Nhằm tháo gỡ khó khăn về tái định cư vốn là “điểm nghẽn” lâu nay trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, cuối tháng 4 vừa qua, lần đầu Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ, tái định cư.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai luôn trăn trở làm sao để an dân, cuộc sống người dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, bảo đảm tương lai tươi sáng cho bà con đã nhường đất và sẵn sàng hy sinh nhiều thứ vì sự phát triển chung.
Bảo đảm đủ lô tái định cư
Tại thành phố Biên Hòa hiện có chín dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của tỉnh Đồng Nai đang thực hiện cho nên nhu cầu tái định cư rất lớn.
Qua số liệu báo cáo, toàn thành phố Biên Hòa đang thiếu gần 3.000 lô đất tái định cư cho người dân. Biên Hòa cũng là địa phương đang nợ tái định cư nhiều nhất của tỉnh Đồng Nai.
Việc thiếu các khu tái định cư để bố trí cho người dân có đất bị thu hồi khi triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn khiến cho công tác vận động người dân bàn giao đất gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho biết: Vừa qua, khi triển khai một số dự án chưa đề cập đến vấn đề tái định cư, dẫn đến người dân sau khi bàn giao mặt bằng phải đi ở tạm thời gian dài.
Có trường hợp khu tái định cư xây dựng xong hạ tầng nhưng không thể thực hiện cho người dân bốc thăm vị trí đất, vì khu vực xây dựng chưa nằm trong kế hoạch sử dụng đất:
“Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định, công tác tái định cư cho người dân khi triển khai các dự án là công tác trọng tâm, nhất là với các công trình, dự án trọng điểm thì tái định cư cũng phải là công tác trọng điểm. Phải có các khu tái định cư đầy đủ các tiện ích mới có thể thuyết phục người dân sớm bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án. Đây cũng là điều kiện cần thiết để vận động, thuyết phục người dân sớm bàn giao mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án”, đồng chí Hồ Văn Nam nói.
Hiện nay, thành phố Biên Hòa đang triển khai 22 dự án xây dựng các khu tái định cư để phục vụ bố trí tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi khi triển khai thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội.
Trong số này, có năm khu tái định cư đang trong quá trình thi công xây dựng. Để tiếp tục triển khai các khu tái định cư đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai, vừa qua, lãnh đạo thành phố Biên Hòa đã đề xuất bố trí một số thửa đất “vàng” phù hợp quy hoạch, chuyển đổi đất từ dự án đô thị thành khu tái định cư.
Còn tại huyện Nhơn Trạch, nằm ở vị trí đắc địa tam giác phát triển kinh tế sôi động bậc nhất cả nước là Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu. Hiện tại, có nhiều dự án hạ tầng mang tính chất đột phá liên kết vùng đang được triển khai.
Kéo theo đó, nhu cầu về tái định cư cũng rất lớn. Bí thư Huyện ủy Lê Thành Mỹ chia sẻ: Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tính toán, chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng trước hàng loạt các khu tái định cư.
Đến nay, huyện đã hoàn thành sáu khu tái định cư với hơn 2.700 lô đất; qua đó, đã bố trí tái định cư cho hơn 1.220 hộ dân, còn lại gần 1.500 lô sẵn sàng đón người dân vào tái định cư, ổn định cuộc sống: “Chúng tôi xác định chăm lo, an dân là tiêu chí hàng đầu để đánh giá năng lực lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền. Bởi, để triển khai các dự án nhanh, vấn đề mặt bằng là một trong những yếu tố quyết định. Do vậy, chỉ khi người dân được tái định cư, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì họ mới sẵn sàng nhường đất để Nhà nước triển khai các dự án”, đồng chí Lê Thành Mỹ chia sẻ.
Tháo gỡ điểm nghẽn giải phóng mặt bằng
Đồng Nai hiện đang được xem như đại công trường xây dựng các dự án hạ tầng do Trung ương và tỉnh đầu tư, như: Sân bay Long Thành, đường vành đai 3, đường vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; Dầu Giây-Tân Phú; Tân Phú-Bảo Lộc...
Do vậy, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được xem là khâu quan trọng và quyết định, nhằm tạo quỹ đất sạch để đầu tư các dự án, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đưa Đồng Nai trở thành cực tăng trưởng quan trọng của cả nước theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra.
Thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực trong công tác bồi thường, thu hồi đất để thực hiện nhiều dự án lớn, đặc biệt là dự án sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, trong công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn một số bất cập, hạn chế. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đặt ra và dự báo phát triển trong thời gian tới, Tỉnh ủy Đồng Nai đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU ngày 22/4/2024 về thúc đẩy công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh, với kỳ vọng tháo gỡ hiệu quả những điểm nghẽn, vấn đề người dân bức xúc.
Nghị quyết đặt mục tiêu từ năm 2025, tất cả các quyết định thu hồi đất chỉ thực hiện sau khi đã bố trí tái định cư; từng địa phương phải tự rà soát, xây dựng kế hoạch bố trí tái định cư cho địa phương mình, bảo đảm trước năm 2026 phải hoàn thành 100% việc bố trí tái định cư cho số lô tái định cư còn nợ chưa bố trí.
Nghị quyết cũng xác định thực hiện tốt công tác chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho người lao động có đất bị thu hồi. Rà soát, bố trí nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư.
Liên tục xuống cơ sở và tổ chức đối thoại để nắm thông tin, lắng nghe kiến nghị của người dân thuộc diện di dời các dự án trọng điểm, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và đồng chí Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở làm sao để an dân, cuộc sống người dân nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Tại các diễn đàn, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở và nhấn mạnh: Tái định cư nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ thể hiện qua bốn tiêu chí, đó là: quy hoạch mang tính đô thị hiện đại; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; người dân có kế sinh nhai tốt hơn; hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa sớm ổn định an cư lạc nghiệp.
“Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện phải ưu tiên hàng đầu tạo cơ hội cho người dân có việc làm, ổn định cuộc sống, không được đẩy họ ra khỏi sự phát triển. Sẽ là sự hổ thẹn đối với đội ngũ lãnh đạo nếu rơi vào bi kịch người dân tại chỗ không có việc làm, trong khi dự án đầu tư phát triển lên, cơ hội việc làm mở ra”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh lưu ý.