Bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp

Được ví như cơ chế “khoán 10” trong phát triển kinh tế Việt Nam, Luật Doanh nghiệp (DN) sau 20 năm thi hành, nay đang tiếp tục được sửa đổi để hướng đến một môi trường kinh doanh an toàn và bớt rủi ro hơn cho nhà đầu tư. Một luật DN “đủ tầm” trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế sâu rộng và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yếu tố tiên quyết để xây dựng được đội ngũ DN, doanh nhân hùng hậu, đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Người dân làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: THANH LÂM
Người dân làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: THANH LÂM

Chi phí kinh doanh đã rẻ hơn

Tại hội nghị đánh giá 20 năm thực hiện Luật DN mới đây, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho biết, trước khi Luật DN năm 1999 được ban hành, thủ tục thành lập một DN kéo dài trung bình từ ba đến sáu tháng. Trong “hành trình” đó cần hoàn tất rất nhiều loại giấy tờ để xin đủ 35 chữ ký và 30 con dấu khác nhau. Vấn đề này cộng với những yếu tố khác như tham nhũng, yêu cầu xác minh nguồn gốc tài sản,… đã không khuyến khích được người dân thành lập công ty hoặc DN tư nhân. Năm 1999, Luật DN ra đời trên cơ sở hợp nhất Luật Công ty và Luật DN tư nhân đã tạo ra một khung khổ pháp lý chung cho các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường cũng như tạo sân chơi bình đẳng cho các loại hình DN. Qua 20 năm, Luật DN đã có hai lần sửa đổi, thay thế vào các năm 2005 và 2014.

Theo đánh giá của CIEM, Luật DN đã thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh, giảm rủi ro và tăng tính chủ động, nhanh nhạy trong hoạt động kinh doanh của DN. Sự thay đổi đáng kể nhất mà luật này đem lại là chất lượng dịch vụ công, thể hiện ở thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục đăng ký kinh doanh và thái độ cũng như tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức thực thi công vụ. Sau nhiều lần sửa đổi, Luật DN đã có những cải cách theo hướng tốt hơn như: Quy định cụ thể danh mục, ngành nghề cấm kinh doanh, ngành nghề có điều kiện; bỏ ghi ngành nghề kinh doanh; bỏ yêu cầu bắt buộc có con dấu DN…

Đặc biệt, lần sửa đổi gần đây nhất, trong bối cảnh thực thi Hiến pháp năm 2013, Luật DN năm 2014 đã thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp là cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh bất cứ thứ gì pháp luật không cấm. Luật đưa ra những quy định mới nhằm thay đổi đột phá về quyền kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải cách con dấu, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập DN, chuyển hoàn toàn từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Những quy định này nhằm đưa DN trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn, hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động hơn nữa mọi nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Công ty Luật NHQuang&Cộng sự nhớ lại: Tinh thần cải cách của Luật DN đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về tiếp cận thị trường, thời gian thành lập DN chỉ còn từ hai đến bốn tuần, khiến số lượng DN thành lập trong hai năm đầu thi hành luật đã gần bằng số lượng DN thành lập trong chín năm trước đó. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, nhờ những cải cách mạnh mẽ được quy định cụ thể trong Luật DN năm 2014, chỉ số khởi sự DN của Việt Nam tăng từ thứ hạng 125 năm 2014 lên 104 trong tổng số 190 nền kinh tế được xếp hạng vào năm 2019; số thủ tục phải thực hiện giảm từ 10 xuống còn chín; thời gian thực hiện thủ tục giảm từ 34 ngày xuống còn 19 ngày. Quy định về bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông liên tục thăng hạng, từ vị trí 169 năm 2013 lên vị trí 117 năm 2014 và vị trí 89 năm 2019.

Xóa bỏ tâm lý “sợ lớn”

Đồng hành cùng quá trình soạn thảo và giám sát thực thi Luật DN suốt 20 năm qua, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét: Mặc dù công tác xây dựng Luật DN có những bước đột phá nhưng quá trình tuân thủ luật lại là một thách thức. Bởi mỗi luật có tới 10 nghị định, mỗi nghị định lại có từ sáu đến bảy thông tư hướng dẫn. Ngoài ra, còn có các công văn điều hành lấy ý kiến hướng dẫn thông tư, thực chất là ý chí, thẩm quyền của các bộ vì việc soạn thảo thông tư thường không tham vấn ý kiến rộng rãi như nghị định. Do đó, Luật DN đã tạo sự công bằng trong môi trường kinh doanh nhưng vẫn chưa bắt kịp kinh tế số; quyền tự do kinh doanh vẫn bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ thanh toán, dịch vụ phi tài chính.

Chi phí tuân thủ Luật DN đã giảm đáng kể nhưng vẫn còn cao và chủ yếu giảm theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính, chưa có thể chế, định chế phù hợp. Hoạt động đầu tư kinh doanh vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro chính sách vì không tiên lượng được. Bên cạnh đó, cơ chế hậu kiểm là một điểm chưa thành công của Luật DN bởi trong thực tế, hoạt động thanh tra, kiểm tra có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật.

Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, thành viên Ban soạn thảo Luật DN cho biết: Các phiên bản Luật DN trước đều tập trung cải cách điều kiện gia nhập thị trường cho nên có nhiều ý kiến cho rằng dư địa cho cải cách ở lần sửa đổi luật năm 2019 đã tới hạn. “Nhưng theo tôi, vẫn còn nhiều dư địa trong lần sửa đổi này và có thể lấy tinh thần cải cách của Luật DN để áp dụng cho các luật khác”, ông Hiếu nhấn mạnh. Đơn cử, thủ tục gia nhập thị trường hiện có tám bước với 16 ngày, sắp tới có thể giảm thêm được một ngày. Về mục tiêu nâng cao quản trị DN, giúp DN kinh doanh an toàn hơn, dự thảo luật dự kiến sửa đổi quản trị công ty TNHH theo hướng không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, có thể thuê kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ DN có vốn nhà nước); mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông về việc tiếp cận thông tin hoạt động của công ty…

TS Nguyễn Đình Cung đúc kết: Soạn thảo luật phải tách rời khỏi thực thi chính sách, hạn chế việc các bộ xây dựng luật, tận dụng cao nhất nguồn chất xám của các chuyên gia độc lập. Như vậy mới bảo đảm tính khách quan, minh bạch. “Có hai vấn đề lớn mà hệ thống thể chế cần chú ý, đó là DN sợ lớn và muốn lớn cũng không được. Tiếp xúc với DN, tôi nhận thấy họ vẫn chưa cảm thấy thật sự an toàn để vững tâm dốc vốn, dốc sức kinh doanh, để lớn mạnh bằng thực lực của mình. Một nút thắt khác cần tháo gỡ là sửa đổi các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, và cải cách tư pháp, ông Cung nói.

Luật DN đang được Chính phủ trình Quốc hội xin ý kiến sửa đổi tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XIV. Những nội dung lớn được đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm: Bãi bỏ một số thủ tục không còn cần thiết như: thủ tục thông báo mẫu dấu, thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN, cho phép thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử (không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay); sửa đổi quy định về DN nhà nước; đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật DN bằng việc bổ sung một chương riêng.

(Nguồn: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư)