Đây là chuyến bay nhân đạo miễn phí thứ ba của Nhà nước Việt Nam đưa công dân sơ tán từ Ukraine về nước. Các trường hợp được ưu tiên cao nhất trong các chuyến bay này là trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Ba Lan trực tiếp giúp đỡ di chuyển và hướng dẫn bà con làm thủ tục tại sân bay. Ban hỗ trợ cộng đồng và nhiều tình nguyện viên người Việt tại Ba Lan hỗ trợ phương tiện đưa đón bà con từ các địa điểm lưu trú ở thủ đô Vácsava tới sân bay. Hội người Việt Nam tại Ba Lan và nhiều cá nhân trong cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan hỗ trợ thu xếp chỗ tạm trú, thực phẩm và vật dụng thiết yếu cho bà con.
Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam (chùa Nhân Hòa) tại thủ đô Vácsava đón tiếp và hỗ trợ gần 2.000 lượt người.
Trong suốt gần một tháng qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan đã triển khai mọi nhiệm vụ trong công tác hỗ trợ, bảo hộ công dân, thường xuyên rà soát danh sách đăng ký nguyện vọng về nước và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại để bảo đảm những trường hợp không có đầy đủ giấy tờ có thể về nước trên các chuyến bay.
Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng cho biết, các chuyến bay thể hiện rõ nhất sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công dân Việt Nam. Theo Cơ quan Biên phòng Ba Lan, có hơn 2.800 công dân Việt Nam nhập cảnh từ Ukraine.
Sau khi Đức và các nước Liên minh châu Âu (EU) quyết định tiếp nhận và dành cho người sơ tán từ Ukraine quy chế bảo vệ tạm thời, nhiều bà con người Việt từ Ukraine đã sang Đức. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và nhiều hội đoàn, cá nhân người Việt ở Đức đã hỗ trợ bà con, nhất là trong công tác bảo hộ công dân. Theo TTXVN, ngay khi được tin có người Việt sơ tán sang Đức, Đại sứ quán đã cử cán bộ tới nhà ga chính Berlin và Trung tâm thương mại Đồng Xuân tìm hiểu tình hình và trò chuyện trực tiếp với các cá nhân, gia đình người chạy nạn.
Đại sứ quán cũng đã đăng tải thông tin và cập nhật thường xuyên các quy định, thủ tục của Đức đối với người sơ tán từ Ukraine trên trang chủ của Đại sứ quán và trên các báo cộng đồng. Ngoài ra, Đại sứ quán cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng và cử cán bộ có kinh nghiệm túc trực để kịp thời hướng dẫn, trợ giúp bà con.
Đối với phía Đức, Đại sứ quán đã gửi công hàm lên các cơ quan liên bang như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ và các địa phương tiếp nhận nhiều người Việt đề nghị cung cấp thông tin và hỗ trợ bà con người Việt sơ tán từ Ukraine.
Theo số liệu được Bộ Nội vụ Đức công bố ngày 18/3, Đức đã tiếp nhận khoảng 197.000 người sơ tán từ Ukraine. Trong số này có nhiều người Việt có quy chế cư trú tại Ukraine hoặc mang hộ chiếu Ukraine. Số bà con sơ tán sang Đức chủ yếu đi thành các nhóm nhỏ dưới 20 người, vào Đức bằng tàu hoặc phương tiện cá nhân.