Báo động lạm dụng thuốc kháng sinh

Báo động việc lạm dụng thuốc kháng sinh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP Hồ Chí Minh cảnh báo: Mức độ kháng thuốc kháng sinh hiện nay ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khỏe cộng đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Các bác sĩ điều trị kháng kháng sinh phải mặc tạp dề kháng khuẩn, tuân thủ quy trình sát khuẩn kỹ càng.
Các bác sĩ điều trị kháng kháng sinh phải mặc tạp dề kháng khuẩn, tuân thủ quy trình sát khuẩn kỹ càng.

Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với nguy cơ trong tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật, điều trị ung thư và cấy ghép mô…

Bài 1: Hiểm họa từ kháng kháng sinh

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Thị Ngọc Khánh, Phó Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, những năm trước, bệnh nhân sau điều trị kháng sinh một thời gian mới xuất hiện những biểu hiện đa kháng. Thời gian gần đây, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh nhân không có điều kiện được thăm khám đầy đủ, tự điều trị bệnh tại nhà, cùng nhiều yếu tố khách quan khác... đã xuất hiện nhiều trường hợp mới nhập viện đã có kết quả dương tính với các chủng đa kháng.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy một bệnh nhân nam, nhập viện tháng 2/2023, trong tình trạng đau bụng, xuất huyết tiêu hóa. Sau khi nội soi không ghi nhận bất thường, bệnh nhân có nền phình động mạnh chủ ngực, chuyển lên khoa phẫu thuật mạch máu điều trị thì phát hiện dương tính với vi-rút chủng đa kháng. Theo các bác sĩ tại khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, điều trị ca bệnh này gặp rất nhiều khó khăn, bởi bệnh nhân liên tục xuất hiện triệu chứng đa kháng, gây cản trở rất nhiều trong quá trình điều trị.

Một bệnh nhân khác, chuyển viện từ tỉnh Quảng Nam, bị nhiễm trùng đường mật, nhiễm trùng huyết, khi xét nghiệm phát hiện nhiễm trùng vi trùng gram âm đa kháng nên rất khó khăn cho các bác sĩ lựa chọn loại kháng sinh điều trị cho bệnh nhân, nhất là buộc phải sử dụng kháng sinh mạnh, chi phí cao, thời gian điều trị kéo dài và phải theo dõi thường xuyên… Bệnh nhân đến từ tỉnh Tiền Giang, là chủ trại tôm, cá, nhập viện do nhiễm trùng, nhiễm độc cẳng bàn chân phải, bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với nước lợ, bị nhiễm trùng. Sau đó, bệnh nhân tự dùng lá thuốc dân gian để đắp, và uống các loại thuốc dân gian, tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng hơn, dẫn đến nhiễm độc hoại tử cẳng chân và lan tới đùi.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng… Phác đồ điều trị cho những ca bệnh này phải sử dụng kháng sinh điều trị những vi trùng đa kháng và kết hợp ngoại khoa cắt bỏ chân phải để ngăn chặn sự lây lan nhiễm trùng của vết thương. “Do quá trình bệnh nhân đắp các loại lá dân gian và tự điều trị tại nhà, không được điều trị đặc hiệu, khi nhập viện đã xuất hiện vấn đề kháng kháng sinh rồi, nên quá trình điều trị rất khó khăn”, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Khánh cho biết.

Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Năm 2023, bệnh viện ghi nhận năm loại vi khuẩn đa kháng nhiều nhất gồm: A.baumannii; E.coli; S.aureus; K.pneumoniae; P.aeruginosa. Đây là mối đe dọa hàng đầu với người bệnh. Vi khuẩn đa kháng thuốc đang trở thành “đại dịch” âm thầm diễn ra mạnh mẽ và phức tạp.

Nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong hàng loạt vì không còn thuốc chữa. “Hiện nay, tại Bệnh viện Chợ Rẫy có những bệnh nhân kháng kháng sinh, phải dùng đến những liều kháng sinh khoảng 400-600 USD/liều và mỗi ngày phải dùng hai đến ba liều kháng sinh. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, ngoài điều trị những trường hợp nhiễm nặng hoặc đồng nhiễm, bội nhiễm, các chuyên gia y tế đã ghi nhận sự xuất hiện và gây tử vong nhiều hơn bởi các loại vi khuẩn gram âm đa kháng. Nhiều bệnh nhân vượt qua được các nguy cơ về Covid-19 lại tiếp tục rơi vào nguy kịch, tử vong do nhiễm trùng bệnh viện.

“Tình trạng nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc đã khiến nhiều bệnh nhân không chết vì Covid-19 mà chết vì nhiễm khuẩn. Vi khuẩn đa kháng thuốc sẽ vô hiệu hóa hiệu quả điều trị của các loại kháng sinh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong cho rất nhiều người bệnh”-Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Quốc Hùng nhấn mạnh. Bác sĩ Thùy Dương, Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Quân y 175 cũng cho biết: Tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh ở bệnh nhân tỷ lệ ngày càng cao.

Tại Bệnh viện Quân y 175, nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ vi khuẩn Acinetobacter kháng nhóm kháng sinh Carbapenem là 60% và chỉ còn nhạy 82% với Colistin, 54% với Minocyclin. Đối với vi khuẩn Klebsiella, có tới 80% số chủng phân lập được kháng Carbapenem, số kháng sinh còn nhạy để lựa chọn cho các chủng này rất ít. “Các bệnh nhân xuất hiện tình trạng đa kháng không chỉ ở bệnh nhân lớn tuổi, đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các bệnh nhân còn rất trẻ”- bác sĩ Thùy Dương cho hay.

Hiện nay, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Các chuyên gia cho rằng, trong tình huống xấu nhất khi xảy ra tình trạng kháng kháng sinh buộc các bác sĩ phải quay trở lại sử dụng một loại kháng sinh rất cũ có tên colistin. Loại kháng sinh này đã ngừng sử dụng trong khoảng gần nửa thế kỷ qua vì độc tính cao, thường gây ra các vấn đề về thận và thần kinh.

Nhưng độc tính cao làm cho nó trở thành một loại thuốc cuối cùng mà các bác sĩ không muốn sử dụng. Vi khuẩn kháng colistin gây ra các bệnh nhiễm trùng mà hiện tại không có phương pháp điều trị bằng kháng sinh hiệu quả. “Tuy nhiên mười năm gần đây giới khoa học chưa tìm ra thêm một loại kháng sinh nào hữu hiệu” Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hùng Vân, Chủ tịch Liên chi hội Vi sinh lâm sàng TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Thuốc kháng sinh bao gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng vi-rút, thuốc chống nấm và thuốc chống ký sinh trùng, là những loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng ở người, động vật và thực vật. Kháng thuốc kháng sinh (kháng kháng sinh) xảy ra khi vi khuẩn, vi-rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn phản ứng với thuốc khiến cho việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong. Do kháng thuốc, thuốc kháng sinh và các loại thuốc chống vi trùng khác trở nên vô hiệu và nhiễm trùng ngày càng trở nên khó khăn hoặc không thể điều trị.

(Còn nữa)