Bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động

Trên địa bàn thành phố, nhiều doanh nghiệp, nhà máy rất chú trọng thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động, không chỉ bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn lao động, mà trên hết chính là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy tại Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên.
Diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy tại Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên.

Đều đặn sáu ngày làm việc trong tuần, các Tổ an toàn vệ sinh viên của Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên (Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đều có mặt tại các xưởng sản xuất để kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động khi quy trình sản xuất diễn ra trong ngày.

Tại xưởng thuốc viên-thuốc nước, Tổ an toàn vệ sinh viên kiểm tra đột xuất ngay đầu giờ chiều, sau đó kiểm tra dụng cụ bảo hộ của người lao động, trang thiết bị, công việc của nhân viên vận hành…

Trưởng xưởng thuốc viên-thuốc nước Hoàng Huy Liệu cho biết: Xưởng có 40 nhân viên, đều được tập huấn đầy đủ về An toàn vệ sinh lao động, riêng những công nhân phụ trách các thiết bị đặc biệt như nồi hơi, khí nén sẽ được công ty gửi đi đào tạo chuyên sâu ở bên ngoài. Công ty cũng có quyết định phân công một thành viên trong Ban Giám đốc (Giám đốc nhà máy) trực tiếp chỉ đạo công tác bảo hộ lao động.

“Công nhân lao động làm việc ở đây phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động, bảo hộ lao động, chính là tham gia bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và chính bản thân mình”, ông Liệu chia sẻ.

Theo Ban Chấp hành Công đoàn Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên, cùng với việc thành lập bộ phận Bảo hộ lao động, công ty thành lập mạng lưới An toàn vệ sinh viên cho các tổ sản xuất gồm 10 thành viên, được tập huấn nhiệm vụ và giao Ban Chấp hành Công đoàn quản lý.

Lực lượng An toàn vệ sinh viên hằng ngày có nhiệm vụ kiểm tra các yếu tố nguy cơ an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp, có báo cáo, đề xuất cho tổ trưởng, trưởng xưởng biện pháp khắc phục, ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn lao động. An toàn vệ sinh viên được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm hằng tháng.

Ngoài ra, công ty có quyết định thành lập bộ phận An toàn lao động do một kỹ sư điện phụ trách, thành phần bao gồm chủ tịch công đoàn, cán bộ y tế, kỹ thuật cơ điện, đội trưởng phòng cháy, chữa cháy.

Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần dược phẩm An Thiên, Nguyễn Minh Trí cho biết thêm: Bộ phận Bảo hộ lao động phối hợp cùng chính quyền hằng năm tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, an toàn sử dụng hóa chất cho người lao động, người lao động vận hành các thiết bị nồi hơi, áp lực.

Cùng với đó, tất cả máy móc, thiết bị có yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định đều được đăng ký, kiểm định bởi Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng của thành phố và được dán tem kiểm định.

Với 800 công nhân lao động làm việc trong môi trường sản xuất đặc thù về cơ khí và xây dựng, Ban Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh) cũng hết sức chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động.

Theo quy định của công ty, đầu giờ sáng thứ hai hằng tuần, các trưởng xưởng cùng các bộ phận như Phòng Chất lượng, Phòng Bảo trì, Phòng HSE họp cùng toàn thể người lao động tại mỗi bộ phận; trong đó, lồng ghép sâu nội dung về an toàn vệ sinh lao động và quy định về công tác bảo hộ.

Các bộ phận lưu ý người lao động chú trọng việc tuân thủ khi vận hành các thiết bị nâng/hạ, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động cho công nhân lao động tại từng vị trí. Đơn cử như, công nhân bộ phận hàn bắt buộc phải có kính bảo hộ, bao tay da, đồng phục mầu cam…

Ngoài ra, tại các Tổ sản xuất sẽ họp bàn kiểm tra về vệ sinh an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy vào mỗi buổi sáng, trước khi công nhân bắt tay vào dây chuyền. Công ty đã thành lập Đội phòng cháy, chữa cháy chủ chốt, gồm 60 thành viên, nhằm tham gia chữa cháy kịp thời khi xảy ra sự cố.

Một năm một lần Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy huyện Bình Chánh sẽ tham gia tập huấn, đào tạo và diễn tập công tác phòng cháy, chữa cháy tại nhà máy.

Ban Chấp hành Công đoàn công ty cho biết: Trung bình hằng năm, công ty dành khoảng 6,2 tỷ đồng để đầu tư, trang bị máy móc, dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động; chi khoảng 3,6 tỷ đồng hỗ trợ các chế độ độc hại, khám, chữa bệnh cho công nhân lao động, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động yên tâm lao động, sản xuất.

Mới đây, tại lễ tổng kết Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có nhiều giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, người lao động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Các hoạt động chăm lo, hỗ trợ người lao động của các cấp công đoàn trong Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động đã tạo được niềm vui, phấn khởi cho người lao động.

Đơn cử, trong Tháng an toàn vệ sinh lao động, các cấp công đoàn tổ chức họp mặt, thăm hỏi, động viên tặng quà 1.183 công nhân bị tai nạn lao động, với tổng số tiền chăm lo gần 800 triệu đồng. Thực hiện Chương trình “Vì lợi ích đoàn viên công đoàn”, có 721 công đoàn cơ sở tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe, tư vấn, khám tổng quát và phát thuốc miễn phí cho 35.162 lượt lao động với tổng số kinh phí hơn 12 tỷ đồng.

“Các cấp công đoàn cần phối hợp các đơn vị sử dụng lao động tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động với những trang thiết bị bảo đảm an toàn lao động. Đồng thời, phối hợp đơn vị sử dụng lao động và các đơn vị liên quan nhắc nhở, động viên người lao động chấp hành an toàn vệ sinh lao động”, ông Phạm Chí Tâm nhấn mạnh.