Chiều 4/11, Ban Nội chính Trung ương và Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Các đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo); Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Ủy viên Ban Chỉ đạo, chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo; Trần Quốc Cường, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Hội nghị thống nhất đánh giá, qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có thêm nhiều thuận lợi để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Nổi bật là hai cơ quan đã tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách lớn về phòng, chống tham nhũng; phối hợp có hiệu quả trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan đối với các cấp ủy, tổ chức đảng; qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; kiến nghị thu hồi cho ngân sách Nhà nước nhiều tài sản, tiền, đất đai…
Tuy nhiên, việc phối hợp thực hiện Quy chế có mặt còn hạn chế; công tác phối hợp giữa Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy và Kiểm toán nhà nước khu vực có nơi còn thiếu chặt chẽ, nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên…
Trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tập trung tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chủ trương, chính sách lớn của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phối hợp chặt chẽ để kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tham mưu khắc phục. Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện chương trình công tác, kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là các cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề.
Đồng thời, tăng cường phối hợp trong tham mưu phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực thuộc 3 cấp độ (Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chỉ đạo, xử lý). Tích cực theo dõi, đôn đốc công tác giải quyết các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật do Kiểm toán Nhà nước chuyển sang cơ quan điều tra.
Tại hội nghị, các đại biểu có ý kiến làm rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, nhất là những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác phối hợp của từng cơ quan. Trên cơ sở đó, đại biểu góp ý, đề xuất những vấn đề cụ thể về tổ chức thực hiện công tác phối hợp giữa hai cơ quan nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đánh giá hai cơ quan thời gian qua đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế phối hợp, giúp nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng tạo chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng chí nhấn mạnh, Kiểm toán là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, có hiệu quả giữa nội chính, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử nói chung, giữa nội chính và kiểm toán nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Vì vậy, trong thời gian tới, hai cơ quan cần nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Tăng cường phối hợp trong phát hiện, kiến nghị khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”.
Hai bên tập trung phối hợp thực hiện có hiệu quả cơ chế chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của Thường trực Ban Chỉ đạo, đó là: Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thi hành án. Trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, nếu phát hiện vi phạm liên quan đến cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải báo cáo ngay cho Thường trực Ban Chỉ đạo và chuyển hồ sơ, tài liệu đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét xử lý theo quy định của Đảng…
Đồng chí yêu cầu, ngay sau hội nghị này, hai bên bổ sung, hoàn thiện Báo cáo sơ kết, đồng thời tham mưu xây dựng kế hoạch, nội dung công tác và phân công trách nhiệm cụ thể thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa hai cơ quan trong những năm tới nhằm đạt bước tiến mới, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” và lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” tặng các đồng chí đã có nhiều đóng góp xứng đáng.