nhất có thể đưa mRNA vào tế bào cơ thể người”, Mick Hope, người từng cộng tác với Giáo sư Cullis từ những năm 1970, nói.
Sự bỏ sót có thể đã xảy ra vì quy trình trao giải Nobel là các nhà khoa học phải được đề cử bởi những người đủ điều kiện. Người đề cử Giáo sư Karikó và Giáo sư Weissman cho Nobel Y sinh 2023 có thể chưa đánh giá đầy đủ vai trò đóng góp thiết yếu của Giáo sư Cullis trong việc khai sinh vaccine mRNA.
Trước đây, bộ ba Karikó, Weissman và Cullis từng cùng được trao các giải thưởng lớn như Giải thưởng Hoàng tử Mahidol của Thái Lan về y học, trị giá 100.000 USD. Cả ba cũng được vinh danh ở hạng mục Giải thưởng Chính VinFuture của Việt Nam trị giá 3 triệu USD.
Họ cũng giành được Giải thưởng của Quỹ Gairdner (Canada) trị giá 100.000 USD, Giải thưởng Tang của Đài Loan (Trung Quốc) trị giá 1,7 triệu USD và khoản tài trợ 350.000 USD cho việc nghiên cứu trong tương lai.
Các doanh nhân và nhà đầu tư lâu năm trong lĩnh vực Khoa học Sự sống ở British Columbia luôn tin rằng GS Cullis nhất định sẽ được trao giải thưởng Nobel vì ông hoàn toàn xứng đáng.
Ali Tehrani, người sáng lập Zymeworks, một trong những công ty công nghệ sinh học lớn nhất Canada, và hiện là đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm Amplitude Ventures, khẳng định: “Vấn đề không phải là liệu Giáo sư Cullis có được nhận giải Nobel hay không mà chỉ là nhận khi nào”.
Hiện Giáo sư Cullis chưa lên tiếng về vấn đề này.
Giáo sư Pieter R. Cullis FRSC là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC).
Trong sự nghiệp nghiên cứu, Giáo sư Cullis được giới khoa học toàn cầu biết đến thông qua thành tựu đột phá trong việc khởi tạo, tải và định hướng mục tiêu cho các hệ thống hạt nano lipid (LNP) để đưa vào tĩnh mạch các loại thuốc phân tử nhỏ và thuốc đại phân tử như RNA can thiệp nhỏ (siRNA).
Công trình này đã đóng góp cho 3 loại thuốc được các cơ quan quản lý ở Mỹ và châu Âu chấp thuận để điều trị ung thư và các biến chứng.
Đặc biệt, thành quả nghiên cứu trong suốt 25 năm của Giáo sư Cullis về LNP đã giúp rút ngắn quá trình phát triển vaccine Covid-19 từ vài năm xuống chỉ còn vài tháng, mở ra hy vọng cứu sống hàng trăm triệu người trên thế giới trong đại dịch.
Với nghiên cứu đột phá này, ông cùng với Giáo sư Karió và Giáo sư Weissman đã được VinFuture - một trong những giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu có giá trị lớn nhất - vinh danh với Giải thưởng Chính năm 2021, trị giá 3 triệu USD.