Liên tiếp các vụ diều mắc dây điện
Theo báo cáo của công ty Truyền tải điện 1 thể hiện, ngày 5-12-2020 diều bay vào trạm điện 500KV thuộc xã Đại Thanh, ngày 6-2 diều mắc vào đường dây điện 220KV địa phận xã Hợp Thịnh, ngày 5-1 diều mắc vào đường dây điện 500KV Quảng Ninh – Hiệp Hòa xã Mai Trung. Các sự cố trên khiến Công ty đều phải xin cắt điện đột xuất trên diện rộng để gỡ diều nhằm ngăn ngừa sự cố.
Theo báo cáo, các sự cố trên đã gây tổn thất nặng nề đến ngành điện, đặt biệt là đường dây 500KV đã được đưa vào danh mục công trình liên quan đến bảo đảm an ninh quốc gia do Thủ tướng chính phủ quy định.
Ông Đinh Nho Hợi, Phó giám đốc Truyền tải điện Đông Bắc 3 – Công ty truyền tải điện 1 cho biết, hiện nay phong trào chơi thả diều trên địa bàn huyện Hiệp Hòa nói chung và các xã Mai Trung, Hợp Thịnh, Đại Thành, Xuân Cẩm, Thường Thắng nói riêng diễn ra rất phổ biến.
Việc người dân chơi thả diều gần khu vực có trạm biến áp và đường dây đi qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của lưới điện do khi diều bị đứt dây mắc vào đường dây hoặc thiết bị trạm biến áp sẽ gây sự cố và làm ngừng cung cấp điện.
Cụ thể, gần đây vào ngày 5-5, diều đứt dây mắc vào đường dây 220kV Hiệp Hòa – Sóc Sơn làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện cho hàng loạt khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, huyện Phổ Yên tỉnh Thái Nguyên và các khu vực lân cận, gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng đó, Truyền tải điện Đông Bắc 3 liên tục phát đi những cảnh báo về nguy cơ mất an toàn khi vi phạm hành lang lưới điện, gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh Bắc Giang và tổ chức hội nghị tuyên truyền đối với UBND huyện Hiệp Hòa cùng sự tham gia của các xã trong huyện và tổ chức tuyên truyền riêng tại các xã có đường dây đi qua.
Truyền Tải điện Đông Bắc 3 đã làm việc với UBND huyện, UBND các xã, các thôn về việc phối hợp bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp, trong đó có việc ngăn chặn người dân chơi thả diều.
Ngoài ra, đơn vị cũng kết hợp với công an huyện Hiệp Hòa và công an các xã tổ chức tuần tra ngăn chặn người dân chơi thả diều gần đường dây điện, đồng thời đến từng hộ dân ký cam kết về việc không thả diều tại khu vực có đường dây.
Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực đó, đến nay, việc thả diều tại các khu vực gần đường dây và trạm biến áp trên địa bàn huyện Hiệp Hòa không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng. Nhiều người dân vẫn “vô tư” thả diều ở khu vực có đường dây 220kV, 500kV đi qua và có thể gây sự cố cho lưới điện bất cứ khi nào.
Sức răn đe chưa đủ lớn!
Có thể thấy rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở mà không có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn, trò chơi dân gian vốn được nhiều người yêu thích này tại Hiệp Hòa sẽ trở thành mối nguy hiểm cho ngành truyền tải điện và cho chính người dân.
Nghị định 14/2014/NĐ-CP và Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử phạt từ 1–5 triệu đồng. Tuy nhiên, chế tài xử phạt này còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe, trong khi thiệt hại do diều gây sự cố là rất lớn. Mặt khác, việc xử phạt rất khó khăn vì người thả diều không bao giờ nhận diều của mình khi gây ra sự cố và cũng chưa có quy định diều phải đăng ký xác nhận chủ sở hữu.
Thực tế, thời gian gần đây, sự cố lưới điện do các trường hợp thả diều gây ra ngày càng gia tăng nhưng chính quyền huyện Hiệp Hòa vẫn chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để. Nhiều trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chạm, chập điện, cháy nổ nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt, cứng rắn dẫn đến hiện tượng "nhờn luật".
Để bảo đảm an ninh năng lượng trong khu vực nhất là trong giai đoạn bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp sắp tới, bảo đảm an toàn đối với công trình lưới điện quốc gia và bảo đảm an toàn tính mạng cho chính người dân, chính quyền các địa phương huyện Hiệp Hòa cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn người dân chơi thả diều gần đường dây 220kV, 500kV.
Đồng thời, chính quyền cần có các biện pháp để ngăn chặn triệt để hiện tượng người dân chơi thả diều gần khu vực lưới điện nguy cơ gây sự cố. Bên cạnh đó là khoanh vùng khu vực cấm thả diều đối với các nơi có đường dây đi qua và thông báo cho toàn thể người dân được biết.