Bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

NDO -

Ngày 13/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Đức Anh
Ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Đức Anh

Cần phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, nhìn chung trong những năm qua việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/12/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Kết luận số 120-KL/TW ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã thúc đẩy thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng sự đồng thuận trong nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có nảy sinh nhiều hạn chế, bất cập, một số nơi thực hiện còn hình thức, thậm chí vi phạm dân chủ gây bức xúc trong bộ phận nhân dân. Do đó, ông Ngô Sách Thực đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật, bảo đảm việc thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”…

Bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở -0
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực. Ảnh: Đức Minh 

Đóng góp ý kiến, PGS, TS Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng, Dự thảo Luật chưa đưa ra cơ chế bảo đảm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ, cần bổ sung các quy định xác định rõ vai trò trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội trong tổ chức, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Nêu thực tế về việc có thể phát sinh các vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ông Phạm Hữu Nghị cho rằng, Dự thảo Luật cũng cần bổ sung các quy định về chế tài, về các hình thức xử lý vi phạm khi thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở, tránh các trường hợp lợi dụng, lạm dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để kích động, gây rối làm ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm mất tính chính danh, uy tín của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp...

Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của công chức, cơ quan nhà nước trong bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra đối với những phản ánh của nhân dân về những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng.

“Thí dụ, những vi phạm về đất đai, quy hoạch, dân biết hết. Khi dân phản ánh thì phải vào cuộc thanh tra, cùng với đó, thanh tra nhân dân cũng có thể phối hợp làm được việc này”, ông Thường nêu ý kiến.

Bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở -0
Ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ-Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Đức Minh 

Cơ sở pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và củng cố niềm tin của Nhân dân

GS Hoàng Chí Bảo, nguyên chuyên gia cao cấp của Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh việc có được đạo luật về dân chủ ở cơ sở là bước đột phá, là bước tiến rất quan trọng trong việc xây dựng nền dân chủ Việt Nam.

Tuy nhiên, GS Bảo cho rằng dân chủ nhưng phải chịu sự kiểm soát, điều chỉnh của luật pháp, vì luật pháp là tối cao. Do đó, GS Bảo cho rằng Dự thảo Luật phải chú trọng làm rõ mối quan hệ giữa luật pháp và dân chủ. Nguyên tắc hàng đầu phải chú ý là dân chủ phải thuận với pháp luật, đúng với pháp luật và pháp luật bảo vệ quyền dân chủ của người dân.

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, việc xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là việc làm cần thiết để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, trực tiếp và gần nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa”; Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Đồng thời, đây cũng là là yêu cầu khách quan để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Bảo đảm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở -0
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Đức Minh 

“Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở khi được thông qua và được tổ chức thực hiện tốt sẽ không chỉ là kết quả thể chế hóa đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, pháp điển hóa các văn bản hiện hành về thực hiện dân chủ ở các loại hình cơ sở; mà còn là cơ sở chính trị, pháp lý để thúc đẩy đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Theo ông Lê Tiến Châu, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội phải được nhấn mạnh ở khâu chủ động đề xuất các vấn đề dân bàn, dân quyết định, dân được tham gia ý kiến; phải làm rõ hơn nữa vai trò của Mặt trận trong giám sát việc thực hiện các vấn đề dân quyết định, dân kiến nghị, yêu cầu; các phương thức để thực hiện các hoạt động giám sát xã hội theo các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu của Nhân dân; trong việc hỗ trợ Nhân dân thực hiện kiểm tra chính quyền địa phương cấp xã thực hiện các nội dung được kiểm tra; trong việc hỗ trợ Nhân dân tham gia đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân đi vào thực chất và có hiệu quả…

Do đó, ông Châu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thể hiện rõ hơn trong Dự thảo Luật về vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là các vấn đề “dân bàn, dân kiểm tra”.

Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục phối hợp các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo, tổng rà soát kỹ để dự án Luật bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, liên thông với quan điểm chỉ đạo của Đảng về mở rộng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; với Hiến pháp và các đạo luật quy định về quyền làm chủ của Nhân dân, về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.