Bản hòa ca từ vùng đất biển

Là địa phương có vị trí cửa ngõ hướng ra biển Đông, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ động khai thác các lợi thế địa kinh tế, vượt qua thách thức, khơi dậy khát vọng phát triển, từng bước viết lên bản hòa ca từ vùng đất biển anh hùng.
0:00 / 0:00
0:00
Đến với người dân bằng tư duy lắng nghe, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của huyện Xuyên Mộc đã góp phần tạo nên những đột phá kinh tế-xã hội của địa phương.
Đến với người dân bằng tư duy lắng nghe, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của huyện Xuyên Mộc đã góp phần tạo nên những đột phá kinh tế-xã hội của địa phương.

Bằng những chủ trương, chính sách có tầm nhìn chiến lược, qua nửa nhiệm kỳ, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, đồng thời nhận diện đầy đủ thách thức để tiếp tục các giải pháp trọng tâm, hoàn thành những mục tiêu còn dang dở, tiến gần tới đích đến - trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.

Khơi dậy tiềm năng

Với 7 đơn vị hành chính cấp huyện trên đất liền và một huyện đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có đa dạng hình thái địa lý như hải đảo, đồi núi bán trung du và đồng bằng ven biển. Xác định thế mạnh của từng địa bàn, khơi dậy tiềm năng, chọn trúng hướng đi, Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước tạo thế và lực từ 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh là công nghiệp, cảng biển và logistics, du lịch và đô thị, dịch vụ.

Thăm bãi biển Bông Trang, Công viên Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc, du khách hay người dân địa phương đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp hoang sơ của biển. Dải cát phẳng lỳ, hút tầm nhìn, không rác thải, nhờ có xe sàng lọc cát "cần mẫn" mỗi ngày.

Giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện nhà, Giám đốc Ban quản lý các khu du lịch (UBND huyện Xuyên Mộc) Lê Anh Văn chia sẻ, là người sinh ra và lớn lên tại địa phương, anh cảm nhận rõ sự thay đổi của quê mình. Khó ai ngờ, chỉ đôi ba năm trước, bãi biển này còn ngổn ngang ngư cụ, nhếch nhác lều bạt, quán hàng. Người miền biển nhưng không được tắm biển bởi chợ bán hải sản ken lẫn tàu thuyền đã tồn tại hàng chục năm. Cả bãi biển bốc mùi hôi tanh, rác thải theo sóng cuốn trôi lềnh phềnh trên mặt biển. Việc kinh doanh hải sản tự phát, thiếu sự quản lý dẫn đến tình trạng tùy tiện "chặt chém" khách hàng, xả rác bừa bãi. Và mọi chuyện đã khác từ khi chủ trương phát triển du lịch đi vào đời sống. UBND huyện Xuyên Mộc đề xuất và được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu công viên phục vụ cộng đồng. Chợ hải sản được quy hoạch, bố trí gọn đẹp, văn minh. Có sự cộng đồng trách nhiệm từ chính quyền đến hộ kinh doanh, với mục tiêu ích nước-lợi nhà, cùng với đường đi bộ Hồ Tràm, đã góp phần đưa Xuyên Mộc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.

Niềm vui của người dân nơi đây như chị Nguyễn Thị Sương, ở thôn Hồ Tràm, xã Phước Thuận chia sẻ, là cảnh quan sạch đẹp, việc buôn bán ổn định, du khách hài lòng, mang lại sinh kế lâu dài cho các hộ gia đình. Từ đó mỗi người đều thể hiện trách nhiệm đối với sự phát triển chung mà giữ gìn môi trường biển.

Theo Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc Lê Thị Trang Đài, chủ trương lấy người dân làm trung tâm trong chiến lược phát triển, song song với thu hút đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp, huyện đã quy hoạch, đầu tư 3 khu bãi tắm công cộng, phục vụ miễn phí mọi người dân, du khách. Đến với Xuyên Mộc, ai cũng được hưởng thụ nguồn lợi từ biển với giá cả từ cao cấp tới bình dân và chất lượng được bảo đảm.

Trong chiến lược phát triển, Xuyên Mộc cùng với thành phố Vũng Tàu, các huyện Long Điền, Đất Đỏ được xác định là vùng du lịch và đô thị biển. Tỉnh chủ trương tiếp tục thu hút đầu tư những dự án, tổ hợp du lịch quy mô lớn, các thương hiệu du lịch quốc tế cao cấp, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Trong đó, Xuyên Mộc đã trở thành một trong những trung tâm du lịch có sức hút với nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Tính đến tháng 8/2023, huyện có 48 dự án đầu tư về du lịch, trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế như Hồ Tràm, Hồ Cóc, suối khoáng nóng Bình Châu...

Du lịch phát triển đã thay đổi diện mạo vùng duyên hải từ đường lớn đến xóm thôn, từ công sở, trường học đến trung tâm văn hóa, khu vui chơi công cộng, thúc đẩy du lịch tăng trưởng, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nửa đầu nhiệm kỳ, tổng lượng khách đến huyện Xuyên Mộc đạt gần 3,8 triệu lượt, doanh thu ngành du lịch ước đạt gần 7.000 tỷ đồng.

Tạo động lực kết nối

Một trong những trụ cột kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu là phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng. Để tạo động lực, tỉnh tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, hình thành hệ sinh thái logistics để phát triển cảng Cái Mép-Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển, có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới; trong đó có các dự án Đường 991B, cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Long Sơn-Cái Mép, Phước Hòa-Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải…

Con đường dài khoảng 25 km từ thành phố Vũng Tàu tới thành phố Bà Rịa, với dấu ấn cây cầu Cỏ May thiết kế cánh hải âu tung bay, được coi là một trong những con đường đẹp nhất Việt Nam. Ven đường, hai hàng cây tỏa bóng, trên dải phân cách, hoa nở rực rỡ bốn mùa. Cách Thành phố Hồ Chí Minh 90 km về hướng đông-bắc, thành phố Bà Rịa là đầu mối giao thông đường bộ quan trọng, liên kết hệ thống đô thị hành lang Quốc lộ 51 của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là giao điểm của 3 tuyến quốc lộ quan trọng: 51, 56 và 55, kết nối vùng trung du Đông Nam Bộ.

Nơi đây là địa điểm tọa lạc Trung tâm hành chính-chính trị tỉnh, tập trung các cơ quan đầu não của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bởi thế, thành phố Bà Rịa được xác định có vai trò hạt nhân, kết nối về không gian kinh tế giữa các trung tâm công nghiệp của tỉnh và của tỉnh với các vùng lân cận.

Mục tiêu xây dựng hạ tầng hiện đại, tạo động lực kết nối, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương cũng như toàn vùng, đặt ra cho cấp ủy, chính quyền thành phố Bà Rịa những nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trọng điểm luôn là nhiệm vụ cần nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Giai đoạn 5 năm 2021-2025, thành phố phải triển khai lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 75 dự án, diện tích 159 ha, liên quan 4.167 trường hợp giải tỏa và số tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 3.140 tỷ đồng. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã thực hiện bồi thường cho 41 dự án, đạt 54,7% kế hoạch.

Bảo đảm sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hai ban chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng được thành lập, đều do Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban, một để chỉ đạo chung tất cả các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; một để phục vụ riêng dự án cao tốc trọng điểm quốc gia và của tỉnh.

Không khí lao động những ngày áp Tết Giáp Thìn 2024 trên công trường thi công Dự án trọng điểm quốc gia đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1) vẫn khẩn trương cho kịp tiến độ, với tinh thần làm việc xuyên Tết. Tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 54 km, có 19,5 km qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đoạn qua thành phố Bà Rịa là gần 4 km, có diện tích thu hồi 23 ha, thuộc 2 xã Tân Hưng và Hòa Long.

Khẳng định không để xảy ra điểm nóng nào trong quá trình triển khai phục vụ dự án, Bí thư Thành ủy Bà Rịa Trần Văn Tuấn cho rằng, điểm căn cốt là phải khơi thông nhận thức, làm sao để nhân dân nắm rõ thông tin về dự án, những tác động đối với cuộc sống và sự phát triển kinh tế-xã hội, từ đó định rõ quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người. Bài học kinh nghiệm vẫn là minh bạch, công khai thông tin, thẳng thắn đối thoại, không né tránh trong giải quyết kịp thời những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh. Quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, UBND thành phố đã phối hợp chủ đầu tư, các ban, ngành thành phố, UBND 2 xã tổ chức họp dân, công khai thông báo thu hồi đất thuộc dự án và phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong số hộ có đất thu hồi có 50 đảng viên, 35 cán bộ công chức và 37 đoàn viên, hội viên, xác định trách nhiệm nêu gương đi đầu, làm trước.

Thành công trong công tác giải phóng mặt bằng của thành phố Bà Rịa cũng như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia được Trung ương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao.

Đổi mới, cập nhật tư duy lãnh đạo

Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bổ sung 4 bài học kinh nghiệm, như: không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; luôn đổi mới và cập nhật tư duy lãnh đạo, tư duy phát triển; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng, phù hợp thực tiễn, khả thi, có tính đột phá, chiến lược, lâu dài... Thực tế cho thấy, khi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phẩm chất, năng lực, uy tín, dám tạo đột phá, dám chịu trách nhiệm sẽ tạo chuyển động trong cả hệ thống chính trị, thúc đẩy hiện thực hóa các chủ trương của cấp ủy.

Xóa bỏ định kiến về một huyện nghèo, Xuyên Mộc đang trên đà cất cánh cũng được cho là có động lực "đòn bẩy" từ đội ngũ cán bộ từ huyện tới cơ sở. Là địa bàn giàu tiềm năng nhưng phát triển chưa tương xứng, để khơi thông nguồn lực, chất lượng đội ngũ được cho là nhân tố quyết định. Từ đánh giá nhiều chiều, Tỉnh ủy đã quyết định tăng cường 2 cán bộ cấp tỉnh về đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của huyện. Chỉ sau thời gian ngắn, nhiều khó khăn, điểm nghẽn tồn tại nhiều năm trên địa bàn huyện đã được tháo gỡ, giải quyết từ tư duy sáng tạo, dám đổi mới vì việc chung của người đứng đầu.

Với kinh nghiệm thực tiễn được tích lũy, ngay khi nhận nhiệm vụ mới, Bí thư Huyện ủy Phạm Thành Chung và Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Trang Đài cùng Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Xuyên Mộc nhanh chóng xác định yêu cầu căn bản, đầu tiên là xốc lại đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở.

Bí thư Huyện ủy Phạm Thành Chung cho biết, tại thời điểm trước năm 2021, huyện Xuyên Mộc còn thiếu 213 cán bộ, công chức, viên chức so với biên chế được giao. Tình trạng hụt hẫng cán bộ lãnh đạo, quản lý, thiếu đội ngũ kế cận diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị và kéo dài nhiều năm. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 vẫn còn 5 chức danh chưa được kiện toàn. Đề án Tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được ban hành, với mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể đối với từng khối cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị. Sau hơn 2 năm đi vào cuộc sống, sản phẩm thực tế của đề án là đã xây dựng và củng cố đội ngũ cán bộ cơ bản bảo đảm về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp định hướng phát triển huyện Xuyên Mộc. Nhiều cán bộ đủ năng lực chuyên môn được hỗ trợ cho các phòng, ban cấp huyện và cấp xã, thị trấn; ưu tiên một số địa bàn trọng điểm hoặc khó khăn. Song song các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ chuyên môn, đến nay Xuyên Mộc đã có thể tự tin vào chất lượng đội ngũ, để khởi tạo những thắng lợi trong hiện thực hóa các chủ trương phát triển.

Tại Thành ủy Bà Rịa, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, có tâm huyết, có khả năng hành động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới được xác định là một trong 3 đột phá chiến lược. Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng đề án về phát triển, nâng cao chất lượng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; tiếp tục các giải pháp hiệu quả thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2030.

Theo Bí thư Thành ủy Trần Văn Tuấn, chất lượng đội ngũ chính là nội lực để cả hệ thống đồng lòng vượt qua khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ, thành phố Bà Rịa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Có 46/98 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu nghị quyết; 50/98 chỉ tiêu thực hiện theo lộ trình hằng năm và 3 khâu đột phá bảo đảm đến năm 2025 hoàn thành.

Với nỗ lực đồng bộ thay đổi tác phong, tư duy lãnh đạo, hướng về người dân, thông qua những mô hình "Ngày thứ năm không chờ", "Ngày thứ bảy lắng nghe dân nói", "Ký số bản đồ khổ lớn"…, Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang được các doanh nghiệp đánh giá rất cao về cải cách hành chính. Năm 2023, lần đầu tiên, Bà Rịa-Vũng Tàu xếp hạng 4, góp mặt trong Tốp 5 tỉnh, thành phố có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cao nhất cả nước. Đây là mức cao nhất Bà Rịa-Vũng Tàu đạt được trong nhiều năm qua. Và ngay tháng đầu tiên của năm 2024, Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hút được hơn 280 triệu USD, chỉ đứng sau thành phố Hà Nội về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm gần 12% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước. Đây là kết quả tiếp nối thành công của địa phương trong năm ngoái với 1,4 tỷ USD.

Một năm mới với khởi động thành công để Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục bứt phá, vượt qua khó khăn và hoàn thành những chỉ tiêu còn chưa đạt trong năm 2023, hướng tới những tầm cao mới, xây dựng địa phương trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.