Bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV:

Bảo đảm học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất

NDO -

Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với kiến nghị cần có chính sách trợ giá, bên cạnh việc tăng cường quản lý nhà nước đối với mặt hàng đặc biệt này.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi ý kiến bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) trao đổi ý kiến bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Tăng cường giám sát, bảo đảm giá sách giáo khoa phù hợp

Trao đổi ý kiến bên lề Kỳ họp thứ ba, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, việc đưa ra đề xuất có trợ giá từ nhà nước đối với sách giáo khoa là rất hợp lý.

Đại biểu phân tích, nếu có trợ giá, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải có những đánh giá, giám sát về giá thành, qua đó có những đánh giá chính xác giá bán ra và từ đó đưa ra chính sách trợ giá.

Theo đại biểu, có trợ giá như vậy sẽ giúp tránh được việc các doanh nghiệp khai khống giá trong khi vẫn bảo đảm bù đắp chi phí và có lợi nhuận phù hợp cho doanh nghiệp để in sách có chất lượng cho người học, trong khi các em học sinh có thể mua được sách với giá rẻ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, khác với các sản phẩm khác, sách giáo khoa là hàng hóa rất đặc biệt, đặc thù, có tác động rất lớn đến người học, bởi không phải đơn vị nào cũng có thể in ấn được.

Do đó, rất cần phải tăng cường quản lý nhà nước cả trong quá trình in ấn, phát hành cũng như định giá sách giáo khoa. Các cơ quan quản lý giá cần tăng cường kiểm tra, thanh tra các cơ sở in ấn sách giáo khoa để bảo đảm giá in ấn phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng kiến nghị cần đa dạng hóa các loại sản phẩm sách giáo khoa khác nhau, để các em có thêm nhiều lựa chọn. Thí dụ như, bên cạnh các loại sách giáo khoa được in ấn bền, đẹp, dùng được nhiều năm, có thể in thêm các loại sách với chất lượng vừa phải, phù hợp nhu cầu khác nhau của từng nhóm đối tượng.

Bảo đảm học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất -0
Đại biểu Hà Ánh Phượng trao đổi bên lề Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, chiều 1/6. (Ảnh: LINH KHOA)

Chung quan điểm, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) cho biết, bản thân là 1 cô giáo vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn, nên đại biểu rất thấu hiểu và cảm nhận rõ những tác động của giá sách giáo khoa tăng cao đối với các em học sinh.

Đồng tình với ý kiến giải trình của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong phiên thảo luận chiều 1/6, liên quan giá sách giáo khoa, đại biểu Hà Ánh Phượng cũng bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan liên quan có thể đưa ra những giải pháp tốt nhất để điều chỉnh giá sách giáo khoa phù hợp, tăng chất lượng, để các em học sinh có được các sản phẩm sách giáo khoa phù hợp.

Tiết giảm tối đa chi phí trong in sách giáo khoa

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã giải trình làm rõ một số nội dung liên quan đến giáo dục-đào tạo mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Liên quan đến giá sách giáo khoa, theo Bộ trưởng, ngày 28/11/2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Theo nghị quyết này, việc biên soạn sách giáo khoa đã được thực hiện theo hướng xã hội hóa, các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.

Bảo đảm học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất -0

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội, chiều 1/6. (Ảnh: NGUYÊN LINH)

Với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp để xuất bản sách sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.

Theo Thông tư 33 được sửa đổi một số nội dung bằng Thông tư số 05 cũng quy định cấu trúc và nội dung sách giáo khoa phải phù hợp với tiêu chuẩn sách giáo khoa về xuất bản phẩm. Quá trình thẩm định sách, các hội đồng thẩm định đã yêu cầu các nhóm tác giả điều chỉnh những phần quá dài, lạm dụng hình ảnh... Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo chuẩn bị ban hành 1 thông tư quy định tiêu chí, quy chuẩn riêng về sách giáo khoa để điều tiết việc này một cách cụ thể hơn và có hiệu quả hơn.

Theo Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần thực hành tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác để bảo đảm giá sách giáo khoa được thấp nhất.

Bộ cũng đã chỉ đạo nhà xuất bản thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho học sinh, các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng, và đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục cung cấp các bản sách ở dạng PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

Đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, là 1 doanh nghiệp nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, Bộ đã chỉ đạo nhà xuất bản tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa các kênh phân phối, giảm chi phí phát hành, đẩy mạnh tái cơ cấu nhà xuất bản theo hướng tinh gọn nhân sự, bộ máy để tiết giảm tối đa các khâu trung gian.

Cũng theo Bộ trưởng, một trong những giải pháp quan trọng, căn cơ mà Bộ đã và đang kiến nghị đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất từ Công văn 4146 ngày 22/9/2021 và có chính sách trợ giá. Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiên trì kiến nghị này.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV