Bảo đảm an ninh để phát triển du lịch

Quá trình hội nhập quốc tế đang đặt ra cho ngành du lịch nước ta nhiều thách thức, trong đó có việc bảo đảm an ninh và an toàn cho du khách. Phát triển du lịch phải gắn liền công tác bảo đảm an ninh và ngược lại, việc giữ vững an ninh, trật tự, an toàn cho du khách cũng góp phần quan trọng để phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của đất nước.

Du khách làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: THUẬN THẮNG
Du khách làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: THUẬN THẮNG

Khó khăn trong quản lý

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Hoạt động du lịch có nhiều yếu tố liên quan công tác an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, mối quan hệ giữa hai ngành công an và du lịch đã được quan tâm đặc biệt. Nhiều văn bản pháp lý đã tạo cơ sở cho công tác phối hợp giữa hai ngành mà trọng tâm là bảo đảm an ninh cho các hoạt động du lịch và giữ gìn an ninh quốc gia trong quá trình phát triển.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế không ngừng tăng, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh du lịch cũng gia tăng. Công tác bảo đảm an ninh du lịch nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp khi thủ tục kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh đang tiến tới đơn giản, thông thoáng. Việc miễn thị thực song phương với hơn 50 nước và đơn phương cho công dân bảy nước vào Việt Nam; việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xét duyệt nhân sự từ năm ngày xuống ba ngày trong bối cảnh người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh vào Việt Nam ngày càng tăng, đặt ra yêu cầu công tác quản lý phải rất khoa học, cần sự đổi mới tư duy, cơ chế, biện pháp phù hợp, hiện đại và đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, nhất là giữa hai ngành du lịch và công an. Nhiều công ty du lịch hiện chỉ đơn thuần làm dịch vụ thị thực, xem nhẹ việc đón và quản lý khách, trong khi các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch ở Việt Nam cũng ngày càng nhiều. Tiềm lực và tính chuyên nghiệp của họ nhìn chung cao hơn các doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy, việc cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia trong kinh doanh du lịch là vấn đề khó khăn.

Một vấn đề cần lưu ý là các hoạt động du lịch, các tua, tuyến du lịch thường mang tính liên kết, ở nhiều địa phương khác nhau và nằm trên các địa bàn an ninh chiến lược: Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ hoặc những trung tâm kinh tế, chính trị và sẽ ngày càng mở rộng về phạm vi. Ðiều cần lưu ý là trong điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế, mở rộng phạm vi liên kết, các thế lực thù địch, các loại tội phạm sẽ triệt để lợi dụng để thâm nhập, đưa người vào Việt Nam cũng như ra nước ngoài qua con đường du lịch để tiến hành các hoạt động vi phạm an ninh quốc gia, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức... Ðiều này đòi hỏi cần có sự chủ động, tự giác trong công tác phối hợp giữa công tác an ninh với kinh doanh du lịch mới có thể bảo đảm, giữ vững an ninh, trật tự quốc gia.

Phối hợp liên ngành hiệu quả

Từ thực trạng nêu trên, Bộ Công an và ngành du lịch cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả phối hợp, nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an ninh cho du khách. Hai ngành cần phối hợp hiệu quả trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tinh thần cảnh giác cho những người tham gia hoạt động du lịch trên các địa bàn, tuyến điểm du lịch trọng điểm, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, chống các thế lực xấu lợi dụng lôi kéo, xâm phạm an ninh quốc gia qua đường du lịch.

Mỗi địa bàn, tuyến, điểm du lịch đều có đặc thù riêng. Do đó, công tác phối hợp giữa hai ngành phải căn cứ vào tình hình thực tế để đề ra nội dung, biện pháp phối hợp cho phù hợp nội dung có thể được bổ sung, sửa đổi theo từng thời kỳ. Việc tham mưu, đề xuất xây dựng nội dung quy chế và tổ chức triển khai thực hiện do cơ quan công an chủ động và chủ trì, chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn mối quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong bảo đảm an ninh trật tự trên các địa bàn, tuyến, điểm du lịch trọng điểm. Ngành du lịch cần tăng cường cùng các cơ quan chức năng tích cực kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân cho người nước ngoài núp bóng để hoạt động kinh doanh du lịch trái phép, trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến môi trường phát triển du lịch. Ðồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của những nước có đông công dân sang Việt Nam du lịch để nắm tình hình và có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch và hướng dẫn viên du lịch trái phép ở Việt Nam.

Hiện tại, nước ta đã ký với hơn 50 nước Hiệp định song phương miễn thị thực đối với công dân mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ hoặc hộ chiếu phổ thông và đơn phương miễn thị thực cho công dân nhiều nước, do đó cần tính toán chưa nên tiếp tục mở rộng đơn phương miễn thị thực cho công dân các nước khác; việc mở rộng miễn thị thực nên thực hiện theo nguyên tắc song phương, áp dụng có đi có lại. Bên cạnh đó, ngành cần quan tâm đúng mức công tác quản lý, bảo vệ nội bộ đối với hoạt động đưa người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp như trốn ở lại nước ngoài, có hành vi phát ngôn, tuyên truyền không đúng, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh đất nước.

Mối quan hệ mật thiết giữa hai ngành công an và du lịch có vai trò quan trọng, bảo đảm an ninh cho du khách và trật tự, an toàn xã hội trong thời kỳ mở rộng hội nhập quốc tế. Công tác phối hợp giữa hai ngành được phát huy mới tạo ra được sự đồng thuận và an ninh du lịch sẽ được giữ vững, góp phần tích cực bảo đảm lợi ích quốc gia về kinh tế, chính trị, an ninh đối ngoại trong các hoạt động du lịch.