Bảo đảm xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng những chuyến xe đầu kéo container vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu vẫn ra vào nhộn nhịp tại khu vực cảng Cát Lái.

Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, TP Hồ Chí Minh.
Đại diện doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1, TP Hồ Chí Minh.

Đây là nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng nhằm giữ mạch lưu thông, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Mặc dù tình hình kinh tế trong nước và thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực do dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực kết nối, ký kết được các hợp đồng xuất khẩu. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.

Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Thiên Lộc Thanh Dương Quang Trung cho biết: “Hiện nay, chúng tôi xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ tinh chế đi Hoa Kỳ đều đặn khoảng 300 container/tháng. Với lượng hàng nhiều như vậy, việc làm thủ tục hải quan xuất khẩu tại cảng Cát Lái vẫn rất thuận lợi, nhanh chóng”.

Cảng Cát Lái là nơi có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn. Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 làm thủ tục thông quan từ 1.000 đến hơn 2.000 tờ khai mỗi ngày. Để bảo đảm khối lượng lớn hàng hóa được thông quan kịp thời, Chi cục đã triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ.

Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh) Lê Nguyên Linh, chia sẻ: “Từ hơn một tháng nay, nhân sự tại Chi cục chỉ bố trí 50% làm việc tại chỗ so với ngày thường, nhưng vẫn phải bảo đảm khối lượng công việc như cũ. Chúng tôi động viên cán bộ, nhân viên làm việc thêm giờ để bảo đảm hoàn thành thông quan hồ sơ sớm nhất, không để ùn ứ công việc cho kíp trực sau. Chi cục phối hợp cơ quan khai thác cảng là Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh gọn các thủ tục thanh toán. Đồng thời chủ động phối hợp các cơ quan giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục chuyên ngành như kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm… để hoàn chỉnh thủ tục thông quan sớm. Nhờ đó, trong thời gian gần đây, tiến độ làm tờ khai thông quan vẫn bảo đảm. Hàng xuất khẩu tháng 5 thực hiện hơn 20 nghìn tờ khai; tháng 6 là 22 nghìn tờ khai. Hàng nhập khẩu tháng 5 là hơn 34 nghìn tờ khai và tháng 6 là hơn 30 nghìn tờ khai”.

Bảo đảm xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh -0
 Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP Hồ Chí Minh.

Dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp không ít trở ngại trong lưu thông hàng hóa khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng tại nhiều địa phương. Khó khăn nhất của các doanh nghiệp vận tải là các địa phương kiểm soát giấy xét nghiệm Covid-19 của các lái xe. Nhiều doanh nghiệp làm xong thủ tục, đã lấy hàng ra khỏi cảng nhưng muốn chở container về các địa phương, như: Bình Dương, Đồng Nai hay thậm chí ra Quảng Ngãi, Bình Định đều bắt buộc lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

Điều đáng nói, mỗi địa phương có những quy định khác nhau về thời gian hiệu lực kết quả xét nghiệm, nơi thì ba ngày có nơi thì bảy ngày khiến các lái xe và chủ DN gặp rất nhiều khó khăn khi tìm “giấy thông hành” này. Ngoài ra, giá xét nghiệm tại TP Hồ Chí Minh mỗi nơi mỗi khác, giao động từ 238.000 – 500.000 đồng/lần cũng gây khó cho doanh nghiệp.

Giám đốc Công ty cổ phần logistic Ngọc An Ngô Tùng Bảo, đưa ra đề xuất: “Nếu các địa phương linh hoạt hơn, tổ chức lại công tác kiểm soát thuận tiện hơn cho các phương tiện hàng hóa ra vào tỉnh thì đỡ rất nhiều cho doanh nghiệp và các lái xe. Chẳng hạn, tại các điểm chốt chặn ra vào, các tỉnh có thể bố trí những cán bộ y tế tiến hành test nhanh các lái xe. Nếu đủ điều kiện thì cho họ đi tiếp, nếu không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch thì giữ lại. Điều này tránh được tình trạng ách tắc, chờ đợi ở bệnh viện, tập trung nhiều người. Điều mong muốn nhất của chúng tôi là các lái xe được sớm bố trí tiêm vaccine phòng Covid-19”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh nên có kế hoạch tiêm vaccine cho nhân viên các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa để nâng cao hiệu quả an toàn phòng, chống dịch vì đây là đối tượng phải di chuyển nhiều, nguy cơ lây nhiễm rất cao. Khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ cho toàn Thành phố, khó khăn lớn nhất vẫn là làm thủ tục thông quan cho doanh nghiệp. Theo Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Lê Nguyên Linh, Chi cục đã chuẩn bị các tình huống có thể xảy ra do dịch bệnh. Công chức hải quan có thể sinh hoạt tại đơn vị để cơ quan luôn bảo đảm có nhân lực thực hiện thông quan hàng hóa kể cả khi dịch bệnh bùng phát.

Để bảo đảm phòng, chống dịch, Chi cục đã thay đổi cách thức làm việc, tăng cường giải quyết các hồ sơ, thủ tục của doanh nghiệp qua các phương tiện điện tử, điện thoại, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ hải quan với các khách hàng. Với các kịch bản đối phó kỹ càng mọi tình huống, Chi cục cố gắng làm thủ tục sớm nhất cho doanh nghiệp, góp phần không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa do dịch Covid-19 gây ra.

Quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh