Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất

Đang trong cao điểm mùa khô, sản xuất nông nghiệp ở nước ta nói chung và khu vực Tây Nguyên đang chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, gây ra tình trạng thiếu nước sản xuất cho cây trồng.
Hệ thống kênh mương đang phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.
Hệ thống kênh mương đang phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

Để khắc phục tình trạng hạn hán đang diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, tỉnh Kon Tum đang từng bước cải tạo, xây mới, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, trong đó tập trung xây dựng các công trình thủy lợi tạo nguồn cung cấp nước tưới cho cây trồng cạn ở những vùng khó khăn về nguồn nước để phát triển áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm cho cây trồng chủ lực có quy mô sản xuất tập trung.

Khai thác hiệu quả hệ thống thủy lợi

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 594 công trình thủy lợi tập trung đang được đưa vào khai thác sử dụng, gồm 85 hồ chứa, 8 trạm bơm điện và 501 đập dâng. Trong đó, nhiều công trình có quy mô lớn, giữ vai trò chủ lực trong dự trữ, cung cấp nguồn nước cho những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, lúa, hoa màu các loại, như hồ Đăk Uy, Kon Trang Kla (Đăk Hà), Đăk Hniêng, Đăk Hna (Ngọc Hồi), Ea Bang Thượng, Đăk Yên (TP Kon Tum), Đăk Rngát (Đăk Tô)… Cùng hàng nghìn km kênh mương được đầu tư bài bản, hệ thống tiểu thủy nông bảo đảm việc dẫn nước đến các khu sản xuất, phục vụ nhu cầu tưới của người dân.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, với sự đầu tư bài bản, đồng bộ, hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Diện tích đất cây trồng được tưới từ các công trình thủy lợi ngày càng được mở rộng.

Năm 2023, các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho hơn 22 nghìn ha cây trồng, các công trình tiểu thủy nông, lòng hồ thủy điện và công trình tạm cũng bảo đảm tưới cho gần 25 nghìn ha; tăng khoảng 2.000ha so với năm 2020. Các công trình thủy lợi bảo đảm cung cấp nước tưới hơn 77% diện tích cây trồng cần tưới trên toàn tỉnh.

Tại xã Đoàn Kết, nơi được coi là vựa lúa của thành phố Kon Tum, trước đây luôn nơm nớp lo việc thiếu nước, khô hạn ở thời điểm cuối vụ đông-xuân. Nhưng ba năm nay, nỗi lo này không còn nhờ được đầu tư hệ thống kênh và trạm bơm đưa nước từ sông Đăk Bla vào ruộng.

Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Nguyễn Đình Nam cho biết: "Trước đây, xã có hơn 80ha đất canh tác thường xuyên thiếu nước vào cuối mùa khô, khiến sản xuất bấp bênh, nhiều khi bị mất trắng. Nay người dân có thể yên tâm sản xuất, chủ động triển khai mùa vụ, giúp nâng cao thu nhập".

Để khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển nông nghiệp, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum đầu tư xây dựng mới 165 công trình thủy lợi, với tổng diện tích tưới theo thiết kế hơn 6.463ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 19,7 nghìn người.

Năm 2023, dự kiến có 3 công trình được đưa vào sử dụng, gồm hồ chứa thủy lợi Đăk Long 1 (huyện Ngọc Hồi), diện tích tưới 160ha; cụm công trình thủy lợi huyện Ia H'Drai, với diện tích tưới 1.000ha và công trình hồ chứa nước Đăk Pokei, với diện tích tưới 2.000ha cho huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum.

Nhờ bảo đảm nguồn nước tưới, người dân có điều kiện khai thác hết diện tích đất có khả năng sản xuất nông nghiệp từ một đến hai vụ/năm và chuyển đổi hàng nghìn ha đất trồng lúa, trồng hoa màu năng suất kém sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Ứng dụng phương pháp tưới tiên tiến

Trước việc diễn biến thời tiết được dự báo càng cực đoan hơn, việc áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước là giải pháp hiệu quả. Hiện toàn tỉnh Kon Tum có gần 17.000ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm tình trạng thiếu nước vào mùa khô, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị sản xuất.

Ia H’Drai là huyện biên giới, vùng xảy ra hạn hán lớn nhất tỉnh Kon Tum. Với điều kiện thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát, cát pha sét cho nên không giữ được nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất. Do đó, việc ứng dụng tưới tiết kiệm là giải pháp mang tính căn cơ.

Nhận thấy tiềm năng lớn của Ia H’Drai về phát triển cây ăn quả, năm 2017, anh Đỗ Văn Tuấn Anh quyết định đầu tư 12ha sầu riêng giống mới. Toàn bộ diện tích anh đều áp dụng biện pháp tưới tiên tiến, tưới béc. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả cao, năng suất, chất lượng sầu riêng bảo đảm, giảm chi phí nhân công.

"Tôi đầu tư hệ thống tưới khoảng 25 triệu đồng/ha. Tưới tự động giúp giảm được 50% chi phí nhân công. Cùng với việc trồng cỏ thảm để giữ nước, giãn cách tưới, năm nay, gia đình dự kiến thu được khoảng 50 tấn sầu riêng, với giá như năm 2022 là 45.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận khoảng hai phần ba tổng doanh thu", anh Tuấn Anh chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai Bùi Văn Nhàng cho biết, hiện toàn huyện có khoảng 200ha cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Thời gian tới, huyện giao ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai, thực hiện các công trình thủy lợi để cấp nước tưới cho người dân. Cùng với đó, nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm để nhân rộng diện tích được ứng dụng công nghệ này vào sản xuất.

Tại thành phố Kon Tum, hợp tác xã nông nghiệp, thương mại và dịch vụ Ia Chim, xã Ia Chim, đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trên diện tích gần 70ha cây ăn quả.

Giám đốc hợp tác xã Bùi Trung Sơn cho biết, năm 2017, nhận thấy lợi ích của công nghệ tưới tiết kiệm, nên hợp tác xã đã triển khai thí điểm; sau đó thực hiện đại trà trong giai đoạn 2018-2020. "Lợi ích của hệ thống này là tưới nhanh, mỗi ha tưới khoảng 3 giờ, bằng 1/4 thời gian tưới thủ công. Cùng với giảm nhân công, lượng nước tưới cũng giảm khoảng 70%. Từ khi hợp tác xã ứng dụng công nghệ tưới này thì không bị thiếu nước vào mùa khô nữa", ông Sơn chia sẻ.

Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum Nguyễn Hoài Tâm cho biết, hiện tại địa phương, công nghệ tưới được ứng dụng chủ yếu là tưới nhỏ giọt của Israel gắn với việc lắp đặt hệ thống nông nghiệp thông minh, sử dụng cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tự động điều khiển máy bơm hoạt động theo nhu cầu sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Ngoài ra, còn có các công nghệ tưới quấn quanh gốc, tưới cục bộ, phun mưa...

"Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến giúp tăng năng suất cây trồng trung bình từ 10 đến 30%, giảm từ 20 đến 50% chi phí công lao động, tiết kiệm từ 20 đến 40% lượng nước so với phương thức tưới truyền thống. Việc bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cũng giúp giảm từ 10 đến 30% lượng phân bón, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường", ông Tâm cho biết.

Kon Tum đang quy hoạch vùng sản xuất tập trung, công nghệ cao và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp, hình thành vùng chuyên canh cây trồng; từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi để phát triển hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm cho cây trồng chủ lực có quy mô sản xuất tập trung; qua đó giúp tỉnh mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho nông dân và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.