Bảo đảm an toàn cho học sinh sớm quay trở lại trường học

NDO -

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng về lâu dài thì tốt nhất là giải quyết để học sinh quay trở lại học trực tiếp tại trường và cần tổ chức thật tốt để bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: DUY LINH
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh xảy ra, việc đầu tiên là phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em học sinh. Nhu cầu đi học của học sinh là nhu cầu chính đáng cần sự chung tay của cả xã hội, bởi học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế. 

Phải tổ chức thật tốt bảo đảm an toàn

“Đã nhiều lần tôi đã phát biểu rằng, học trực tuyến có học được không? Học được, nhưng hiệu quả không nhiều. Bên cạnh đó có thể còn có những tác hại mà bây giờ chưa nhìn thấy được. Cho nên cố gắng giải quyết tốt nhất để cho học sinh được đi học trực tiếp. Việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp phải thật an toàn”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, để làm được điều này, thì Chính phủ phải ưu tiên vaccine cho trẻ em từ 12-18 tuổi. Bên cạnh đó, việc tiêm vaccine cho trẻ em dưới 12 tuổi thì đang để ngỏ cần phải tiếp tục nghiên cứu.

“Không phải lấy vaccine của người lớn để tiêm cho trẻ em, mà cần phải xem loại vaccine đó có tiêm được không, có hiệu quả không, có gây tác hại không, nhất là đối với sức khỏe của các cháu, kể cả hàm lượng, nồng độ, chủng loại...”, đại biểu Trí nêu ý kiến.

Tuy nhiên, theo đại biểu Trí, vaccine chỉ là một yếu tố, đi học trực tiếp còn liên quan đến vấn đề tổ chức, cần phải kiểm soát thật tốt để không lây lan, nhiễm bệnh. Theo đó, trước hết trong gia đình phải giữ gìn cho các cháu. Thứ hai, là quá trình đưa các cháu đi học đến trường thì phải hạn chế tối đa tiếp xúc với môi trường có thể nhiễm bệnh. Thứ ba, có thể áp dụng “3 tại chỗ” ở trường trong trường hợp gia đình không có điều kiện. Ngay ở trường học thì phải bố trí bảo đảm giãn cách nhất định, tuân thủ 5K.

“Nếu thực hiện tốt các biện pháp nêu trên, để các cháu đi học an toàn thì 2 tuần xét nghiệm kháng nguyên PCR một lần. Như vậy thì các cháu vẫn đến trường đi học được”, đại biểu Trí cho biết.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng cho rằng, để cho học sinh nhanh chóng đến trường thì đầu tiên là phải tiêm vaccine cho các em vì trường học, lớp học là nơi đặc thù rất dễ lây lan với số lượng học sinh đông, ở nhiều nơi, chưa kể còn có người đưa đón. Cùng với vaccine thì vẫn phải có những giải pháp khác như 5K, học giãn cách theo ca… và tiến tới phải có quy trình chuẩn trong nhà trường.

Đại biểu Hạ cho rằng thời gian tới cần tổ chức để cho trẻ em đi học lại càng sớm càng tốt để giải quyết vấn đề sang chấn tâm lý, tăng cường quan hệ xã hội, tương tác bạn bè trong lớp với nhau, giữa thầy cô với học trò.

Bảo đảm an toàn cho học sinh sớm quay trở lại trường học -0
Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ (Quảng Nam). Ảnh: DUY LINH 

Tiêm vaccince cho trẻ em phải tiến hành thận trọng

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc tiêm vaccine cho nhóm đối tượng học sinh từ 12 tuổi trở xuống còn nhiều vấn đề, cần tiếp tục được nghiên cứu thêm, nhưng để tránh bị lỡ cơ hội thì cần phải bám sát tất cả công bố trên thế giới để cập nhật, khi có loại vaccine nào được Tổ chức Y tế thế giới công nhận có thể tiêm cho các cháu dưới 12 tuổi xuống thì cố gắng tiếp cận nhanh nhất để có vaccine kịp tiêm cho các cháu.

“Tôi nghĩ Bộ Y tế có trách nhiệm thường xuyên cập nhật thông tin. Khi phát hiện trên thế giới có vaccine tốt, phù hợp thì mua ngay để tiêm cho các cháu”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Theo đại biểu Trí, đối với việc tiêm vaccine cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tuổi, còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ, cần nghiên cứu thận trọng. Thí dụ như về độc tính dài hạn thì cần nghiên cứu 3-5 năm, còn vaccine phòng Covid-19 trên thế giới hiện nay mới nghiên cứu được 2 năm, hay như vấn đề sinh kháng thể của vaccine và thời gian tồn tại của kháng thể cũng cần tiếp tục nghiên cứu.

“Đây là những câu hỏi của thế giới chứ không chỉ Việt Nam mình, của tôi hay của ai cả. Thế giới cũng chưa trả lời được. Thông thường vaccine thì phải nghiên cứu 4-5 năm, thậm chí 10 năm. Ngoài ra cơ chế sản xuất vaccine cũng khác nhau… Hiện thế giới vẫn đang nghiên cứu nên cần phải thận trọng”, đại biểu Trí nêu ý kiến.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cũng cho rằng việc tiêm vaccine cho trẻ em phải tiến hành thận trọng. Loại vaccine nào an toàn để tiêm được cho trẻ em thì phải dựa vào thông tin mà Tổ chức Y tế thế giới công bố, cũng như tham khảo từ một số nước đã triển khai tiêm cho trẻ em.

“Nhưng ngay cả Mỹ mà tôi đọc thông tin thì có câu chuyện là vaccine Pfizer tiêm cho trẻ em thì có 44% người dân được hỏi đồng tình tiêm cho con em họ, nhưng cũng có 42% còn lo lắng về chất lượng vaccine. Cho nên ở đây, đúng là khi chúng ta triển khai mặc dù có nguồn vaccine tốt nhưng cũng phải có những giải pháp, quy trình chuẩn”, đại biểu Hạ cho biết.

Trước đó, chiều 26/10, Bộ Y tế thông tin cho biết, việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi (từ 12 trở lên). Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ.

Chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Mỹ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng, bảo đảm an toàn cho trẻ em.

Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV