Sở Công thương Hà Nội cho biết, dù thành phố đã yêu cầu ngành điện cần chủ động xây dựng các kịch bản cấp điện khác nhau, không để xảy ra thiếu điện trong những ngày nắng nóng, nhất là khi nhiệt độ ngoài trời cao hơn 360C như vào ngày 4/7/2022 đã xảy ra tình trạng mất điện diện rộng tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố.
Thiếu mặt bằng, nhiều dự án chưa được triển khai
Nguyên nhân của sự cố này là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao cộng với một số tổ máy phát điện đầu nguồn bị sự cố, gây ra gián đoạn cung cấp điện toàn miền bắc, trong đó có thành phố Hà Nội. Trong nhiều giờ, sự cố này mới được khắc phục, ảnh hưởng đời sống và hoạt động sản xuất, kinh doanh. "Sự việc cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc tăng cường đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng năng lượng nhằm nâng cao mức độ dự phòng của hệ thống lưới điện" - lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh.
Trong năm 2022, dù ngành điện đã cải tạo, xây dựng mạng lưới điện 110kV, 220kV, 500kV, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Hiện, tỷ lệ các dự án được khởi công mới chỉ đạt 46,67%, tỷ lệ công trình hoàn thành đạt 60,7%. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Ðiện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) Nguyễn Quang Trung cho biết, hiện Tổng công ty vẫn chưa nhận được mặt bằng nhiều dự án, như dự án trạm biến áp 220/110kV Thanh Xuân, trạm biến áp 110kV Tây Hồ Tây và nhánh rẽ đường dây 110kV, trạm biến áp 220/110kV Ðại Mỗ và nhánh rẽ 220kV, trạm biến áp 220/110kV Phú Lương… Vì vậy, các dự án đã bị chậm tiến độ khởi công xây dựng theo kế hoạch phát triển điện lực năm 2023 của thành phố Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Ðình Thắng cho biết, năm 2022, các cơ quan, đơn vị và các chủ đầu tư công trình điện đã nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Tại một số địa phương như quận Nam Từ Liêm, người dân chưa đồng thuận với đơn giá bồi thường, hỗ trợ dẫn đến quá trình bàn giao mặt bằng thi công bị chậm, ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chưa chủ động các bước chuẩn bị nên khi triển khai gặp vướng mắc dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Sau khi Luật Ðầu tư số 61/2021/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, hầu hết các công trình điện 500kV, 220kV và 110kV bao gồm cả xây dựng mới và cải tạo mở rộng đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật, làm phát sinh thêm thủ tục thực hiện, gây kéo dài thời gian so với trước đây. Việc phát triển lưới điện cũng gặp một số khó khăn liên quan thỏa thuận vị trí và hướng tuyến, chưa thống nhất giữa các quy hoạch nên phải chờ điều chỉnh cục bộ.
Đẩy nhanh tiến độ thi công
Việc chậm triển khai các dự án xây dựng trạm biến áp, đường dây tải điện sẽ ảnh hưởng việc cung ứng điện cho Hà Nội. Phó Cục trưởng Cục Ðiện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng nêu rõ, việc chậm trễ triển khai xây dựng các trạm biến áp, đường dây tải điện khiến EVN Hà Nội hiện đã sử dụng hết 80% công suất cung ứng. "Hiện, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn Thủ đô rất cao và sẽ tăng cùng tốc độ phát triển kinh tế. Vì vậy, nếu việc xây dựng, đưa vào hoạt động các trạm biến áp, đường dây tải điện bị chậm trễ, rất có thể Hà Nội sẽ thiếu điện vào năm 2024-2025"- ông Bùi Quốc Hùng dự báo.
Ðể bảo đảm nguồn điện cung ứng cho Hà Nội thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Ðức cho rằng, ngành điện lực nên quy hoạch lại mạng lưới điện như trạm biến áp, đường dây tải điện sao cho phù hợp quy hoạch vùng Thủ đô. Riêng với trạm biến áp 500kV, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam không nên quá chú trọng xây dựng trên địa bàn Hà Nội mà nên xây dựng tại một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh… để không chỉ cung ứng điện cho Hà Nội, mà còn phục vụ cho các tỉnh đồng bằng sông Hồng, đồng thời giải quyết bài toán mặt bằng xây dựng.
Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề nghị Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia, EVN Hà Nội huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình điện trọng điểm; triển khai đầu tư xây dựng theo kế hoạch của ngành điện, trong đó ưu tiên những công trình đã bị chậm tiến độ trong thời gian dài hoặc dự án tại những vị trí cấp điện cho khu vực tăng trưởng phụ tải nhanh trong thời gian gần đây.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, thời gian tới, Sở Công thương Hà Nội phối hợp các quận, huyện giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng cho EVN Hà Nội để xây dựng trạm biến áp, đường dây truyền tải điện. Ðối với quy hoạch các trạm biến áp, EVN nên xây dựng kế hoạch đặt một số trạm tại những địa phương chung quanh Hà Nội. Quá trình xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống điện cần quan tâm đến quy hoạch vùng Thủ đô, từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp thực tế và phù hợp quy hoạch.