Trên cơ sở tham khảo kết quả tổng kết thực tiễn tham gia tố tụng hình sự, dân sự và hành chính, chúng tôi nhận thấy bước đột phá căn bản lần này trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật chính là phải thể chế hóa “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, quy định tại khoản 5 điều 103 Hiến pháp năm 2013. Việc thể chế hóa này phải tiếp tục duy trì và phát huy những ưu điểm của mô hình tố tụng thẩm vấn, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những hạt nhân hợp lý của mô hình tố tụng tranh tụng, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động xét xử phải bảo đảm tranh tụng giữa Kiểm sát viên, bị hại, nguyên đơn dân sự với bị cáo, người bào chữa, bị đơn dân sự, giữa các đương sự với nhau và những người này có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và tranh luận dân chủ trước tòa án. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện theo quy định của Bộ luật để họ thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ trong việc tranh tụng. Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả xét hỏi, tranh tụng và những chứng cứ đã được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa.
Nguyên tắc này cũng đòi hỏi mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định định vô tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định mức hình phạt, mức bồi thường thiệt hại và các tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án hình sự; các chứng cứ xác định yêu cầu khởi kiện hoặc phản tố trong các vụ án dân sự, hành chính đều phải được đối đáp, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa. Để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, đề cao trách nhiệm, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp trong việc thực hiện chức năng xã hội của luật sư, bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, chúng tôi xin đề nghị trong các dự án bộ luật tố tụng nêu trên cần quan tâm thể hiện:
Thứ nhất, trong tố tụng hình sự, cần bảo đảm địa vị pháp lý của người bào chữa là chủ thể độc lập thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa, tháo gỡ rào cản về hành chính (hủy bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc đăng ký bào chữa) để thực hiện quyền Hiến định là quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa của người bị buộc tội. Trên cơ sở tạo cơ hội phản biện với các chứng cứ buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, người bào chữa được quyền tham gia tố tụng ngay từ khi hoạt động tố tụng phát sinh, được tiếp cận và trao đổi với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam để thu thập và đánh giá chứng cứ. Có quyền yêu cầu tòa án thu thập bổ sung chứng cứ nếu đã yêu cầu ở giai đoạn điều tra, truy tố mà không được chấp nhận; bổ sung trách nhiệm và thủ tục tòa án phải giải quyết các yêu cầu của người tham gia tố tụng trước khi mở phiên tòa. Quan trọng nhất là đổi mới trình tự và trách nhiệm xét hỏi theo hướng kiểm sát viên và người bào chữa xét hỏi trước, hội đồng xét xử hỏi sau cùng và chủ tọa phiên tòa làm nhiệm vụ điều khiển việc xét hỏi, tranh luận giữa bên buộc tội và bên bào chữa. Đồng thời, quy định rõ nguyên tắc bản án, quyết định của tòa án chỉ được căn cứ trên cơ sở kết quả thẩm vấn, tranh tụng và những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.
Thứ hai, trong tố tụng dân sự và hành chính, đề nghị bỏ thủ tục tòa án cấp giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chuyển sang thủ tục đăng ký theo hướng: Khi đương sự yêu cầu, luật sư xuất trình thẻ luật sư, văn bản yêu cầu nhờ luật sư, tòa án chỉ làm thủ tục đăng ký và tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng. Nhằm đề cao vai trò và trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể xã hội trong tố tụng dân sự và hành chính, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm khi được đương sự yêu cầu. Tòa án triệu tập luật sư và những người tham gia tố tụng khác có liên quan việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm để trình bày những vấn đề liên quan vụ án chứ không phải “có thể” hoặc “xét thấy cần thiết” như quy định của pháp luật hiện hành.
Mặt khác, các dự thảo đều thừa nhận chi phí luật sư là chi phí tố tụng, nhưng quy định “do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác”. Do đó, nhằm bảo đảm trách nhiệm của luật sư khi tham gia tố tụng, các đương sự cân nhắc khi tiến hành khởi kiện để giảm chi phí, đề nghị quy định theo hướng “chi phí luật sư hợp pháp, hợp lệ do bên thua kiện chịu theo quyết định của tòa án”. Ngoài ra, về trình tự phát biểu, đề nghị sau khi kiểm sát viên phát biểu, đề nghị người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quyền đối đáp ý kiến. Phán quyết của tòa án vì thế cũng phải xuất phát từ kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa.
Luật sư PHAN TRUNG HOÀI
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam