Tại vùng “ngọt hóa” Gò Công, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024 từ ngày 5-15/10/2023.
Vụ đông xuân này, gia đình ông Nguyễn Văn Bảy ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông gieo sạ 0,4 ha lúa. Ông Bảy cho biết: “Tôi đã cày xới và vệ sinh đồng ruộng hơn một tuần nay. Giờ đợi giống lên mọng sẽ gieo sạ. Xuống giống thời điểm này, nông dân thu hoạch lúa sau Tết Nguyên đán hy vọng sẽ trúng mùa hơn”.
Bà con nông dân các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, thị xã Cai Lậy… cũng tất bật xuống giống vụ lúa đông xuân 2023-2024 theo phương án nước rút đến đâu xuống giống đến đó. Bảo đảm kịp khung lịch thời vụ là cách để hạn chế rầy nâu và né hạn, mặn ở cuối vụ; quan trọng hơn, không ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ hè thu 2024 tiếp theo, nhằm bảo đảm sản xuất được ba vụ lúa/năm.
Vừa gieo sạ xong gần 0,8 ha lúa, ông Lê Văn Chữ ở xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, so với mọi năm, vụ đông xuân năm nay bà con xuống giống tương đối sớm do mực nước nổi năm nay không nhiều, hệ thống đê bao tương đối khép kín và thời tiết tương đối thuận lợi.
Năm nay, ông Chữ chọn giống Đài Thơm 8 để gieo sạ cho tất cả diện tích lúa của gia đình. Theo ông, khu vực này, đa số bà con đều chọn giống lúa Đài Thơm 8 vì năng suất cao, chất lượng tốt hơn lúa thường và được thương lái ưa chuộng…
Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Tiền Giang đã gieo sạ vụ đông xuân được gần 10.000 ha trong số 44.760 ha kế hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con nông dân sạ thưa, sử dụng khoảng từ 80-100 kg/ha, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại theo IPM, giảm phân bón hóa học và quan tâm diệt chuột ở đầu vụ.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, để vụ lúa đông xuân 2023-2024 thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ nhằm tránh ảnh hưởng của xâm nhập mặn, nhất là các huyện, thị xã phía đông tỉnh.
Cùng với đó, thực hiện chuyển đổi theo hướng canh tác lúa chất lượng cao, hữu cơ và thay đổi một số giống lúa mới theo nhu cầu thị trường; áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào canh tác, sử dụng nguồn nước tưới hợp lý; bảo vệ đất, hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngành nông nghiệp tỉnh đã sớm triển khai các giải pháp ứng phó với hạn, mặn ảnh hưởng trực tiếp đến cây lúa, như kiểm tra, xử lý kịp thời các công trình ngăn mặn theo phân cấp quản lý; củng cố hệ thống đê bao ngăn lũ, triều cường có sẵn; tổ chức ngăn mặn, trữ ngọt…
Tại tỉnh Long An, đa số vùng trồng lúa đã được khép kín, nông dân tranh thủ xuống giống lúa đông xuân 2023-2024 nhằm bảo đảm sản xuất ba vụ lúa/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ nhiều đợt với gần 59.000 ha.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Bắc Hòa, huyện Tân Thạnh (Long An) gieo sạ 4,5 ha lúa đông xuân 2023-2024 với giống lúa OM 18. Đến nay, trà lúa của gia đình ông đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Ông Tâm cho biết: “Khi mới xuống giống gặp mưa liên tục cho nên lúa giống bị chết khá nhiều, số lượng cây thưa. Ngoài ra, chi phí bơm tát do triều cường tràn vào ruộng cũng khá cao. Dự tính, lợi nhuận của vụ đông xuân này sẽ thấp hơn năm trước”.
Để bảo đảm sản xuất vụ lúa đông xuân 2023-2024 thắng lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Long An khuyến cáo nông dân tập trung xuống giống theo lịch thời vụ để tránh thiệt hại. Theo đó, đợt 1 xuống giống ở vùng gò biên giới thuộc các huyện phía bắc và một số xã phía nam thuộc huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa và Tân Trụ có khả năng thiếu nước tưới cuối vụ từ ngày 15-25/10; đợt 2, xuống giống từ ngày 13-25/11 ở các huyện, thị xã phía nam khu vực vùng đất trung bình, vùng có đê bao, các xã chủ động nguồn nước; đợt 3, xuống giống từ ngày 10-25/12 ở các huyện vùng trũng thuộc Đồng Tháp Mười đê bao chưa khép kín.
Ngành nông nghiệp tỉnh Long An lưu ý các địa phương phía nam tỉnh cần theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn nên chuyển sang canh tác cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng. Các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cần chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng; sử dụng biện pháp tích trữ nước, tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân gieo sạ dứt điểm vụ lúa đông xuân 2023-2024 trong tháng 11/2023 và hạn chế gieo sạ trong tháng 12/2023.
Vụ lúa đông xuân quyết định rất lớn sản lượng lúa cả năm của tỉnh Tiền Giang và Long An. Vì vậy, ngoài việc bảo đảm diện tích, năng suất, sản lượng, bà con nông dân cần chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp nhằm gia tăng chất lượng lúa, gạo…