Ngày 15/7, tại xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), điểm cuối trong dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các bộ ngành liên quan, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại diện liên danh các nhà đầu tư tiến hành khảo sát thực tế dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc.
Tại buổi khảo sát, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại diện liên danh các nhà đầu tư tham gia dự án đã báo cáo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tình hình thực hiện dự án thời gian qua; đồng thời, đề xuất, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vào quý I/2023. “Nếu bước xử lý chủ trương đầu tư chưa được thực hiện thì không thể bố trí vốn ngân sách để triển khai dự án”, đại diện liên danh các nhà đầu tư thông tin.
Trước đó, hội đồng thẩm định đã có báo cáo thẩm định về hồ sơ dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo về hồ sơ chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của dự án gửi Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đủ điều kiện phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho biết, địa phương đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc theo phương thức đối tác công tư sau khi cập nhật, bổ sung hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Sau khi nghe báo cáo tình hình triển khai dự án, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận những ý kiến đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và đại diện liên danh các nhà đầu tư để trình Chính phủ, cùng các bộ, ngành liên quan có phương án giải quyết, nhằm sớm triển khai xây dựng dự án cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc.
Bản đồ hướng tuyến cao tốc Dầu Giây-Liên Khương. |
Cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc nằm trong quy hoạch đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, là dự án đầu tiên thực hiện theo phương thức đối tác công tư, sau khi luật PPP được áp dụng. Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án. Dự án do liên danh các nhà đầu tư, gồm Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty Tập đoàn Nam Miền Trung đề xuất đầu tư.
Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66km, hạng mục chính gồm 39 cầu, 4 nút giao thông liên thông, dự kiến chiều rộng mặt đường 17m để đồng bộ với các dự án thành phần khác trong toàn tuyến cao tốc từ Dầu Giây-Liên Khương. Dự án có tổng mức đầu tư 16.220 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 1.460 tỷ đồng, vốn huy động 8.260 tỷ đồng. Dự án được hội đồng thẩm định thông qua ngày 15/6/2021, dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành năm 2026.
Cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương có chiều dài 73km, được Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Lâm Đồng là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, với quy mô giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, tổng mức đầu tư khoảng 12.533 tỷ đồng. Hiện Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (đại diện liên danh nhà đầu tư) đã hoàn thành việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và dự kiến hoàn thành phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước tháng 12/2022. Dự án dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026.
Cùng ngày, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cùng đoàn công tác khảo sát tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương, tại điểm giao với đường ĐT724, thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Đây là 1 trong 3 dự án hợp phần thuộc dự án cao tốc Dầu Giây-Liên Khương.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương là ước mơ và khát vọng bấy lâu của nhân dân và chính quyền địa phương. Khi tuyến cao tốc hình thành, đi vào hoạt động sẽ định hình tương lai phát triển và góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Lâm Đồng.
Tin, ảnh: MAI VĂN BẢO