Chiều 13-11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ).
Với 455/455 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,40% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết gồm sáu Chương, 18 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2021.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết mới thông qua quy định về nguyên tắc, hình thức, lĩnh vực, lực lượng, thẩm quyền, quy trình triển khai lực lượng, kinh phí bảo đảm, chế độ, chính sách và quản lý nhà nước đối với việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ.
Đối tượng áp dụng của Nghị quyết gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng GGHB của LHQ.
Nghị quyết cũng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ.
Đáng chú ý, về kinh phí bảo đảm và chế độ, chính sách, Nghị quyết nêu rõ: Ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc tham gia lực lượng GGHB của LHQ và bồi thường thiệt hại cho LHQ hoặc bên thứ ba do lỗi của lực lượng Việt Nam.
Tiền bồi hoàn của LHQ, các nguồn hỗ trợ hợp pháp được nộp vào ngân sách nhà nước và quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Chính phủ quyết định việc bồi thường thiệt hại do lỗi của lực lượng Việt Nam gây ra.
Cá nhân, đơn vị trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động GGHB LHQ được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động theo quy định của Chính phủ.
Nghị quyết giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch trung hạn và dài hạn về xây dựng lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định việc cử, điều chỉnh, rút lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Đồng thời, Nghị quyết quy định nguyên tắc chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột, vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của LHQ.
Lực lượng do Việt Nam cử chỉ triển khai ở quốc gia, khu vực đã được LHQ thành lập phái bộ và tại các cơ quan của LHQ.