Bảo đảm lợi ích của người dân trong vùng quy hoạch

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Quận 1 (hay còn gọi là khu Mả Lạng), sau 17 năm chậm triển khai. Quyền lợi của 1.400 hộ dân sinh sống trong khu tứ giác này sẽ được phục hồi ra sao khi khu đất nêu trên vẫn nằm trong quy hoạch?
0:00 / 0:00
0:00
Khu tứ giác Mả Lạng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Khu tứ giác Mả Lạng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Khu Mả Lạng được bao bọc bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi- Cống Quỳnh-Trần Đình Xu-Nguyễn Cư Trinh. Nơi đây được ví là "’khu ổ chuột" giữa trung tâm Quận 1 sầm uất. Chỉ với diện tích 6,8ha nhưng có tới 1.424 hộ dân với hàng chục nghìn người sinh sống.

Căn nhà xập xệ số 245/83/46 Nguyễn Trãi của bà Võ Thị Thu Nga thuộc vùng lõi khu Mả Lạng. Căn nhà rộng chưa tới 10m2 nhưng là nơi buôn bán, sinh hoạt của bốn nhân khẩu. Nhà bà Nguyễn Thị Nhị khá khẩm hơn với 10m2, tầng trên là sạp kinh doanh rau, củ, quả để mưu sinh; cả gia đình chia nhau ăn ngủ trên gác xép. Nhiều năm nay gia đình bà không đón khách vì không có chỗ cho khách ngồi.

Qua kiểm kê sơ bộ của Ủy ban nhân dân Quận 1, khu vực Mả Lạng có hơn 530 nhà có diện tích dưới 20m2; trong đó chủ yếu là những căn siêu nhỏ đã xuống cấp với diện tích từ 3-5m2. Đường vào khu Mả Lạng là những con hẻm chật chội, ngoằn ngoèo. Tại đây, không gian sống, điều kiện vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy đều không bảo đảm.

Theo ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 1, dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân. Bởi khi đã có thông báo thu hồi đất thì nhà, đất của người dân không được xây dựng mới, tặng cho, cầm cố, tách thửa, chuyển nhượng… Nay thành phố thu hồi chủ trương đầu tư, quyền lợi về nhà đất của người dân sẽ được khôi phục như trước khi có dự án. Tuy nhiên, do khu vực này vẫn nằm trong quy hoạch chỉnh trang và phát triển đô thị cho nên người dân vẫn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng. Theo đó, những quyền như: mua bán, cho tặng, thừa kế, sẽ được khôi phục; người dân chỉ được xây dựng tạm vì khu đất vẫn nằm trong khu vực quy hoạch.

Đại diện Ủy ban nhân dân Quận 1 thông tin, địa phương đang nhanh chóng thực hiện các thủ tục để hỗ trợ tối đa người dân thực hiện những quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định về đất đai, xây dựng.

Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua 11 nghị quyết cho phép thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đối với 1.445 dự án. Tuy nhiên, hiện có 402 dự án đã hoàn thành (chiếm 28%), 741 dự án đang triển khai (chiếm 51%), còn lại 302 dự án đang được rà soát để đưa ra khỏi nghị quyết vì quá ba năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai.

Trong số 302 dự án chậm triển khai này có nhiều dự án "treo" hơn 20 năm. Bán đảo Bình Quới-Thanh Đa (Phường 28, quận Bình Thạnh) được quy hoạch xây dựng khu đô thị văn hóa, thể thao, nghỉ dưỡng vào năm 1992. Trải qua nhiều chủ đầu tư, đến nay đã 31 năm trôi qua, dự án rộng hơn 570ha với hơn 3.000 hộ dân vẫn nghe tiếng ếch, nhái kêu vang giữa lòng đô thị.

Khu đô thị Tây Bắc (huyện Củ Chi, Hóc Môn) rộng 6.000ha với 56.000 hộ dân, được quy hoạch từ năm 2000 nhưng đến nay chưa thực hiện, để hoang hóa và lãng phí nguồn lực đất đai. Khu đô thị Sing Việt (huyện Bình Chánh) có diện tích hơn 331ha, được quy hoạch từ năm 1997 nhưng đến nay vẫn chưa xong khâu bồi thường, tái định cư. Dự án khu dân cư Vĩnh Lộc (quận Bình Tân) được phê chuẩn từ năm 1999. Tuy nhiên sau hơn 20 năm, dự án vẫn dang dở, gây bức xúc trong nhân dân.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, những nguyên nhân chính khiến 302 dự án "treo" là do phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để bồi thường và thực hiện dự án. Ngoài ra còn có khó khăn trong công tác bồi thường, giá đền bù chưa thống nhất được với người dân.

Để giải quyết, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương lập Tổ công tác rà soát các dự án treo, vụ việc kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Tổ này sẽ được nâng lên thành Ban Chỉ đạo của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các vấn đề tồn đọng về dự án treo.

Theo luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, luật đã quy định cụ thể và cho phép các cơ quan có thẩm quyền rà soát và điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch đã công bố. Trường hợp đã giao cho các chủ đầu tư mà vì nhiều lý do dự án chậm triển khai kéo dài và không có tính khả thi, thì các cơ quan nhà nước cần lập tức rà soát, chấm dứt dự án cũng như điều chỉnh xóa bỏ quy hoạch "treo" để trả lại quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân; không thể để người dân sống khổ trên chính mảnh đất của mình được.

Luật Đất đai năm 2003 đưa ra chế tài thu hồi dự án nếu sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ triển khai. Luật Đất đai năm 2013 điều chỉnh cho phép dự án chậm triển khai được gia hạn thêm 24 tháng. Tuy nhiên, Luật Đầu tư lại quy định, sau 12 tháng dự án không có hoạt động đầu tư thì rút phép đầu tư. Do vậy, theo các chuyên gia pháp lý, cần sửa luật theo hướng đồng bộ. Trong các luật phải thống nhất thời gian dự án được cấp phép, sau bao lâu không triển khai thì bị thu hồi. Bên cạnh đó là các chế tài phân xử, nếu dự án chậm mà lỗi do phía chính quyền thì phải đền bù thỏa đáng thiệt hại của cả người dân và chi phí cơ hội cho chủ đầu tư. Đồng thời, chỉ rõ người chịu trách nhiệm cá nhân là người phê duyệt hay có trách nhiệm dỡ bỏ dự án, không quy trách nhiệm về phía Nhà nước một cách chung chung như hiện nay. Nếu lỗi thuộc về chủ đầu tư năng lực tài chính yếu kém, cố tình chây ỳ thì xử phạt thật nặng, đền bù cho người dân, thậm chí yêu cầu khởi tố.