Bảo đảm đủ điện cho sản xuất

Thành phố Hà Nội và các tỉnh phía bắc sắp bước vào những ngày hè nắng nóng, dự báo nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao. Đây là vấn đề khiến các doanh nghiệp sản xuất lo lắng, mong muốn chính quyền thành phố và ngành điện có những giải pháp kịp thời để bảo đảm cung ứng điện thông suốt, đầy đủ.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra thông số vận hành tại Trạm biến áp 220kV Tây Hồ (Hà Nội).
Kiểm tra thông số vận hành tại Trạm biến áp 220kV Tây Hồ (Hà Nội).

Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội mới đây, vấn đề cung ứng điện cho sản xuất được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Terumo Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) Uchida Takumi cho biết: “Tại Khu công nghiệp Quang Minh có tổng cộng 10 lộ điện, trong đó có tám lộ từ Hà Nội, hai lộ còn lại từ tỉnh Vĩnh Phúc.

Năm 2023, tất cả các lộ này đều thuộc đối tượng cắt điện luân phiên. Theo thống kê, đã có sáu lần mất điện với tổng thời gian là 58 tiếng. Lần mất điện dài nhất lên tới 16 tiếng”. Việc cắt điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2023, có doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Minh đã bị cháy toàn bộ động cơ máy móc do mất điện.

Các doanh nghiệp mong muốn thành phố chỉ đạo, điều hành để bảo đảm việc cung cấp điện đầy đủ, ổn định. Đồng thời, có những chính sách ưu tiên tới những doanh nghiệp có nỗ lực cao trong việc tiết kiệm điện. Đặc biệt, cần sớm thông báo cho doanh nghiệp khi có kế hoạch cắt điện. Về phía doanh nghiệp đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm lượng điện tiêu thụ và cắt giảm xả thải khí CO2.

Thành phố Hà Nội đang nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ rõ: “Các doanh nghiệp bán dẫn không đòi hỏi về diện tích mặt bằng hay ưu đãi thuế, mà họ yêu cầu được cung cấp đủ điện và nước để sản xuất. Chúng ta cần đáp ứng nguồn điện đầy đủ, xuyên suốt để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp”. Theo tính toán, một nhà máy sản xuất chất bán dẫn sẽ tiêu thụ khoảng 4 tỷ kWh điện mỗi năm, nhất là để vận hành, duy trì các phòng sạch trong nhà máy.

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) dự báo, về công tác cung ứng điện năm 2024, hệ thống điện quốc gia vẫn có nguy cơ gặp khó khăn về nguồn điện, nhất là khi mùa hè nắng nóng sắp tới. Để ứng phó với nguy cơ này, ngay từ đầu năm 2024, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới các doanh nghiệp về việc thực hiện tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện, điều chỉnh phụ tải điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường tiết kiệm điện năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó, thành phố yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp cấp bách nhằm tăng cường tiết kiệm điện..., bảo đảm tối thiểu hằng năm tiết kiệm 5% tổng điện năng tiêu thụ. Các đơn vị cần có giải pháp tận dụng và huy động các nguồn lực để lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện từ hệ thống quốc gia và thành phố...

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 266/QĐ-UBND ngày 15/1/2024 phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện trên địa bàn thành phố năm 2024 (dự phòng khi hệ thống điện quốc gia thiếu điện năng). Thành phố yêu cầu, ngành điện thông báo và thông tin cho khách hàng, việc thực hiện tiết giảm theo đúng kế hoạch đã đề ra, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc bất khả kháng... Sở Công thương Hà Nội sẽ chỉ đạo và giám sát EVN Hà Nội tổ chức thực hiện việc thông báo sớm cho doanh nghiệp khi có kế hoạch cắt điện để các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng hoặc thiệt hại.

EVN Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp quan tâm, chia sẻ với thành phố và ngành điện trong những thời điểm khó khăn về nguồn cấp điện, phối hợp với ngành điện trong việc xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh của đơn vị để phù hợp với điều kiện thực tế. “EVN Hà Nội đã đề xuất các doanh nghiệp chủ động chuyển phụ tải khỏi giờ cao điểm để bảo đảm an ninh vận hành lưới điện. Đến nay đã có 619 doanh nghiệp ký thỏa thuận với ngành điện trong việc chuyển phụ tải trong giờ cao điểm” - lãnh đạo EVN Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo: “Năm 2023, thành phố thiếu điện, phải cắt điện nhiều khu vực khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, Hà Nội không thể để tình trạng này tái diễn. Được biết, nguồn cung điện không thiếu, nhiều đơn vị đăng ký bán điện cho Nhà nước. Vấn đề là ở công tác điều hành, phân phối, đường truyền. Vì vậy, ngành điện cần sắp xếp, điều chỉnh hợp lý để bảo đảm cung ứng điện đầy đủ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân”.