Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải

NDO - Chiều 5/9, tại trụ sở 71 Hàng Trống, Báo Nhân Dân tổ chức Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải”, phân công ấn phẩm Nhân Dân cuối tuần phối hợp Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tham dự tọa đàm, về phía Báo Nhân Dân, có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; các đồng chí trong Ban Biên tập và đại diện lãnh đạo các ban, vụ, phòng thuộc Báo Nhân Dân.

Về phía khách mời có các đồng chí: Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Cùng dự có đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT); các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng chính sách, năng lượng, tài chính; cùng đại diện các nhà đầu tư…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với định hướng về chủ trương thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia, đã tạo nên bước đột phá quan trọng để mở rộng hơn nữa cơ hội phát triển của ngành năng lượng.

Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 1

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Triển khai định hướng chiến lược của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 55, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số Luật, cho phép thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực.

Để huy động được các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vận hành lưới điện truyền tải do họ đầu tư xây dựng đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm xây dựng được hệ thống văn bản dưới luật dựa trên những nghiên cứu khoa học và sự đóng góp ý kiến đa chiều từ các bộ, ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng.

Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 2

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Đồng chí Lê Quốc Minh cho biết, với sự tham gia của các nhà quản lý, nhà xây dựng chính sách và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, tọa đàm nhằm mang đến góc nhìn đa chiều, đầy đủ, kịp thời tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về vấn đề phát triển năng lượng quốc gia, góp phần làm rõ cơ chế đa dạng hóa các nguồn đầu tư vào xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tin tưởng, tọa đàm không chỉ góp phần làm rõ hơn những vấn đề đang đặt ra đối với hệ thống truyền tải điện hiện nay, mà còn đóng góp thiết thực vào việc xây dựng các chính sách dưới luật dựa trên những bằng chứng khoa học. Cách tiếp cận này giúp mang đến góc nhìn đa chiều, bảo đảm việc phát triển lưới điện truyền tải được diễn ra một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các tham luận tại tọa đàm tập trung vào một số nội dung gồm: tổng quan lưới điện truyền tải của Việt Nam hiện nay; nhu cầu đầu tư vào lưới điện truyền tải tới năm 2030, tầm nhìn tới 2045 theo dự thảo Quy hoạch điện VIII; thách thức, khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển lưới điện truyền tải; các kịch bản đầu tư lưới điện truyền tải Việt Nam và khuyến nghị chính sách; các yếu tố liên quan đến quá trình đa dạng hóa đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải...

Ông Đỗ Đức Hùng, Trưởng Ban Kế hoạch - EVNNPT cho biết, từ năm 2008 đến tháng 8/2022, quy mô đường dây truyền tải đã tăng gấp 2,4 lần (từ 12.015 km lên 28.678 km); quy mô trạm biến áp truyền tải tăng gấp 2,8 lần; quy mô dung lượng máy biến áp tăng gấp 4,9 lần.

Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 3

Ông Đỗ Đức Hùng, Trưởng Ban Kế hoạch - EVNNPT trình bày tham luận tại tọa đàm. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Về nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải đến năm 2030 theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng dung lượng trạm biến áp 500kV và 220kV cần xây mới trong giai đoạn 2021-2030 gấp khoảng 2,6 lần so với tổng dung lượng trạm biến áp đã đưa vào vận hành trong giai đoạn 2011-2020; số km đường dây 500kV và 220kV cần xây dựng mới gấp khoảng 3,2 lần; nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 khoảng 335.049 tỷ đồng.

Ông Hùng cũng chỉ rõ những thách thức, khó khăn trong quá trình lưới điện truyền tải liên quan đến công tác quy hoạch phát triển điện lực; thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án; quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trạm với địa phương; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; bồi thường giải phóng mặt bằng; biến động giá và thu xếp vốn…

Đại diện của EVNNPT đưa ra một số kiến nghị về cơ chế giá truyền tải và cơ chế huy động vốn, theo đó đề xuất cơ chế giá phải bảo đảm khả năng thu hồi vốn; xây dựng cơ chế giá truyền tải theo vùng miền, hoặc điểm giao nhận điện năng; duyệt giá truyền tải bảo đảm tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt tối thiểu là 3%...

Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 4
TS Nguyễn Thị Mai Anh, Chuyên gia kinh tế lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận về các kịch bản đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Trình bày tham luận về các kịch bản đầu tư lưới điện truyền tải ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Mai Anh, Chuyên gia kinh tế lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh hầu hết các phương án đều không khả thi về mặt tài chính với mức giá truyền tải hiện tại, và cần tăng giá truyền tải 23,12%-29,92% để bảo đảm tỷ suất hoàn vốn của nhà đầu tư tư nhân.

Theo đó, các cơ quan quản lý cần chỉ đạo nghiên cứu để có được giá truyền tải hợp lý, bảo đảm tính khả thi về mặt tài chính đối với việc phát triển lưới điện truyền tải. Ngoài ra, cần chỉ đạo nghiên cứu cơ cấu giá truyền tải hợp lý, phù hợp với xu thế và bảo đảm phản ánh đúng cơ cấu chi phí của giá truyền tải: giá công suất và giá điện năng; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu cơ chế phù hợp để thu hút vốn đầu tư đối với các nhà đầu tư mới, tiềm năng trong lĩnh vực truyền tải (các quỹ bền vững, khu vực tư nhân…).

Chia sẻ kinh nghiệm của châu Âu trong định giá truyền tải điện, ThS Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho rằng để đa dạng hóa đầu tư và vận hành lưới điện truyền tải ở Việt Nam, cần xem xét các yếu tố về mặt thể chế liên quan vốn đầu tư (cơ chế thu hồi vốn…), luật chơi (cơ chế mua bán, chuyển nhượng, bàn giao, các vấn đề về kỹ thuật…), tương tác giữa các chủ thể tham gia, vai trò quản lý của Nhà nước trong tương lai. Bên cạnh đó là các yếu tố về kế hoạch triển khai (danh mục đầu tư, cơ chế đấu thầu/chỉ định…) và vận hành hệ thống (hạ tầng, công nghệ, con người).

Trong phiên thảo luận, đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế đã tham gia góp ý vào một số vấn đề liên quan đến thể chế, phương pháp tiếp cận nguồn vốn và khả năng huy động vốn cho đầu tư lưới điện truyền tải; đồng thời, làm rõ các dạng dự án nào sẽ cần phải huy động vốn đầu tư của khu vực tư nhân, các cơ chế thúc đẩy các nhà đầu tư tư nhân tham gia phát triển và vận hành lưới điện truyền tải…

Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng để thu hút khối tư nhân tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng truyền tải điện, ngoài chính sách và vấn đề kỹ thuật thì phải có giá truyền tải điện phù hợp, bảo đảm nhà đầu tư có lãi và lãi phải trên mức trung bình.

Theo ông Đặng Công Khôi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, truyền tải điện là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá và có tác động lớn, cho nên việc điều chỉnh giá mang tính chất thận trọng, nguyên tắc chung khi điều chỉnh là phải bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Một số hình ảnh tại tọa đàm:

Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 5
Nhà báo Vũ Mai Hoàng, Trưởng Ban Nhân Dân cuối tuần, Báo Nhân Dân (thứ 2 từ phải sang) tham dự tọa đàm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 6
Ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phát biểu thảo luận tại tọa đàm. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bảo đảm phát triển bền vững lưới điện truyền tải ảnh 7
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương phát biểu thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)