Theo đó, bàn giao 669 trường hợp mẫu hài cốt có dữ liệu ADN chất lượng tốt để lưu trữ trữ tại ngân hàng ADN của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội nhằm phục vụ công tác so sánh, đối khớp với thân nhân liệt sĩ trong thời gian tới.
Đây là nỗ lực của các cán bộ Trung tâm giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học) trong việc phối hợp Cục Người có công lấy mẫu giám định hài cốt liệt sĩ tại một số Nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước sau một năm đi vào hoạt động (tháng 7-2019). Để có được kết quả nêu trên, Trung tâm đã tiến hành 2.870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân liệt sĩ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đánh giá cao nỗ lực của các cán bộ Trung tâm giám định ADN trong việc giám định chính xác các mẫu hài cốt liệt sỹ do Cục và thân nhân liệt sĩ gửi đến. Các kết quả được trả nhanh, đáp ứng mong mỏi của thân nhân liệt sĩ.
Năm 2019, Trung tâm Giám định ADN là đơn vị đầu tiên trong ba đơn vị chủ chốt hoàn thành dự án nâng cấp cơ sở vật chất để nâng công suất giám định. Hiện, công suất giám định đã tăng năm lần so với năm 2019, ghi nhận đạt 69 mẫu mỗi tuần.
Ông Đào Ngọc Lợi cho biết, hiện tại có khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam, Lào và Campuchia vẫn chưa được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Trên 200.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc trả lại tên cho các liệt sĩ chưa được định danh là công việc được toàn xã hội đặc biệt quan tâm sĩ. Mong rằng, Viện Công nghệ sinh học, Trung tâm Giám định ADN đẩy nhanh tiến độ giám định hài cốt liệt sĩ và phân tích mẫu thân nhân trong thời gian tới.
Tại buổi lễ, PGS, TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học cho biết, là đơn vị nghiên cứu chuyên ngành, Viện Công nghệ sinh học luôn sáng tạo, để nâng cao chất lượng, tăng số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ được giám định. Ngoài quy trình thường quy, đơn vị đã áp dụng công nghệ mới.
Bước đầu, đơn vị đã thành công trong việc sử dụng hệ thống giải trình tự gen thế hệ mới trong công tác giám định ADN. Nếu việc này triển khai thành công và có mẫu đạt yêu cầu, kết quả sẽ đạt 62 mẫu trong một lần giám định, tin rằng hoạt động giám định ADN thời gian tới tiếp tục được nâng cao năng suất.
Tuy nhiên, hoạt động giám định ADN hài cốt liệt sĩ rất khó khăn do chất lượng mẫu ngày càng xuống thấp và đòi hỏi gắt gao về thời gian và chất lượng giám định, vì vậy, lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học cần sự quyết tâm, đồng hành của các nhà khoa học, các cán bộ Trung tâm Giám định ADN, sự ủng hộ của Cục Người có công và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi về nhân lực, hỗ trợ về kinh phí để hoàn thiện công tác nghiên cứu và cử cán bộ ra nước ngoài đào tạo nâng cao năng lực giám định; đồng thời cần có cơ chế khuyến khích cán bộ có trình độ cao, bố trí kinh phí cho việc làm chủ công nghệ mới.