Bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm

Dù đã được quan tâm về nguồn vốn, cơ chế, nhưng vẫn còn khá nhiều dự án trọng điểm tại Hà Nội chậm tiến độ, thậm chí kéo dài thời gian triển khai. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, mà còn là “điểm nghẽn” cho sự phát triển chung của thành phố, đòi hỏi các cấp, các ngành phải vào cuộc quyết liệt hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát tiến độ dự án hầm chui Kim Đồng tại quận Hoàng Mai.
Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội giám sát tiến độ dự án hầm chui Kim Đồng tại quận Hoàng Mai.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 (đoạn Ba La-Xuân Mai), có tổng diện tích đất phải thu hồi là 111,46 ha nằm trên địa bàn huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông. Hiện nhiều đoạn tuyến đang phải thi công “xôi đỗ”, trong đó, riêng gói thầu số 3/QL6-XL (Km22+220-Km25+030), nhà thầu mới nhận bàn giao mặt bằng 1,52 km/2,81 km để thi công. Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho hay, chủ đầu tư đang tích cực phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, gỡ vướng trong giải phóng mặt bằng. Dự kiến, với đoạn qua địa bàn xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nhà thầu thảm bê-tông nhựa hạt thô vào cuối tháng 12/2023.

Trong khi đó, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị được giao tiếp tục triển khai thực hiện hai dự án được chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang gồm: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) và dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Tuy nhiên, hai dự án này vẫn chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Dù các cấp, các ngành đã vào cuộc tháo gỡ, nhưng còn rất chậm so với yêu cầu đề ra.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, các công trình trọng điểm luôn được ưu tiên bố trí đủ vốn theo tiến độ dự án và khả năng hấp thụ vốn. Bên cạnh đó, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc triển khai các công trình còn chậm cả về thủ tục đầu tư, thi công thực địa và giải ngân vốn đầu tư. Nhiều công trình như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên... công tác chuẩn bị đầu tư rất chậm, khó thực hiện việc khởi công theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố đề ra.

Tại đợt giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố gần đây về các dự án trọng điểm cũng cho thấy, còn nhiều dự án phải gia hạn thời gian thực hiện do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hồ sơ pháp lý, thủ tục hành chính. “Trong đó, nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư nhiều lần cho thấy chất lượng của công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt”, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quý Tiên nói. Trong khi đó, một số chủ đầu tư cho biết, vướng mắc chính là công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy mạnh hơn. Đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các quận, huyện, sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng (Quốc lộ 6 đoạn Ba La-Xuân Mai, đường kết nối đường Pháp Vân-Cầu Giẽ với đường vành đai 3, hầm chui tại nút vành đai 2,5-đường Giải Phóng...).

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, mới đây Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 272/KH-UBND về tiến độ triển khai các công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tổng số dự án công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2021-2025 sau điều chỉnh là 42 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là 353.192 tỷ đồng thuộc 11 lĩnh vực. Trong đó, 35 dự án sử dụng vốn ngân sách, một dự án đầu tư theo hình thức PPP, sáu dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đến nay, thành phố đã hoàn thành hai công trình (cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng); 13 dự án đầu tư được bố trí kế hoạch vốn năm 2023 để triển khai thực hiện; 14 dự án đầu tư mới đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa phê duyệt dự án; bảy dự án đầu tư đã được giao nhiệm vụ nhưng chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; một dự án đầu tư chưa được giao nhiệm vụ; việc triển khai sáu dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa còn chậm.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ quyết liệt triển khai, phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác 16 dự án, trong đó có 14 dự án sử dụng vốn ngân sách; một dự án đầu tư theo hình thức PPP, một dự án đầu tư trực tiếp theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, các cơ quan tập trung hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh việc thực hiện 26 dự án theo kế hoạch sẽ hoàn thành sau năm 2025.

Để thực hiện mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trọng điểm; tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư công; tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị lập kế hoạch giải ngân cụ thể và cam kết và chịu trách nhiệm toàn diện với thành phố về kết quả giải ngân. Thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, nâng cao tính chủ động trong phối hợp, xử lý các khó khăn, vướng mắc, nhất là trong giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ đề ra ■