Trong số báo ra ngày 26-1, báo l'Humanité (Nhân đạo - Đảng Cộng sản Pháp) có bài viết về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, đề cập đến sự kiện quan trọng nhất trong đời sống chính trị ở Việt Nam. Bài báo nhấn mạnh thời điểm diễn ra đại hội, trong bối cảnh Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và hội nhập quốc tế dù có nhiều thách thức trong thời gian vừa qua.
Điểm lại tình hình trong năm năm vừa qua, báo l'Humanité cho rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công cuộc cải cách cả về chính trị và kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó có việc thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển.
Báo l'Humanité cũng đánh giá cao sự ổn định của Việt Nam trong năm vừa qua, không những kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 mà còn là một trong những nước có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và Trung Quốc trong năm 2020 cũng tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19. Kết quả này đã thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Những thành tựu vừa qua là cơ sở quan trọng để Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2025 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.
Trong số báo ra ngày 25-1, nhật báo Le Monde (Thế giới) đề cập đến các thành tựu của Việt Nam, là một ngoại lệ ở khu vực Đông - Nam Á và cả châu Á - Thái Bình Dương xét về hai tiêu chí sức khỏe và kinh tế. Trong khi các nước khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Việt Nam không những kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh mà còn hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do Covid-19, đồng thời đạt mức tăng trưởng dương trong bức tranh ảm đạm trên toàn cầu. Do vậy, Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đứng thứ 4 khu vực Đông - Nam Á, vượt Singapore và Malaysia.
Bài báo của Le Monde trích dẫn nhận định của tạp chí kinh tế Nikkei Asia Review rằng bất chấp đại dịch, Việt Nam đã chứng tỏ khả năng phục hồi nhanh chóng nhờ chính sách mở cửa thương mại. Việt Nam tiếp tục đà phát triển, tận dụng được tiềm năng và cơ hội để đạt được các chỉ số tăng trưởng tích cực trong năm 2020.
Tờ Le Figaro cũng đề cập đến triển vọng kinh tế của Việt Nam, với tăng trưởng GDP trong năm qua ước đạt 2,9% trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái nghiêm trọng. Chiến lược chống dịch của Việt Nam đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sức khỏe, tạo điều kiện duy trì sản xuất. Hiện, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm công nghệ lớn của khu vực và thế giới.