Báo cáo WASDE làm giá đậu tương biến động mạnh, doanh nghiệp cần làm gì?

NDO - Báo cáo Ước tính cung cầu nông nghiệp Thế giới (WASDE) - báo cáo hằng tháng quan trọng của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đưa ra dự báo về nguồn cung và nhu cầu về các mặt hàng nông sản của Mỹ cũng như trên toàn thế giới. Ngay sau đó, giá đậu tương niêm yết trên Sở giao dịch Chicago (CBOT) đã giảm gần 2%. Đây là đợt biến động giá mạnh nhất của mặt hàng này kể từ tháng 6. Vậy thông tin WASDE đưa ra như thế nào mà tác động ngay đến giá các hợp đồng kỳ hạn đậu tương?
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Reuters)
(Ảnh: Reuters)

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, giá các hợp đồng kỳ hạn đậu tương niêm yết tại CBOT biến động mạnh trong thời gian gần đây chủ yếu xuất phát từ những thông tin về tình hình mùa vụ tại hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới là Brazil và Mỹ. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 9/11 - thời điểm báo cáo WASDE tháng 11 công bố, giá đậu tương đã hạ đáng kể theo dự báo tích cực về nguồn cung ở hai quốc gia trên.

Dự báo sản lượng đậu tương của Mỹ tốt hơn dự kiến

Trong báo cáo tháng này, USDA dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ từ tháng 9/2023 tới tháng 8/2024 sẽ nâng lên gần 112,4 triệu tấn do năng suất có thể tăng thêm 20,18 kg/ha ở mức 3.355 kg/ha.

Báo cáo WASDE làm giá đậu tương biến động mạnh, doanh nghiệp cần làm gì? ảnh 1

Diễn biến giá đậu tương CBOT từ 3/1/2023 tới nay.

Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Tin tức Hàng hóa Việt Nam cho biết, dù hạn hán cũng ảnh hưởng quá trình phát triển ban đầu của đậu tương tại Mỹ, nhưng kể từ cuối tháng 8, thời tiết thuận lợi đã giúp cây trồng hồi phục trong giai đoạn phát triển năng suất quan trọng.

Hơn nữa, khí hậu khô ráo cũng tạo điều kiện cho hoạt động thu hoạch diễn ra nhanh chóng, năng suất đậu tương năm nay của Mỹ tốt.

Sản lượng cao hơn dự kiến nhưng USDA vẫn giữ dự báo xuất khẩu đậu tương niên vụ 23/24 của Mỹ ở mức 47,76 triệu tấn. Trong bối cảnh đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ trên thị trường xuất khẩu đậu tương là Brazil mới đang trong giai đoạn gieo trồng vụ mới, và nhu cầu quốc tế đối với hạt có dầu từ Nam Mỹ ngày một gia tăng, USDA vẫn khá thận trọng khi đưa ra các dự báo đối với triển vọng xuất khẩu hạt có dầu của Mỹ.

Nguồn cung từ Brazil vẫn khả quan dù thời tiết đầu mùa bất lợi

Brazil bước vào thời điểm gieo trồng đậu tương cho vụ mùa năm 2024 nhưng gần đây thời tiết khô hạn đã không ủng hộ cho hoạt động này. Do đó, đến ngày 9/11, các nhà sản xuất mới trồng được 57,1% diện tích, chậm hơn nhiều so mức trung bình 69,4% cho giai đoạn này.

Đến cuối tháng 10, hạn hán vẫn tiếp diễn ở nhiều vùng trồng đậu tương trọng điểm khiến một số nhà phân tích không khỏi lo ngại về triển vọng sản lượng đậu tương năm tới của Brazil.

Tuy nhiên, đầu tháng 11, mưa đã xuất hiện và giúp thúc đẩy mạnh hoạt động gieo trồng đậu tương. Cơ quan Cung ứng mùa vụ của Chính phủ Brazil (CONAB) trong báo cáo tháng 11 đã nâng dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của nước này lên 162,42 triệu tấn, từ mức 162 triệu tấn ước tính trước. Riêng khối lượng xuất khẩu, CONAB dự báo Brazil có thể xuất được trên 103 triệu tấn tương trong niên vụ 23/24, cao hơn đáng kể so mức 96,95 triệu tấn được đưa ra tháng trước.

Trong khi đó, USDA giữ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 23/24 của Brazil ở mức kỷ lục 163 triệu tấn và khối lượng xuất khẩu ước đạt 97,5 triệu tấn, tăng 500 nghìn tấn so số liệu tháng 10.

Nhu cầu đậu tương Brazil của thế giới đang gia tăng mạnh mẽ là cơ sở chính để USDA và CONAB đưa ra những dự báo tích cực trên.

MXV đánh giá triển vọng nguồn cung đậu tương từ Brazil cải thiện sẽ không chỉ tạo áp lực cạnh tranh cho hoạt động xuất khẩu hạt có dầu của Mỹ, mà còn gây sức ép lên giá đậu tương toàn cầu trong dài hạn.

Báo cáo WASDE làm giá đậu tương biến động mạnh, doanh nghiệp cần làm gì? ảnh 2

Sản lượng, xuất khẩu đậu tương của Brazil và Mỹ.

Đậu tương vẫn có thể quay đầu tăng giá

Cho tới nay, Brazil và Mỹ vẫn là hai nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm nay, nước ta nhập khẩu 1,61 triệu tấn đậu tương, trong đó gần 56% từ Brazil và khoảng 34,5% tấn nhập từ Mỹ.

Đậu tương cũng là một trong những thành phần quan trọng trong hỗn hợp thức ăn chăn nuôi. Do đó, biến động giá đậu tương từ hai thị trường cung cấp trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô vốn chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam.

Báo cáo WASDE làm giá đậu tương biến động mạnh, doanh nghiệp cần làm gì? ảnh 3

Nhập khẩu đậu tương từ Brazil và Mỹ của Việt Nam giai đoạn 2017-2022.

Dự báo lạc quan về sản lượng đậu tương của Brazil và Mỹ trong báo cáo WASDE tháng 11 đã giúp các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi Việt Nam yên tâm hơn về nguồn cung cũng như chi phí nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian tới. Tuy vậy, MXV cho rằng các doanh nghiệp vẫn cần có kế hoạch mua hàng thận trọng trong giai đoạn này để tránh rủi ro giá đậu tương có thể quay đầu tăng trở lại.

“Vẫn còn khả năng giá đậu tương thế giới tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, thời tiết Brazil tiềm ẩn nhiều diễn biến thất thường đe dọa đến sản lượng và dễ đẩy giá đậu tương tăng vọt trở lại. Do đó, các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi cũng cần một kịch bản trữ hàng đủ cho giai đoạn nước rút cuối năm; song song đó là theo dõi sát diễn biến mới của giá đậu tương để có chiến lược mua hàng phù hợp", ông Quang Anh nhận định.