Báo động lạm dụng thuốc kháng sinh

(Tiếp theo và hết) (★)
0:00 / 0:00
0:00
Tại trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế, Quận 10, mỗi ngày có hàng nghìn giao dịch dược phẩm, thiết bị y tế.
Tại trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế, Quận 10, mỗi ngày có hàng nghìn giao dịch dược phẩm, thiết bị y tế.

Bài 2: Quản lý và tối ưu hóa cách sử dụng

Thuốc kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế hay còn được gọi dân dã là “Chợ sỉ thuốc Quận 10”, Thành phố Hồ Chí Minh và trải dọc con đường Nguyễn Giản Thanh. Nơi đây, được biết đế n như là chợ thuốc tây lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Với diện tích hơn 10.000m2, gần 300 quầy thuốc của hàng trăm công ty kinh doanh dược phẩm; hàng nghìn lượt giao dịch mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều muộn từ mọi nhà thuốc tại thành phố và khắp các tỉnh, thành phố khác.

Chợ sỉ thuốc, được giới chuyên gia y tế mệnh danh là “độc đáo nhất thế giới” bởi, tại những quốc gia trên thế giới, thuốc được các tập đoàn sản xuất dược phẩm phân phối thẳng về các bệnh viện, hiệu thuốc, căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa các bên. Còn tại chợ này, thông qua các quầy thuốc ở chợ, các nhà sản xuất ký gửi và phân phối để đưa thuốc đến các nhà thuốc, bệnh viện, phòng khám tư nhân... Và tất nhiên, không phải chủ quầy nào ở chợ cũng đều là dược sĩ.

Trong vai là một dược sĩ đến chợ với mong muốn tìm nguồn hàng để mở quầy thuốc, chị N.T.B. cũng đang mua thuốc tại chợ chia sẻ, giá thuốc ở đây không cố định, lên xuống hằng ngày, thậm chí, hằng giờ và giá mỗi quầy khác nhau. “Nếu muốn mua giá tốt phải tìm đúng quầy và quen biết chủ gian hàng là một lợi thế, nếu không, có thể mua đắt, lại mua phải hàng giả nữa”, chị B. cho biết.

Chúng tôi đến một quầy thuốc, ngỏ ý muốn mua một đơn thuốc sỉ, cô nhân viên không ngẩng mặt lên, chỉ bảo, “đưa đơn đây”. Khi chúng tôi ngỏ ý mua kháng sinh, cô bán hàng trả lời: Kháng sinh hay thuốc gì cứ lên đơn là bán và không quên nhắc nhở thêm, lần sau cứ báo đơn qua ứng dụng mạng điện tử là đi đơn, khỏi cần đến.

Cứ mỗi lần con gái bị ho, sốt, sổ mũi là chị Trần Thanh Lam (ngụ Quận 3) ra nhà thuốc gần nhà để mua các loại thuốc điều trị, trong đó có kháng sinh. Với suy nghĩ, mấy bệnh cảm cúm chỉ là bệnh vặt, chưa đến mức phải đi khám bệnh, nên chị Lam thường xuyên tự mua thuốc cho con. “Mình vào hiệu thuốc nói các triệu chứng của con, các cô bán thuốc lấy thuốc thôi, mấy lần đầu tôi cũng có hỏi dùng kháng sinh không, cô bán thuốc bảo phải dùng cho nhanh khỏi, không dùng thì lâu khỏi hơn, cứ vậy, những lần sau tôi cứ mua thôi, không hỏi nữa”.

Còn anh Phạm Hồng Thanh (Quận 7), hay sử dụng đơn thuốc cũ của con trai lớn để mua cho con trai nhỏ khi có triệu chứng tương tự. “Con nít thì loanh quanh mấy triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, nhiễm khuẩn hô hấp nên thuốc uống cũng chỉ là mấy loại thông thường, có đi bác sĩ thì cũng kê mấy loại thuốc đó thôi”, anh Bình lý giải.

Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh, sử dụng lại toa thuốc cũ là thói quen nguy hiểm và thường gặp của nhiều người. Cha mẹ đưa con đi khám bác sĩ, được cho toa thuốc uống khỏi bệnh, lần sau thấy trẻ bệnh tương tự lại đem toa đi mua thuốc về uống.

Bên cạnh đó, nhiều người lại thường ngưng cho con uống thuốc hai, ba ngày, thấy triệu chứng thuyên giảm thì thôi không uống tiếp, hoặc việc đang theo y lệnh của bác sĩ này chưa thấy hiệu quả liền đổi sang bác sĩ khác với toa thuốc khác cũng rất thường gặp. Thậm chí, cha mẹ không biết con đang được uống kháng sinh, chỉ nghĩ rằng những thuốc đó có tác dụng chữa bệnh. “Việc sử dụng kháng sinh sai, bừa bãi ảnh hưởng rất lớn tới trẻ sau này”, bác sĩ Nguyễn Trần Nam nhìn nhận.

Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng, là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á và chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, căn cơ, các quầy thuốc chưa có ý thức cao về bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Chị Lê Thị A., một dược sĩ bán thuốc tại Quận 4, cho biết: Cá nhân vẫn biết bán kháng sinh phải có đơn, nhưng không có đơn vẫn bán, bởi nếu không bán thì mất khách, phải bán kháng sinh để người dân yên tâm là nhanh khỏi bệnh. Còn chị L.T.V., giám đốc một doanh nghiệp lữ hành cho biết: Mỗi chuyến đưa khách đi nước ngoài, chị đều phải mua kháng sinh mang đi. “Ra hiệu thuốc ở nước ngoài mua kháng sinh họ không bán, nên nếu muốn uống kháng sinh, thì phải mua sẵn ở Việt Nam rồi mang đi, ở quầy thuốc nào chả bán kháng sinh, thậm chí các bà ở chợ cũng bán kháng sinh!”.

Ðáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng (CA-RTI) là một phần nguyên nhân của các bệnh hô hấp phổ biến như viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi cộng đồng… Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên Chi hội Hen-Dị ứng-Miễn dịch-Lâm sàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, việc dùng kháng sinh nào cho loại bệnh nào, tỷ lệ chính xác được đo… bằng kinh nghiệm, các dược tá, dược sĩ là người tư vấn cách dùng thuốc, liều dùng thuốc, thì nay trở thành bác sĩ kê đơn hết, phải kê kháng sinh phổ rộng nhất, áp dụng cho loại bệnh nào cũng được, như vậy rất nguy hiểm.

“Kháng sinh phải dùng đúng liều với sự theo dõi của bác sĩ từ ba đến bảy ngày, nhưng người dân chỉ mua thuốc kháng sinh, uống khoảng ba ngày là thôi, trong khi một liều tối thiểu phải năm ngày. Ðó là uống thuốc ba không: không đúng cách, không đúng thuốc, không đúng liều”. Là chuyên gia về hen suyễn, bác sĩ Tuyết Lan cho biết thêm: Trong các phác đồ điều trị hen của Bộ Y tế, nếu không có bội nhiễm thì không dùng kháng sinh, nhưng hầu hết các toa thuốc bệnh nhân đến khám ở đây, tôi xem hồ sơ dùng thuốc trước đó, thì toa nào cũng có kháng sinh, mở toa ra đầu tiên là kháng sinh, đáng nói là nhiều hồ sơ đều đến từ các bệnh viện lớn.

Thực tế hiện nay cho thấy, Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn, trong đó các hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc đã bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán thuốc chưa nghiêm. Công tác hậu kiểm còn nhiều hạn chế do số lượng nhà thuốc quá lớn, lực lượng quản lý còn mỏng. Hơn nữa, chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ răn đe, chưa xóa được tình trạng bán thuốc không kê đơn. Hành vi bán lẻ loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000-500.000 đồng; hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn chỉ bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.

Các chuyên gia trong ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh cùng chung mong muốn Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu làm giảm tỷ lệ kháng thuốc của các loại vi sinh vật; đồng thời, đầu tư nghiên cứu các loại kháng sinh thế hệ mới; quản lý tốt thuốc kháng sinh trong các cơ sở y tế và trong cộng đồng; công tác tuyên truyền, truyền thông cho người dân hiểu đúng về cách dùng kháng sinh cần được làm nghiêm túc, hiệu quả và siết chặt quản lý thuốc kháng sinh trong điều trị nội trú, ngoại trú; quan tâm hơn đến công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, có chế tài mạnh mẽ hơn trong xử phạt các hành vi vi phạm.

(★) Xem Báo Nhân Dân, Trang Thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 12/5/2023.