Bảo đảm an toàn, văn minh mùa lễ hội xuân

Sau hai năm tạm dừng vì dịch Covid-19, mùa lễ hội xuân Quý Mão diễn ra sôi động ngay từ những ngày đầu năm. Vào những ngày cao điểm, mỗi ngày, các di tích, lễ hội lớn như: chùa Hương (Hà Nội), chùa Tam Chúc (Hà Nam), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), khu danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh)… đón hàng chục nghìn người. Mặc dù vậy, hoạt động lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, cảnh tranh cướp lộc, những lộn xộn nơi thờ tự… đã giảm, dù vẫn còn một số “hạt sạn” trong công tác quản lý.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn rước trong lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam).
Đoàn rước trong lễ hội chùa Tam Chúc (Hà Nam).

Các tỉnh, thành phố ở miền bắc hiện đang trong giai đoạn cao điểm của mùa lễ hội, với hàng nghìn lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Dòng người trẩy hội du xuân sẽ còn tiếp tục đến cuối tháng 3 âm lịch.

Chính quyền chủ động vào cuộc

Từ Tết Nguyên đán cho đến nay, chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã tấp nập người đi lễ. Trong đó, đông nhất là vào ngày khai hội (mồng 6 tháng Giêng) và rằm tháng Giêng, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt khách. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, từ cuối năm 2022, Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức đã tập huấn ứng xử văn minh du lịch cho người dân tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ ở lễ hội. Đối với công tác tuyên truyền, ngay từ đường vào khu vực chùa, dọc suối Yến cho đến các không gian thờ tự, Ban tổ chức treo nhiều bảng biển, phát loa phóng thanh, tờ rơi tuyên truyền về văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Các hộ gia đình tham gia kinh doanh, hoạt động dịch vụ ký cam kết bán hàng niêm yết giá, không tự ý nâng giá dịch vụ… Ban tổ chức cũng rà soát, ngăn ngừa tình trạng mở động, mở chùa tự phát trái phép. Nhờ thế, dù có những thời điểm lượng khách đổ đến chùa Thiên Trù, động Hương Tích quá tải, nhưng cảnh lộn xộn không xảy ra. Nạn “rải” tiền lẻ, thắp hương, đốt vàng mã giảm hẳn. Bà Nguyễn Thị Hương (phố Bát Khối, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Đã mấy năm rồi, tôi mới đi lễ ở chùa Hương. Năm nay người đi lễ rất đông, nhưng khi đi lễ thấy yên tâm hơn, các nơi thờ tự đều văn minh hơn so với trước đây”.

Hà Nội có khoảng 1.200 lễ hội mỗi năm, với nhiều lễ hội lớn như: đền Sóc (huyện Mỹ Đức), Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), Cổ Loa (huyện Đông Anh)… và các di tích thu hút đông người đi lễ đầu năm như: phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc (quận Tây Hồ)… Đến thời điểm này, các hoạt động lễ hội, đi lễ đều diễn ra tương đối trật tự.

Bảo đảm an toàn, văn minh mùa lễ hội xuân ảnh 1

Biển người tham gia lễ hội chùa Hương (Hà Nội).

Năm nay, lễ hội đền Sóc tiếp tục tổ chức phát lộc, song, với việc thay đổi hình thức phát lộc bằng cách chia nhỏ số lượng giò hoa tre ra các ngôi đền, cho nên đã không xảy ra tình trạng tranh cướp lộc. Ngày 14 tháng Giêng, lễ hội Tản Viên Sơn Thánh diễn ra tại đền Hạ (huyện Ba Vì). Lễ hội có những màn rước kiệu độc đáo, thu hút hàng chục nghìn người tham gia, nhưng an ninh, trật tự được bảo đảm, không có hành vi phản cảm trong quá trình rước kiệu.

Lễ hội Yên Tử (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) có quy mô quốc gia cũng đã đón khách trở lại sau hai năm gián đoạn. Mỗi ngày, hàng nghìn lượt người đến để tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông, chiêm bái những di tích nơi Phật hoàng tu tập cách đây bảy thế kỷ. Trước lễ hội, thành phố Uông Bí đã yêu cầu Ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm và các đơn vị liên quan bảo đảm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác y tế, an ninh trật tự, tuyên truyền trực quan; đồng thời chỉnh trang nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu về di tích và chỉ dẫn về hướng đi cho du khách theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí Nguyễn Văn Thành cho biết: Du khách về với Yên Tử mùa xuân này sẽ cảm thấy yên tâm hơn bởi thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, lưu trú trên địa bàn, đồng thời yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ, vệ sinh thực phẩm, môi trường cảnh quan, đặc biệt phải niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ theo quy định.

Tỉnh Hà Nam có ba lễ hội lớn tại đền Trần Thương, chùa Tam Chúc và lễ hội Tịch điền Đọi Sơn. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý sai phạm trước và trong lễ hội. Từ đầu năm, Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu và thành lập đoàn kiểm tra tại các điểm tổ chức lễ hội, di tích lớn trên địa bàn. Ngành văn hóa và các địa phương tăng cường hoạt động tuyên truyền với hàng nghìn pano, áp-phích, khẩu hiệu trên các trục đường chính tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, các tuyến đường dẫn vào điểm di tích, nơi tổ chức lễ hội…”.

Lễ phát lương ở đền Trần Thương luôn được nhiều người quan tâm để xin lộc Đức Thánh Trần, nhưng việc tuyên truyền được thực hiện sớm, cho nên người dân đều hoan hỉ xếp hàng chờ “phát lương”, không xảy ra chen lấn, xô đẩy. Tương tự trong nhiều ngày cao điểm, Khu du lịch Tam Chúc phục vụ từ 70 nghìn đến 80 nghìn lượt du khách, nhưng cơ bản không để xảy ra tình trạng mất an ninh, an toàn cho du khách.

Tại Bắc Ninh, người dân đến dự hội Lim (huyện Tiên Du) vào ngày chính hội (13 tháng Giêng) rất đông. Với sự vào cuộc sớm của các ban, ngành và chính quyền địa phương, năm nay, quan họ hội Lim đã không còn cảnh “ngửa nón xin tiền”. Các lều của “liền anh”, “liền chị” đều tập trung trình diễn những làn điệu quan họ cổ; hạn chế lồng ghép những tiết mục mới hoặc các thể loại âm nhạc truyền thống khác. Điều đó làm người dự hội cảm thấy hết sức phấn khởi.

Bền bỉ xây dựng văn minh mùa lễ hội

Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động lễ hội, hành hương dịp đầu xuân vẫn còn những bất cập. Tại chùa Hương, dù giá cả dịch vụ đưa đò đã được niêm yết và chủ đò thu đúng giá, nhưng nhiều du khách hành hương phàn nàn, sau khi đò khởi hành được một đoạn, các chủ đò bắt đầu nài nỉ nại ra việc đưa, đón vất vả để xin khách cho thêm. Tùy theo số lượng khách, mà các đoàn thường cho thêm từ 100-200 nghìn đồng/đoàn.

Chị Trịnh Khánh Linh (tập thể Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Việc người lái đò nài nỉ xin thêm tiền đò làm mất cảm tình của chúng tôi”. Việc trang bị áo phao khi đi đò trên suối Yến cũng chỉ mang tính đối phó. Có những thuyền không có áo phao, hoặc chở hàng chục người nhưng chỉ bố trí vài chiếc lấy lệ. Sau khi Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội xử phạt 30 trường hợp không trang bị áo phao, không bố trí túi đựng rác trên đò, tình trạng mới giảm. Ngoài ra, việc chèo kéo sử dụng các dịch vụ vẫn khá phổ biến, nhất là dịch vụ vận chuyển và ăn uống.

Tại đền Bà Chúa Kho (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) trước đây, nạn khấn thuê từng “làm khổ” người đi lễ, khiến Ban tổ chức phải cấm dịch vụ khấn thuê, nhất là tranh cãi về phí dịch vụ, hay được gọi một cách hoa mỹ là “xin lộc”. Nhiều tấm biển đề nghị khách không nhờ “khấn thuê-lễ mướn” được dựng lên trong khu vực di tích. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tranh thủ lúc đông người, lực lượng chức năng không thể kiểm soát hết để mời chào khách khấn thuê.

Tại hội Lim, tuy không còn cảnh ngửa nón xin tiền, nhưng nhiều vị khách vẫn đưa tiền cho “liền anh”, “liền chị”, nhất là khi được tặng những miếng trầu têm cánh phượng… Nhiều di tích, lễ hội, nạn “rải” tiền lẻ, cắm hương bừa bãi ở những nơi không phải khu vực thờ tự như gốc cây, bia đá… vẫn còn phổ biến. Tình trạng tăng vé dịch vụ trông giữ xe cũng xảy ra tại nhiều di tích mà chưa được xử lý triệt để.

Để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những vi phạm. Về lâu dài, việc xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là hết sức cần thiết. Thí dụ như việc đổi tiền lẻ, rải tiền lẻ, đặt tiền công đức ở những nơi thờ tự. Đây là vấn đề Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tập trung nhắc nhở, khuyến cáo trong những văn bản hướng dẫn gửi tới các địa phương để chấn chỉnh sao cho phù hợp thuần phong mỹ tục, tránh những hình ảnh mất mỹ quan tại nơi thờ tự.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính quyền địa phương và cá nhân phụ trách trông nom nơi thờ tự cần chú trọng hơn nữa việc nhắc nhở, khuyến cáo người dân. Để xây dựng văn hóa ứng xử, thành phố Hà Nội đã xây dựng Quy tắc ứng xử nơi công cộng, trong đó có Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, nêu rõ những điều nên làm (giữ gìn, phát huy nghi thức, giá trị truyền thống; chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự; đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung…) và không nên làm (thực hành, ủng hộ mê tín dị đoan; xâm hại cảnh quan, không gian tín ngưỡng, tôn giáo; mặc trang phục hở hang...). Việc thực hiện Quy tắc ứng xử thống nhất trên toàn thành phố giúp cải thiện đáng kể văn hóa ứng xử tại lễ hội, di tích. Đây là kinh nghiệm mà các địa phương có thể tham khảo.