Tránh lạm dụng bia rượu đầu năm

Đầu năm mới, việc lạm dụng rượu, bia đã và đang gây ra những tác hại trước mắt và lâu dài cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh PHƯỚC AN)
Kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh PHƯỚC AN)

Những án mạng thương tâm mà nguyên nhân xuất phát từ việc “quá chén” từng xảy ra ở nhiều địa phương, nhất là trong các dịp hội hè, đầu năm mới. Đối tượng lúc gây án thường không kiểm soát được hành vi, không ý thức được hậu quả việc mình làm, đến khi tỉnh rượu, hối hận thì đã muộn.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chỉ trong sáu ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần (từ 29 tháng Chạp đến mồng 5 tháng Giêng), cả nước có hơn 2.800 ca cấp cứu do đánh nhau, trong đó 195 trường hợp tử vong.

Nhiều thanh thiếu niên ăn nhậu, rượu vào lời ra, rồi gây gổ, giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Không ít vụ gây án mạng ngay tại bàn nhậu. Đơn cử, cuối tháng 1/2022, Tòa án nhân dân TP Cần Thơ xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Lê Chí Phong, 24 tuổi, 16 năm tù về tội giết người. Trước đó, Phong cùng anh T và hai người khác tổ chức uống rượu tại nhà anh T. Sau khi quá chén, hai người xảy ra cãi vã, Phong đã dùng dao đâm anh T tử vong. Theo kết luận của cơ quan chức năng, Phong bị rối loạn hành vi do sử dụng chất kích thích; hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.

Việt Nam hiện là một trong những nước tiêu thụ nhiều rượu, bia nhất châu Á và nằm trong tốp 25 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới trong những năm qua.

Rượu, bia cũng chính là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã khảo sát 18 nghìn nạn nhân tai nạn giao thông trong bệnh viện các tỉnh phía bắc. Kết quả cho thấy nạn nhân liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9%. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm khoảng 1% GDP.

Rượu, bia còn gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Các chuyên gia y tế đã xác định rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính của sáu bệnh ung thư, đó là: ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung. 

Theo bác sĩ Đào Trung Tuyến, rượu, bia là chất kích thích có tác động mạnh đến hệ thần kinh trung ương và nếu lạm dụng sẽ làm cho người sử dụng không làm chủ được lời nói, hành vi, có thể gây những hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Tuyến cũng cho biết, nếu lượng uống rượu, bia nhiều trong một thời gian dài, tế bào gan sẽ phải hoạt động liên tục để chuyển hóa, đào thải, dẫn đến quá tải, gây tổn thương gan, xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê tại Việt Nam, hơn 90% nam giới trưởng thành có tiếp xúc hay uống rượu, bia, trong đó từ 10% đến 15% có tình trạng xơ gan, từ 5% đến 7% có thể dẫn tới ung thư gan. Việt Nam cũng là nước đứng thứ ba thế giới về tỷ lệ số người bị ung thư gan, cứ 100 nghìn nam giới thì có 39 người mắc.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng khuyến cáo năm giải pháp để giảm tiêu thụ rượu, bia gồm: quản lý cấp giấy phép bán lẻ; quy định mật độ cửa hàng; hạn chế ngày bán, giờ bán; quy định tuổi tối thiểu được phép mua rượu, bia; chính sách kiểm soát việc bán/sử dụng rượu, bia ở những nơi công cộng. Rượu, bia cũng là loại hàng hóa được hầu hết các quốc gia đưa vào kiểm soát chặt chẽ và không khuyến khích tiêu dùng.

Sau hai năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ, ý thức của người dân trong sử dụng rượu, bia đã được nâng lên. Thói quen uống rượu, bia hay ép người khác uống rượu, bia đã giảm dần. Vì thế, các vụ tai nạn mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia cũng giảm mạnh. 

Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn trái phép vẫn còn tiếp diễn, nhất là dịp cuối năm. Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa được thường xuyên ■