Điều tra qua thư bạn đọc

Báo động nạn trộm cắp cổ vật ở các di tích

Hiện cả nước có hơn 40 nghìn di tích với rất nhiều cổ vật có giá trị đang được lưu giữ. Tuy nhiên, theo bạn đọc phản ánh, tình trạng trộm cắp cổ vật tại các di tích thời gian qua đã đến mức báo động, nhất là khi ý thức bảo vệ của những người có trách nhiệm, sự phối hợp xử lý của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế, bất cập.

Đình Vường, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được bảo vệ rất sơ sài.
Đình Vường, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) được bảo vệ rất sơ sài.

Của chung không ai giữ

Tỉnh Bắc Giang hiện có 2.237 di tích, chủ yếu là đình, đền, chùa, nơi thờ tự..., trong đó 678 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều di tích còn lưu giữ những cổ vật có niên đại từ 200 năm đến hàng nghìn năm như tượng phật, các đạo sắc phong, mộc bản, lư, đỉnh, chum, chóe... đặc biệt còn có cả những pho tượng đồng đen trị giá cả chục tỷ đồng. Rất nhiều cổ vật trong số đó ngày ngày được trưng bày cho du khách cũng như phật tử khắp nơi chiêm bái mà không có biện pháp bảo vệ thỏa đáng. Điều đó khiến các cổ vật vô tình trở thành đối tượng nhòm ngó của đạo chích, buôn bán trái phép.

Những lý do đó khiến Bắc Giang trở thành một trong những điểm nóng của nạn mất cắp cổ vật. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang, hơn 15 năm qua, trên địa bàn đã xảy ra 62 vụ đạo chích “viếng thăm” di tích, hơn 250 cổ vật đã không cánh mà bay. Ngoài thiệt hại về kinh tế ước tính nhiều tỷ đồng, những tổn thất giá trị tinh thần, nghệ thuật khó có thể đo đếm bởi hầu hết cổ vật đều là linh vật đối với mỗi di tích, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ cao. Điển hình như vụ mất cắp bảy pho tượng có niên đại hơn 300 năm tại chùa Sàn (huyện Lục Nam), sáu pho tượng từ thời Trần tại chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) trong năm 2003; năm 2009, chùa Cao Lôi (Việt Yên) mất cắp bảy vụ, tổng số cổ vật bị mất cắp là 19 pho tượng, 13 đạo sắc phong; tháng 3-2010, chùa Vân Cốc (Yên Dũng) mất một lư hương bằng đồng nặng gần 50kg; trong năm 2014, chùa Đoan Minh (Việt Yên) mất cắp hai lần với ba pho tượng, một lư hương; trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, chùa Bổ Đà (Việt Yên) cũng bị trộm “thăm” hai lần lấy đi chiếc chóe và đôi lục bình… Phó Trưởng phòng Quản lý di tích (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) Phùng Thị Mai Anh, nói: “Đến nay tại tỉnh Bắc Giang chưa tìm được một vụ trộm cắp cổ vật nào”.

Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vấn nạn trộm cắp cổ vật diễn ra ở hầu khắp các di tích trên cả nước, với mật độ ngày càng tăng và số lượng cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Điển hình như vụ trộm tại chùa Tây Phương (Hà Nội) bị mất tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay; chùa Ngô Xá (Nam Định) mất đầu tượng Phật gần nghìn năm tuổi; đình Thới Luông (Cần Thơ) mất tám bộ lư đồng niên đại hàng thế kỷ; đình làng Thanh Trì (Hà Nội) mất đôi hạc đồng và một chiếc chóe; đình thờ Đinh triều Quốc mẫu (Thái Bình) mất một bức đại tự, nhiều hoành phi; đình, chùa Phù Lưu Hạ (Hà Nội) mất một chuông và nhiều đồ thờ tự bằng đồng; đình Yên Việt (Bắc Ninh) mất 11 đạo sắc phong, nhiều đồ cổ có niên đại hơn 300 năm; đền Bồng Châu (Hưng Yên) mất tổng cộng 69 đạo sắc phong; chùa Nễ Châu (Hưng Yên) mất hàng chục pho tượng và đồ thờ; chùa Thi Ông và Niệm Phật Đường thôn Kim Long (Quảng Trị) mất một tượng phật A di đà và một tượng Quan Công bằng đồng nặng 80 kg; chùa Nền (Hà Nội) mất 10 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 13; ngay như một di tích cấp quốc gia đặc biệt như quần thể Lăng Tự Đức (Thừa Thiên - Huế) cũng không phải ngoại lệ, năm 2013, kẻ gian đã lấy một lúc sáu cổ vật rất có giá trị…

Đó mới chỉ là thống kê những vụ việc trộm cắp cổ vật tại các di tích lớn, đã được xếp hạng cấp tỉnh trở lên. Cả nước còn hơn 33 nghìn di tích nhỏ chưa được xếp hạng, nhiều bảo tàng, nhà trưng bày, sưu tập thuộc nhà nước và tư nhân quản lý chưa có thống kê về vấn nạn này.

Cổ vật “đi” đâu?

Những vụ việc trộm cắp cổ vật gần đây cho thấy, các đối tượng ngày càng táo tợn, tinh vi và có tổ chức. Đa số đều lợi dụng mùa lễ hội, khi cổ vật trưng bày ở các vị trí dễ nhìn, việc bảo vệ không quá chặt chẽ để ra tay. Người dân ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) vẫn còn bàng hoàng trước vụ mất tượng Thế Tôn bằng đồng tại chùa Đoan Minh đầu năm 2014. Kẻ trộm táo tợn dỡ mái chùa, dùng xe cẩu đưa tượng ra rồi đàng hoàng biến mất như có phép màu. Mới đây, chùa Bổ Đà (Bắc Giang) bị mất cắp dù cổ vật được cất kỹ mấy lớp khóa trong phòng sư trụ trì. Kẻ gian mở khóa, lựa chọn đúng món đồ có giá trị nhất để lấy, lại còn “cẩn thận” xóa toàn bộ hình ảnh trong ổ cứng của ca-mê-ra giám sát trong chùa. Những món đồ này cũng biến mất bí ẩn cho dù huyện Việt Yên đã tung hầu hết lực lượng cảnh sát điều tra để truy tìm. Hay như vụ mất trộm ở chùa Nền, kẻ gian mở nhiều lớp khóa mà cũng không bị phát hiện. Vụ trộm ở đình làng Thanh Trì (Hà Nội), đạo chích dùng cả kìm cộng lực bẻ khóa, cắt giằng thép bảo vệ, đưa ô-tô vào tận cổng đình chở đồ… Vụ việc được báo và Công an quận Hoàng Mai vào cuộc điều tra nhưng đến nay cổ vật vẫn bặt vô âm tín. Trong vụ trộm ở đền Bồng Châu (Hưng Yên), kẻ gian khiêng cả két sắt, đục phá khóa để lấy sắc phong, sau đó còn rao bán trên in-tơ-nét.

Cổ vật mất cắp đương nhiên phải có nơi, có người tiêu thụ nhưng phần lớn số lượng cổ vật bị mất tại các di tích đều không được tìm thấy, trừ một số rất ít được cơ quan công an và hải quan phát hiện khi chúng được vận chuyển qua cửa khẩu.

Có thể hiểu việc bảo vệ, quản lý là của các Ban quản lý di tích, chính quyền, nhân dân, nhưng khám phá vụ việc và truy tìm cổ vật bị mất cắp là trách nhiệm của cơ quan công an. Rõ ràng, việc không thể điều tra, xét xử, ít tìm ra đối tượng trộm cắp, mua bán, tiêu thụ, sử dụng trái phép cổ vật khiến vấn nạn này ngày càng phức tạp. Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, trong một cuộc hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, đại diện Cục Di sản văn hóa, Hội Bảo vệ di sản, các bảo tàng, hải quan, công an tham dự đều khẳng định tình trạng trộm cắp, “chảy máu” cổ vật là đáng báo động. Hơn 10 năm sau, tình hình không giảm, thậm chí còn gia tăng, đáng báo động hơn.

Loay hoay bảo vệ - trưng bày

Rất nhiều khuyến cáo của cơ quan chức năng dành cho các Ban quản lý di tích, nhà sư và những người được giao trông coi di tích ở các địa phương. Thí dụ như cắt cử người trông coi, lắp đặt ca-me-ra giám sát, tăng cường an ninh, cất giữ cổ vật nơi kín đáo, an toàn, chỉ khi cần thiết mới trưng bày… Người dân sống tại các nơi có di tích cũng cần nâng cao ý thức đối với việc phòng ngừa trộm cắp. Ngoài ra, ngành văn hóa cần kiểm đếm, đánh dấu, xây dựng những bản ảnh, số hóa hiện vật, cổ vật tại các di tích để tiện bảo quản cũng như dễ tìm kiếm khi cổ vật bị mất cắp.

"Khuyến cáo, tập huấn cộng với tuyên truyền là các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa mà cơ quan quản lý văn hóa có thể làm đến lúc này đối với vấn đề này”, ông Nguyễn Hoàng Thăng, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang) cho biết. Theo ông Thăng, việc lưu giữ, bảo vệ cổ vật hiện nay thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Các địa phương có thể thành lập ban quản lý, xây dựng nhà công vụ, tăng cường phối, kết hợp các lực lượng tuần tra, bảo vệ đối với di tích trọng điểm. Đây cũng là cách mà huyện Việt Yên đang triển khai nhằm đối phó nạn mất cắp cổ vật. Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang) Nguyễn Đại Lượng khẳng định: “Huyện sẽ trích kinh phí để tổ chức các lực lượng như vậy, không thể để tình trạng trộm cắp cổ vật tiếp tục xảy ra ở Việt Yên".

Vấn đề hiện nay là nhiều địa phương, nhiều di tích đang loay hoay giữa việc bảo vệ và trưng bày. Cổ vật, đó là văn hóa, là di sản, niềm tự hào của mỗi di tích, nếu cất giữ hoặc sử dụng đồ giả cổ thế chỗ sẽ làm mất đi ý nghĩa của cổ vật, thậm chí của cả di tích. Nhưng nếu cứ trưng bày, trong khi biện pháp bảo vệ còn nhiều bất cập thì cổ vật sẽ là "mồi ngon" cho kẻ gian. Có thể thấy các biện pháp mà ngành văn hóa đang thực hiện chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Điều đó cho thấy cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của ngành văn hóa, chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích, nhân dân địa phương cũng như lực lượng công an, hải quan nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn trộm cắp cổ vật tại các di tích.