Bảo đảm lộ trình giảm khai thác nước ngầm

Từ nay đến năm 2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành nhiều giải pháp hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm để giảm sụt lún, ô nhiễm nguồn nước. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm thực hiện Quyết định số 1242 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh về lộ trình hạn chế khai thác nước dưới đất được Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) quyết tâm triển khai thực hiện. 

Công nhân Sawaco trám lấp nhiều giếng khoan ở các khu vực đã có hệ thống cấp nước của thành phố.
Công nhân Sawaco trám lấp nhiều giếng khoan ở các khu vực đã có hệ thống cấp nước của thành phố.

Theo đó, Sawaco đã xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước ngầm năm 2021 và lộ trình giai đoạn 2021-2023 phù hợp lộ trình thành phố giao. Cụ thể, năm 2021, đơn vị giảm tổng lượng khai thác từ 70 nghìn m3/ngày về 66 nghìn m3/ngày. Đồng thời giảm thêm 4.000 m3/ngày từ các trạm tại huyện Bình Chánh, gồm: ngưng hoạt động trạm Bình Hưng Hòa B, Vĩnh Lộc A1, Tân Kiên 3 và Tân Nhựt 1; giảm lượng khai thác từ trạm Tân Nhựt 2, An Phú Tây 2, Tân Túc và Tân Kiên 4. 

Năm 2022, Sawaco tiếp tục giảm tổng lượng khai thác từ 66 nghìn m3/ngày về 60 nghìn m3/ngày. Trong đó, giảm thêm 6.000 m3/ngày từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú (trong điều kiện tuyến ống đường Nguyễn Cửu Phú chưa hoàn thành). Năm 2023, lộ trình sẽ giảm tổng lượng khai thác về mức 50 nghìn m3/ngày. Trong đó, giảm thêm 10 nghìn m3/ngày từ Nhà máy nước ngầm Tân Phú (trong điều kiện tuyến ống đường Nguyễn Cửu Phú chưa hoàn thành).

Bên cạnh đó, thời gian qua, Sawaco và các đơn vị trực thuộc đã giảm dần hoạt động khai thác nước ngầm, triển khai trám lấp nhiều giếng khoan tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Đặc biệt, Sawaco cũng có kế hoạch phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh trám lấp giếng khoan hư hỏng, giếng không sử dụng, giếng không có giấy phép khai thác theo Thông tư 72 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, đơn vị còn gặp nhiều khó khăn trong việc giảm khai thác nước dưới đất, do một số thời điểm tổng lượng nước dưới đất khai thác chưa đạt theo kế hoạch dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, với các giải pháp điều chỉnh, đến cuối năm 2020, tổng lượng nước khai thác đã đưa về mức 70 nghìn m3/ngày theo lộ trình được giao tại Quyết định 1242 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. 

Việc khai thác nước ngầm quá mức được nhận định là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây hiện tượng sụt lún, “biến dạng” mặt đất, khiến ngập úng ngày càng trầm trọng cho nên hơn lúc nào hết lộ trình hạn chế, tiến tới chấm dứt khai thác nước ngầm luôn được Sawaco xem là ưu tiên hàng đầu.

Để vừa bảo đảm thực hiện được mục tiêu giảm khai thác nước dưới đất của thành phố, hạn chế các tác hại của việc khai thác quá mức nước dưới đất; đồng thời bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ cung cấp nước sạch phục vụ nhu cầu thiết yếu và không gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, Sawaco tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nước, đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước mặt để bảo đảm lộ trình giảm khai thác nước dưới đất theo chỉ đạo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Về dài hạn, Sawaco kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét lại lộ trình giảm khai thác nước dưới đất trong thời gian tới nhằm giảm và kiểm soát được lượng khai thác nước dưới đất ở mức độ phù hợp, không vượt quá khả năng tự phục hồi của nguồn nước, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng nước thiết yếu của người dân tại các khu vực chưa có nguồn nước thay thế hoàn toàn được nước dưới đất, khắc phục các khó khăn trong việc cung ứng nước sạch đến khách hàng.

Nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu 100% số hộ dân được cung cấp nước sạch, Sawaco cũng kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tạo điều kiện cho đơn vị được ưu tiên duy trì hoặc điều chỉnh công suất các trạm trong trường hợp cần thiết để bảo đảm cung cấp nước sạch cho các khu vực chưa có hạ tầng cấp nước đầy đủ. Để bảo đảm duy trì nguồn nước dự phòng cho Thành phố Hồ Chí Minh, Sawaco đề xuất, đối với các công trình khai thác nước dưới đất chuyển qua chế độ dự phòng phục vụ cấp nước an toàn, Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ khi cấp phép không tính sản lượng các trạm này vào tổng sản lượng khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất của Sawaco… Bên cạnh đó, Sawaco sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nước, đầu tư mạng lưới cung cấp nước mặt để bảo đảm lộ trình giảm khai thác nước ngầm.