Hạn chế sai phạm trong hoạt động thi hành án dân sự

Vừa qua, nhiều sai phạm trong công tác thi hành án dân sự (THADS) đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, nhiều cá nhân sai phạm đã bị xử lý.

 Thi hành án dân sự tại một cơ sở ở Hà Nội. (Ảnh: minh họa)
Thi hành án dân sự tại một cơ sở ở Hà Nội. (Ảnh: minh họa)

Việc hạn chế đến mức thấp nhất sai phạm trong hoạt động THADS là rất cần thiết để bảo đảm quyền lực tư pháp được thực thi, chính xác, công bằng, đúng pháp luật.

Tháng 6/2021, Cục THADS thành phố Hà Nội ban hành kết luận về việc kiểm tra toàn diện công tác THADS tại Chi cục THADS quận Bắc Từ Liêm, đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của nhiều lãnh đạo, cán bộ tại đơn vị này.

Quá trình kiểm tra đã phát hiện một số sai sót, vi phạm trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thi hành án như: Lãnh đạo Chi cục thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý, ban hành nhiều quyết định thi hành án không phù hợp về hình thức, nội dung, ra quyết định thi hành án không đúng biểu mẫu; nhiều hồ sơ phân loại không chính xác; ban hành một quyết định đình chỉ THADS không đúng quy định. Còn tại TP Hồ Chí Minh tháng 3/2021, Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh Vũ Quốc Doanh bị Bộ Tư pháp giáng chức xuống làm Phó Cục trưởng. Nguyên Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh Võ Minh Hòa cũng bị kỷ luật. Các cá nhân nêu trên được xác định có sai phạm trong quá trình điều hành, chỉ đạo hoạt động THADS tại TP Hồ Chí Minh.

THADS là hoạt động đưa các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật ra thi hành trên thực tế. Với vai trò quan trọng như vậy, hoạt động thi hành án sẽ tác động trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân.

Do vậy, công tác THADS phải bảo đảm chính xác, công bằng, đúng pháp luật. Theo số liệu về công tác THADS được công bố chính thức tại các báo cáo hằng năm của Chính phủ trước Quốc hội, kết quả thi hành án về việc và về tiền đạt được trong suốt nhiệm kỳ vừa qua năm sau luôn cao hơn năm trước. Đáng chú ý, năm 2019, thi hành xong gần 53 nghìn tỷ đồng (đạt 35,46%), năm 2020 thi hành xong gần 54 nghìn tỷ đồng (đạt 40,10%).

Qua các vụ việc sai phạm được các cơ quan kiểm sát, thanh tra xác định có thể thấy các vi phạm thường gặp là cơ quan THADS ra quyết định về thi hành án không đúng nội dung bản án, không đúng quyết định của tòa án và đơn yêu cầu thi hành án; sau khi ra quyết định về thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành, chấp hành viên được phân công đã không thông báo quyết định về thi hành án cho đương sự, không thông báo cho người được nhận tiền đến nhận tiền hoặc thông báo trễ hạn, không thực hiện đúng hình thức thông báo, không niêm yết các quyết định thi hành án tại trụ sở UBND cấp xã theo quy định.

Theo pháp luật hiện hành, người có hành vi vi phạm về THADS có thể bị xem xét xử lý hình sự về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo quy định tại Bộ luật Hình sự như: Tội ra quyết định trái pháp luật (Điều 371), Tội ép buộc người có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp làm trái pháp luật (Điều 372), Tội không thi hành án (Điều 379),...

Điều 21, Luật THADS năm 2018 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về những việc chấp hành viên không được làm gồm: Tư vấn cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc thi hành án trái pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc thi hành án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm thi hành án; sử dụng trái phép vật chứng, tiền, tài sản thi hành án; sách nhiễu, gây phiền hà cho cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thi hành án; cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật…

Điều 165 Luật này quy định: Thủ trưởng cơ quan THADS cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc ra quyết định về thi hành án trái pháp luật; chấp hành viên không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái pháp luật; vi phạm quy chế đạo đức của chấp hành viên thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Thanh Hồng và Hoàng Phan