Bài viết đã chỉ ra rằng Việt Nam thống lĩnh trong lĩnh vực điện thoại thông minh, phần lớn là nhờ khoản đầu tư khổng lồ của Tập đoàn Samsung. Việt Nam đang có kế hoạch chuyển dịch từ ngành dệt may và lắp ráp “thâm dụng lao động” sang các lĩnh vực có lợi nhuận cao như chất bán dẫn. Điều này đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến Việt Nam trước áp lực ngày càng lớn trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Tác giả bài viết đề cập đến lợi thế thị trường cận biên của Việt Nam. Theo đó, nền kinh tế đang bùng nổ của Việt Nam đã được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý nhưng chưa nhiều bởi nước này vẫn chưa được công ty tài chính MSCI của Mỹ phân loại là thị trường mới nổi (EM) mà hiện vẫn chỉ là “thị trường cận biên”. Điều này khiến cổ phiếu của Việt Nam xếp ngang hàng với cổ phiếu của Benin, Kazakhstan và Serbia. Trong trường hợp Việt Nam được thăng hạng thành EM, các quỹ theo dõi chỉ số EM chuẩn sẽ đổ vốn mạnh vào Việt Nam, và nhờ đó sẽ đẩy giá trị cổ phiếu trong nước, ước tính khoảng 5-8 tỷ USD, lên cao. Cổ phiếu của Việt Nam là thành tố lớn nhất trong thị trường cận biên và nhiều năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đánh cược rằng việc thăng nâng hạng chỉ là vấn đề thời gian.
Theo bài viết, thị trường chứng khoán cũng là một trong những khía cạnh mà các nhà đầu tư cần lưu ý. Việt Nam ghi nhận mức lạm phát thấp hơn so với nhiều nền kinh tế phương Tây. Điều này cho phép ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất 4 lần trong năm 2023, khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với gửi tiền ở ngân hàng. Thị trường Việt Nam chưa bao giờ ngừng biến động.
Tác giả bài viết nhận định đối với các nhà đầu tư, bản chất bất ổn của thị trường chứng khoán trong nước có nghĩa là Việt Nam chưa phải là quốc gia quan trọng trong danh mục đầu tư, nhưng vẫn đáng để quan tâm. Trong trường hợp được nâng hạng, cổ phiếu của Việt Nam sẽ có lực đẩy mạnh. Ngay cả khi là thị trường cận biên, Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn.