Báo động chất lượng thực phẩm từ chợ online

Việc mua bán thực phẩm trên chợ online, mạng xã hội đang trở thành xu thế được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Mua sắm thực phẩm trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. (Ảnh MINH ĐỨC)
Mua sắm thực phẩm trên mạng đã trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. (Ảnh MINH ĐỨC)

Tuy nhiên, theo phản ánh của bạn đọc, do công tác kiểm soát, quản lý còn nhiều bất cập… khiến việc kinh doanh hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên không gian mạng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Dạo quanh các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok hay trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee… đều có bán các mặt hàng thực phẩm, đa dạng, phong phú, từ đồ ăn vặt, thực phẩm chế biến sẵn, đóng hộp đến đồ tươi, sống. Chỉ cần có điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể mua mọi thứ và được giao đến tận nhà.

Đáng chú ý, các sàn TMĐT đều ghi nhận số lượng đơn hàng của ngành hàng thực phẩm tươi sống có mức tăng trưởng cao hơn so với trước đây. Các mặt hàng bán chạy nhất trên mạng chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm có thể bảo quản lâu hoặc bổ dưỡng cho sức khỏe như sữa, mì ăn liền, miến ăn liền, sữa bột, nho không hạt…

Chị Nguyễn Thu Phương ở quận Hoàng Mai (Hà Nội), cho biết: “Trung bình một tuần, tôi đặt mua thực phẩm trên mạng từ 3-4 lần. Các mặt hàng thường là hoa quả, đồ ăn chín, đồ ăn vặt… Tôi cũng không biết nguồn gốc của sản phẩm, song vì tiện và ăn cũng thấy ngon miệng, giá cả hợp lý cho nên mua thường xuyên”.

Bên cạnh các nhà hàng, cơ sở kinh doanh đồ ăn uống có đăng ký kinh doanh, có chứng nhận an toàn thực phẩm mở bán online, không ít địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình không có giấy phép kinh doanh, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Liên quan vấn đề này, ngày 17/7/2024, tại hội thảo “Kết nối sản phẩm thực phẩm an toàn vào kênh phân phối hiện đại”, bà Lê Thị Hà (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho biết, hiện nay các mặt hàng thực phẩm ngày càng xuất hiện nhiều trên sàn TMĐT thông qua các website bán hàng, các ứng dụng trên các thiết bị di động.

Người dân có thể dễ dàng mua các loại thực phẩm trên thị trường mạng chỉ trong vài phút đặt hàng, thanh toán và nhận đơn hàng tận nhà. Song cùng với tiện ích nêu trên, vấn đề đặt ra hiện nay đó là việc kiểm soát chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm trên môi trường TMĐT.

Năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn giao dịch TMĐT rà soát quy trình, biện pháp kiểm duyệt người bán, sản phẩm/dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện (nhất là đối với các sàn có kinh doanh thực phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, bia) và một số sản phẩm theo yêu cầu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Kết quả đã gỡ bỏ 17.234 sản phẩm và chặn 5.576 gian hàng vi phạm.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác phối hợp rà soát, trao đổi và cung cấp thông tin giữa các đơn vị liên quan như lực lượng quản lý thị trường, cơ quan công an, Cục An toàn thực phẩm... về các đối tượng sử dụng các website và ứng dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực thực thi pháp luật về TMĐT, đào tạo các cán bộ làm công tác thực thi pháp luật, công tác quản lý nhà nước nắm rõ các quy định mới trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ đó hoàn thiện năng lực thực thi trong công tác chuyên ngành liên quan. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và

phổ biến chính sách pháp luật bằng nhiều phương thức khác nhau đến người tiêu dùng, tận dụng các nền tảng mạng xã hội mới, các hình thức truyền tải thông tin mới như livestream, AI... để lan truyền thông điệp về an toàn thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng, khi mua hàng cần kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ; tìm hiểu kỹ thông tin hàng hóa trước khi mua; không chọn mua và sử dụng các hàng hóa giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện có các cá nhân, tổ chức bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng và quyền lợi của các cá nhân, tổ chức đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng được cấp phép.