Phản ứng bất lợi ở trẻ rất thấp so với biến chứng khi nhiễm Covid-19
TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, vaccine Pfizer là vaccine duy nhất có đủ hồ sơ và được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt triển khai tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Chuyên gia này nhận định, mặc dù tỷ lệ nhiễm và mắc bệnh ở trẻ em thấp hơn nhiều so với người lớn, nhưng cũng có đối tượng trẻ em có bệnh lý nền biểu hiện nặng. Tình trạng trẻ mắc viêm cơ tim, suy hô hấp, tử vong đã xảy ra ở trẻ em với tỷ lệ không hề nhỏ và ngay trong đợt dịch tại TP Hồ Chí Minh đã có những trường hợp như vậy. Do đó, việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết, đặc biệt với những trẻ có bệnh lý nền cần phải tiêm càng sớm càng tốt vì nguy cơ do bệnh nếu mắc sẽ cao hơn rất nhiều so với không tiêm.
“Trẻ em cũng là nhóm đối tượng mang virus, có nguy cơ lây cho người khác. Phòng cho trẻ em bằng vaccine không đơn thuần tránh trẻ em rơi vào thể nặng, nhập viện mà còn giúp giảm thiểu và cắt đứt chuỗi lây truyền Covid-19 trong cộng đồng. Đó là mục tiêu cao nhất hướng tới an toàn chung cho cộng đồng”, TS Thái nhấn mạnh.
Trước tâm tư lo ngại của nhiều gia đình về phản ứng bất lợi khi tiêm vaccine, TS Thái cho biết, việc phản ứng bất lợi liên quan đến tiêm vaccine thấp hơn vô cùng nhiều so với những biến chứng nếu bị nhiễm Covid-19. Vì vậy, tiêm vaccine vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em, mặc dù chúng ta còn cần có thêm thời gian đánh giá trong việc triển khai tiêm vaccine này với trẻ em Việt Nam như thế nào.
Chuyên gia này cho biết thêm, tỷ lệ trẻ bị viêm cơ tim hoặc các biến chứng do nhiễm virus SARS-CoV-2 tự nhiên nặng hơn, phổ biến hơn vô cùng nhiều so với tỷ lệ viêm cơ tim liên quan đến mũi tiêm vaccine. Ở trẻ tiêm vaccine, tỷ lệ viêm cơ tim khoảng 1/20.000, tức là trong 20.000 trẻ mới có 1 trẻ bị viêm cơ tim.
"Nếu trẻ không may bị phản ứng bất lợi liên quan viêm cơ tim do vaccine thì trẻ em lại đáp ứng rất tốt với thuốc điều trị hiện hành. Vì thế, khi viêm cơ tim do vaccine, trẻ vẫn có thể điều trị, hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng", TS Thái cho hay.
Triển khai tiêm cho trẻ em an toàn
Theo TS, BS Phạm Quang Thái, cũng giống như triển khai tiêm cho người lớn, giai đoạn đầu tiên cần thực hiện một cách cẩn trọng, tiêm ở điểm tiêm có sự giám sát rất tốt, tiêm giảm dần độ tuổi ở quy mô nhỏ. Kế hoạch triển khai này cũng đã được thực hiện ở các chiến dịch tiêm chủng trước với nhiều đối tượng như tiêm cho nhóm người lớn.
Khi đã hoàn chỉnh tất cả vấn đề liên quan đến hướng dẫn chuẩn bị tổ chức và các tuyến thí điểm ban đầu làm trơn tru, chúng ta sẽ triển khai ở quy mô lớn, ở tất cả các điểm tiêm: trạm y tế, trường học, thậm chí tiêm ngoài trạm.
Cần lưu ý gì khi tiêm cho trẻ, TS Thái khuyến cáo, quan trọng nhất chính là việc theo dõi sau tiêm. Tại điểm tiêm, nếu trẻ có phản ứng thì sẽ được xử trí ngay nhưng tỷ lệ này rất hiếm. Phần lớn các phản ứng bất lợi nếu có lại xảy ra sau khi ở điểm tiêm về. Vì vậy, để giảm thiểu tác hại nếu có với những phản ứng bất lợi đó, trẻ cần được theo dõi về sức khỏe, phát hiện sớm các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt, không vấn đề gì. Nếu vô tình thiếu theo dõi thì sẽ có hậu quả không thể lường trước.
“Tôi đặt nặng vấn đề này và đề nghị các cán bộ y tế phải có sự hướng dẫn, khuyến cáo kỹ chăm sóc trẻ cho cả trẻ lớn và nhỏ sau tiêm. Với gia đình, cần cập nhật kiến thức, có sự lắng nghe từ phương tiện thông tin đại chúng, từ kênh chính thống để có kỹ năng theo dõi sức khỏe của trẻ trong gia đình, bảo đảm an toàn sau buổi tiêm chủng”, TS Thái khuyến cáo.
Đề xuất đưa vaccine Covid-19 vào tiêm chủng mở rộng
Với Covid-19, muốn cộng đồng an toàn, đẩy lùi và khống chế được dịch bệnh thì phải có chiến lược, trong chiến lược đó không thể thiếu vaccine. TS Phạm Quang Thái cho biết, theo văn bản dự thảo xin ý kiến các chuyên gia, tới đây vaccine Covid-19 có thể sẽ được đưa danh sách các vaccine bắt buộc phải tiêm chủng như các vaccine có trong Thông tư 38 của Bộ Y tế.
Trong thời gian tới, vaccine phòng Covid-19 được chính thức công nhận sẽ nằm trong danh mục vaccine thuộc diện bắt buộc thì trẻ phải được tiêm chủng mới có thể tham gia một số hoạt động.
Cũng theo chuyên gia này, việc tồn tại nhóm phản đối vaccine là không thể tránh khỏi vì đây là phong trào có trên toàn cầu đã làm tổn thất rất lớn cho công tác phòng, chống dịch rất nhiều bệnh. Có nhiều bệnh quay trở lại vì phong trào phản đối vaccine, kể cả ở quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, với Covid-19, dịch bệnh còn lưu hành thì virus còn biến đổi, khi đó chủng mới sẽ vượt khỏi khả năng bảo vệ của vaccine cũng như miễn dịch mà một người có thể có khi đã nhiễm. Khi tỷ lệ tiêm chủng không ở mức tối đa, dịch luôn tồn tại và virus sẽ có nguy cơ biến đổi, khi đó, những nỗ lực chúng ta đã làm sẽ bị cuốn trôi hết, chúng ta sẽ quay trở lại vạch mốc đầu tiên. Đó là nguy cơ lớn ảnh hưởng tới mọi thành quả chống dịch.
Vì thế, vai trò của truyền thông rất quan trọng để giải thích, tuyên truyền vận động người dân hiểu, tham gia cùng hoạt động tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em để có mũi tiêm an toàn, có hành động dứt khoát phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
PGS, TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, Bộ Y tế quyết định lựa chọn vaccine Pfizer tiêm cho 12-17 tuổi là bởi dữ liệu về tính sinh miễn dịch cho thấy vaccine bảo đảm an toàn, giảm bớt nguy cơ tác dụng phụ. Hiện nay tại Mỹ, nhiều nước châu Âu và các nước khu vực Đông Nam Á chỉ định tiêm vaccine này cho trẻ em.
PGS, TS Trần Minh Điển nhấn mạnh, tiêm vaccine cho trẻ em cần lưu tâm vấn đề sàng lọc, xem xét chỉ định hay chống chỉ định tiêm. Trường hợp chống chỉ định duy nhất là từng có phản ứng phản vệ độ 2 còn các tình trạng khác có thể chỉ định tiêm. Với trẻ có bệnh nền, mạn tính, cần phải tiêm ở bệnh viện giống như chỉ định cho người lớn. Nguyên tắc tiêm cho trẻ 16-17 tuổi trước và sau đó hạ thấp dần độ tuổi. Đến năm 2022, Việt Nam có kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ thấp hơn.