Bảo đảm hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp sau bão

Bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Quảng Ninh, trong đó mất điện trên diện rộng khiến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại Siêu thị Go Hạ Long ngày 12/9.
Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại Siêu thị Go Hạ Long ngày 12/9.

Ngay khi bão đi qua, vừa nỗ lực khắc phục hậu quả của bão, vừa bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, chăm lo đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh trong thời điểm hiện nay.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 130/133 chợ, 11 siêu thị kinh doanh tổng hợp và 342 cửa hàng tiện lợi, phần lớn đều duy trì bán các mặt hàng thiết yếu, trong đó có rau, củ, quả, thịt, trứng, hải sản. Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh vẫn đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10 đến 15% so với thời điểm trước bão.

Bảo đảm các mặt hàng thiết yếu

Chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 3, cơ sở vật chất tại một số siêu thị, trung tâm thương mại, chợ Hạ Long I, chợ Hạ Long II… bị hư hỏng, nhưng với quyết tâm, nỗ lực khắc phục nhanh nhất để phục vụ nhân dân, các đơn vị này đã nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường, bảo đảm cung ứng hàng hóa tiêu dùng cho người dân trên địa bàn.

Tại siêu thị MM Mega, các mặt hàng rau, củ, quả, thịt cá, dầu ăn, mì tôm, gạo khá phong phú; cùng với đó, các chuỗi siêu thị Winmart, Nông sản sạch vẫn nỗ lực bảo đảm nguồn hàng và duy trì thời gian hoạt động bình thường từ 8 giờ đến 22 giờ; riêng các siêu thị Winmart+ nằm ngoài trung tâm thương mại mở cửa từ 7 giờ đến 22 giờ hằng ngày phục vụ nhân dân.

Lãnh đạo siêu thị Winmart Hạ Long cho biết: Siêu thị tăng cường dự trữ hàng hóa ngay trước bão số 3 để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân. Các mặt hàng nhu yếu phẩm được đưa lên kệ tăng gấp 50% so với ngày thường, sức mua của người dân cũng tăng khoảng gần 50%.

Siêu thị đã điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong trường hợp bão làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm về điểm bán; duy trì việc chạy máy phát điện, nguồn nước để bảo quản hàng hóa. Các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu, như: thịt gà, thịt lợn, hải sản, mì tôm, rau, củ… vẫn đầy đủ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Các chợ trên địa bàn thành phố Hạ Long, hầu hết duy trì bán các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, trứng, không bán hải sản, giá cả các mặt hàng tăng khoảng 10%, một số mặt hàng rau, củ tăng gấp đôi so với ngày thường, giá thịt tăng nhẹ. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hà ở thành phố Hạ Long, cho biết:

“Giá các loại thực phẩm tăng nhẹ, riêng rau, củ, quả tăng gấp đôi là do nguồn cung bị ảnh hưởng của bão số 3, tuy nhiên với lượng hàng hóa như bây giờ chúng tôi thấy vẫn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn”.

Dự báo nhu cầu mua hàng hóa, lương thực của người dân vẫn có thể tăng cao trong thời gian tới, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ trên địa bàn tỉnh và nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã chủ động lên phương án cung ứng hàng hóa, tập trung các mặt hàng thiết yếu, cố gắng bảo đảm các nhu yếu phẩm phục vụ người dân.

Sở Công thương Quảng Ninh cũng đề nghị các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm tra việc thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ, bảo đảm đời sống nhân dân trên địa bàn, bảo đảm thực hiện phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra các hộ kinh doanh bảo đảm ổn định giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng tăng giá, góp phần ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng mưa, bão để nâng giá trục lợi.

Cung ứng đầy đủ xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống

Tại các thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, ảnh hưởng của bão số 3 khiến nhiều khu dân cư bị mất điện kéo dài trong nhiều ngày, kéo theo việc nhiều người dân đã đổ xô tới các cây xăng để mua xăng về chạy máy phát điện.

Ông Đặng Việt Phương ở phường Cẩm Bình chia sẻ: “Bão quá lớn khiến điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn. Gia đình tôi đã chuẩn bị máy phát điện để sử dụng trong những ngày này. Nghe thông tin thời tiết khả năng còn mưa nhiều và việc khắc phục sự cố mất điện có thể còn kéo dài, nên tôi mua xăng về dự trữ để chạy máy phát và phục vụ đi lại”.

Theo Sở Công thương Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 thương nhân đầu mối và 4 thương nhân phân phối xăng dầu, 197 cửa hàng xăng dầu gồm 145 trên bộ và 52 trên biển, trong đó có 16/197 cửa hàng tạm dừng hoạt động do hư hỏng sau bão số 3. Tổng dự trữ tại 4 kho thuộc thương nhân đầu mối và phân phối trên địa bàn tỉnh hiện là 168.500 m3, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Cùng với đó, các cây xăng dầu trên địa bàn tỉnh cũng chạy máy phát để bán xăng dầu cho người dân từ ngày 8/9. Ông Đào Văn Giáp, Giám đốc Chi nhánh xăng dầu Quảng Ninh cho biết: “Hiện, tất cả cửa hàng xăng dầu của B12 (Petrolimex) đều được cung ứng đủ xăng dầu trong bể chứa; đồng thời, chạy máy phát và bố trí nhân lực tại các điểm bán hàng để phục vụ nhu cầu về xăng dầu cho người dân.

Giá bán xăng bảo đảm đúng giá niêm yết của Bộ Tài chính, người dân hoàn toàn yên tâm về cung ứng đầy đủ xăng dầu cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt”.

Hiện nay, Công ty xăng dầu B12 cũng khuyến cáo người dân mua xăng đủ dùng, không nên tích trữ quá nhiều, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Đối với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh trong trường hợp mua nhiều để phục vụ sản xuất phải có giấy tờ chứng minh thì công ty sẽ tạo điều kiện cung ứng đầy đủ.

Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, lượng nhiên liệu dự trữ tại các kho trên địa bàn tỉnh bảo đảm đủ cung cấp thường xuyên, liên tục cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân trên địa bàn. Không có chuyện các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa trong thời gian khắc phục hậu quả do mưa bão, người dân không nên đổ xô đi mua xăng dầu tích trữ.

Tuy nhiên, các điểm bán hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh cần cân đối việc bán xăng dầu cho người dân, không bán quá nhiều xăng cho người dân mua dự trữ và phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, các cửa hàng không bán hàng mà không có lý do chính đáng.