Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải

NDO - Chiều nay (5/9), tại trụ sở Bộ Biên tập Báo Nhân Dân sẽ diễn ra Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn đầu tư xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải” do Báo Nhân Dân phối hợp cùng Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT); các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng chính sách, năng lượng, tài chính; cùng đại diện các nhà đầu tư…

Để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định chủ trương thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng đặt ra yêu cầu cần tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của nền kinh tế vào phát triển hệ thống năng lượng. Gần đây nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số Luật, cho phép thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực.

Tọa đàm do Báo Nhân Dân và VIETSE đồng tổ chức nhằm cung cấp góc nhìn đa chiều, đầy đủ, kịp thời tuyên truyền các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về vấn đề phát triển năng lượng quốc gia, góp phần làm rõ cơ chế đa dạng hóa các nguồn đầu tư vào xây dựng và vận hành lưới điện truyền tải.

Tại Dự thảo Đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII), Bộ Công thương đánh giá: Việc phát triển nguồn điện trong những năm gần đây chưa phù hợp với phân bố và phát triển phụ tải, làm mất cân bằng cung-cầu từng miền và gây sức ép lên truyền tải từ miền trung, miền nam ra miền bắc.

Xu hướng chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn điện tái tạo bất định là gió và mặt trời. Điện gió, mặt trời phát triển quá nhanh trong thời gian ngắn, tập trung chủ yếu ở miền trung và miền nam, khiến việc xây dựng lưới điện giải tỏa công suất không theo kịp.

Tỷ trọng cao (24,3% tổng công suất, 44% công suất tiêu thụ) của các nguồn điện gió, điện mặt trời đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác vận hành, điều độ kinh tế hệ thống điện, ảnh hưởng đến vận hành các nguồn nhiệt điện than, khí… Đây thật sự là thách thức lớn đối với lĩnh vực truyền tải điện trong việc bảo đảm an ninh cung cấp điện cho phát triển kinh tế-xã hội và an ninh-quốc phòng của đất nước.

Việc tổ chức tọa đàm nhằm góp phần xác định rõ hơn về tiêu chí dự án kêu gọi đầu tư tư nhân; cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư lưới truyền tải điện; quy chuẩn kỹ thuật trong vận hành và quy trình bàn giao tài sản bao gồm lưới và sân phân phối do tư nhân đầu tư; quy định ràng buộc tránh trường hợp lưới điện xây dựng xong nhưng không có nguồn điện đấu nối, hoặc ngược lại; ban hành cơ chế tính phí truyền tải với 2 thành phần: công suất và điện năng…