Bảo đảm sản xuất và cung ứng nông sản trong dịch Covid-19

NDO -

Để bảo đảm sản xuất và cung ứng nông sản trong dịch Covid-19, Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi... ở các tỉnh, thành phố phía nam.

Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa.
Nông dân thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thu hoạch lúa.

Cụ thể, Tổ Công tác 970 (Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 ) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có kiến nghị: Chính phủ chỉ đạo các địa phương 19 tỉnh, thành phố phía nam ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện “3 tại chỗ” và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị” để bảo đảm sản xuất và cung ứng nông sản trong dịch Covid-19.

Đủ cung ứng con giống, nhu cầu thịt trứng trong 6 tháng cuối năm

Theo số liệu báo cáo của Tổ công tác 970, thu hoạch lúa hè thu tại các tỉnh Nam Bộ hiện đạt 600.000 ha/1,593 triệu ha; gieo sạ lúa thu đông được 346.000 ha/700.000 ha kế hoạch, đạt 51%.

Theo cân đối cung cầu từ nay đến cuối năm 2021 ở các tỉnh Nam Bộ, thu hoạch 900.000 ha lúa hè thu và 700.000 ha lúa thu đông, sản lượng chung ước đạt 7,5 triệu tấn, lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu 3,5 triệu tấn.

Đối với cây ăn quả, lượng đã thu hoạch khoảng 3 triệu tấn, ước sản lượng những tháng còn lại năm 2021 của 14 cây ăn quả chủ lực phía nam là 3,2 triệu tấn. Riêng trong tháng 8, ước sản lượng thu hoạch là 450.000 tấn; bao gồm vùng Đông Nam Bộ 107,6 nghìn tấn, đồng bằng sông Cửu Long 335,6 nghìn tấn.

Sản lượng rau quả dành cho xuất khẩu từ nay đến cuối năm khoảng 3 triệu tấn.

Về nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng thủy sản cả năm của 19 tỉnh, thành phố phía nam đạt khoảng 5,09 triệu tấn; trong đó sản lượng nuôi trồng là 3,35 triệu tấn, sản lượng khai thác 1,74 triệu tấn.

Ước tính riêng trong quý 2/2021, sản lượng thủy sản 19 tỉnh đạt khoảng 1,45 triệu tấn, trung bình mỗi tháng sản xuất được khoảng 483 nghìn tấn, đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, sản xuất giống tôm và cá tra đáp ứng đủ nhu cầu nuôi.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, trung bình mỗi tháng khu vực Nam Bộ sản xuất khoảng 141.000 tấn lợn, 55.000 tấn gà, 550 triệu quả trứng gia cầm.

Trong 7 tháng đầu năm, tổng đàn gia súc, gia cầm phía nam tăng trưởng khá. Lượng thịt heo khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 6,2%; thịt trâu bò 141 nghìn tấn, tăng 75%; gia cầm 380 nghìn tấn, tăng 7,9%; trứng 4,1 tỷ quả, tăng 5,5%.

Cân đối cung cầu giống chăn nuôi từ nay đến cuối năm, lượng lợn con theo mẹ của 19 tỉnh, thành phố phía nam hiện còn rất lớn, khoảng 1,5 triệu con. Cùng với 43.800 con lợn và 3,9 triệu con gia cầm cao sản cấp ông bà, bố mẹ nhập khẩu năm 2020, lượng con giống đang sản xuất ổn định tại các cơ sở giống đủ cung ứng con giống, nhu cầu thịt trứng trong 6 tháng cuối năm.

Khắc phục khó khăn về điều kiện sản xuất trong dịch Covid-19

Thời gian qua, Tổ công tác 970 đã phối hợp Tổ công tác các bộ, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn 19 tỉnh, thành phố phía nam, cơ bản giải quyết những vướng mặc trong lưu thông hàng hóa nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, trên thực tế, ngành nông nghiệp các địa phương đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, giải quyết kịp thời và hiệu quả công việc, tạo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông nông sản hàng hóa, vật tư nông nghiêp.

Đây là mô hình để các địa phương trong cả nước có thể vận dụng trong thời gian tới, nhằm tránh làm đứt gãy chuỗi lưu thông tiêu thụ nông sản, vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổ công tác 970, thời gian tới, sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Nam Bộ sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.

Nhu cầu thị trường vẫn rất lớn nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa do giãn cách, việc thu hoạch và sản xuất bị ảnh hưởng, như: công suất tại các nhà máy chế biến thủy sản giảm còn 50%; cây trồng không được chăm sóc, thiếu vật tư nông nghiệp, tâm lý người trồng không tốt dẫn đến nguy cơ thiếu sản phẩm có chất lượng cao để xuất khẩu.

Do đó, cần thêm nhiều giải pháp kích cầu sản xuất, động viên nông dân tiếp tục sản xuất, nhất là bảo đảm kế hoạch và sản lượng lương thực, giữ vững an ninh lương thực và một phần xuất khẩu.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam