Vui Trung thu truyền thống tại Hà Nội
Như mọi năm, mỗi cuối tuần trước ngày rằm tháng 8, Hà Nội lại nhộn nhịp các hoạt động vui Tết Trung thu cho các em nhỏ và gia đình ở thu đô và các tỉnh, thành phố lân cận.
* Không gian Trung thu Phố cổ Hà Nội
Đến hẹn lại lên, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui Tết Trung thu tại những địa chỉ văn hóa trong khu phố cổ (quận Hoàn Kiếm). Tâm điểm của các hoạt động diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ).
Đến đây, người lớn và các em nhỏ sẽ được xem các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu cách làm đồ chơi truyền thống như Đèn ông sao, ông Tiến sĩ, ông đánh gậy, mặt nạ giấy bồi; con phỗng đất, con giống bột, diều giấy…và nghe các nghệ nhân thuyết trình về ý nghĩa các đồ chơi, trò chơi, trong quá trình sáng tạo.
Ngoài ra, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu tại Ngôi nhà Di sản (số 87 phố Mã Mây); trang trí, sắp đặt không gian giới thiệu về Tết Trung thu truyền thống tại đình Kim Ngân (số 42, 44 phố Hàng Bạc) và tại Trung tâm Thông tin Di sản (số 28 phố Hàng Buồm).
Do vẫn còn e ngại vì dịch Covid-19, năm nay, nhiều hoạt động trải nghiệm tương tác trong chương trình Trung thu Phố cổ Hà Nội sẽ được thực hiện theo hình thức trực tuyến (livestream), sử dụng các công nghệ hỗ trợ để nghệ nhân, thợ thủ công giao lưu, hướng dẫn các gia đình và các bé làm đồ chơi truyền thống.
Bạn có thể theo dõi các hoạt động livestream trên trang fanpage facebook “Phố cổ Hà Nội” vào các ngày: 25-9 (từ 11 giờ đến 12 giờ), 27-9 (từ 10 giờ đến 11 giờ), 30-9 (từ 9 giờ 30 phút đến 10 giờ 15 phút).
Nhưng ngay từ đầu tuần này, bất kỳ ai muốn được sống trong ký ức tuổi thơ về một Trung thu rực rỡ sắc màu cũng có thể tới con phố Hàng Mã để ngắm nhìn và sắm những món đồ chơi Trung thu từ truyền thống tới hiện đại lung linh, đầy màu sắc.
* “Người giữ lửa Trung thu” ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
Một địa điểm vui Trung thu không thể bỏ qua ở Hà Nội là Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Năm nay, chương trình Trung thu có chủ đề “Trung thu 2020: Người giữ lửa Trung thu” sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9-2020 (tức ngày 10, 11-8 âm lịch).
Đến với chương trình, các em nhỏ và gia đình sẽ được khám phá Tết Trung thu và văn hóa Việt Nam thông qua các hoạt động như: trải nghiệm múa lân sư, giã cốm, làm bánh dẻo, nghe kể chuyện tranh về Tết Trung Thu.
Đặc biệt, các bạn nhỏ được nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm lâu năm hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, ông sư, đèn kéo quân, ông tiến sĩ giấy, mặt nạ giấy bồi...Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ trân quý và giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền.
* “Lung linh trăng rằm” ở Hoàng thành Thăng Long
Nằm ngay trung tâm TP Hà Nội, đến với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, các em nhỏ và gia đình sẽ được sống trong không gian Trung thu ý nghĩa và lý thú với chủ đề “Lung linh trăng rằm”.
Những trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới đây là không gian trưng bày với chủ đề “Lung linh trăng rằm”: giới thiệu không gian tết Trung thu nhiều sắc màu với các loại đèn Trung thu truyền thống (với sự tham gia tư vấn của nhà nghiên cứu Trịnh Bách; Nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh người gìn giữ nghệ thuật làm hoa quả bằng bột và con giống Đồng Xuân; Nghệ nhân Đặng Văn Hậu phục hồi các con con giống Phố Khách, Phú Xuyên…).
Các em nhỏ sẽ được xem biểu diễn múa sư tử; Trải nghiệm làm bánh Trung thu, làm một số đồ chơi truyền thống như: Làm đèn lồng giấy, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn con thỏ; Tô vẽ mặt nạ giấy bồi; Tham gia các trò chơi như: Bộ quái thú siêu to siêu đáng yêu, xích đu, cầu trượt…; Tham quan gian hàng tết Trung thu: Đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, mặt nạ giấy bồi, tàu thủy sắt tây, tò he…
Cũng như chương trình Trung thu ở Phố cổ Hà Nội, bạn cũng có thể trải nghiệm trưng bày “Lung linh trăng rằm” theo hình thức trực tuyến tại địa chỉ truy cập: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
* Triển lãm ảnh du lịch Việt Nam
Cách Khu di sản Hoàng thành Thăng Long không xa là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Cuối tuần này, tại bảo tàng có triển lãm trưng bày Ảnh nghệ thuật du lịch toàn quốc với chủ đề “Explore Vietnam - Khám phá Việt Nam”.
Ngắm các bức ảnh ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong quá trình trải nghiệm du lịch của các tác giả cũng là cách trải nghiệm vẻ đẹp của những vùng đất trên dải đất hình chữ S thân thương mà bạn chưa có cơ hội đặt chân đến.
* Trải nghiệm Trung thu vùng cao
Nếu muốn trải nghiệm một không gian Trung thu thơ ấu trông trăng và phá cỗ trong ánh nến lung linh, hòa cùng thiên nhiên tinh khôi, bạn có thể Phá cỗ Trung Thu với các bạn nhỏ vùng cao ở homestay Pù Bin, Mai Châu, Hòa Bình vào tối 26-9.
Trung thu vui tươi ở TP Hồ Chí Minh
* Trung thu ở công viên Thỏ Trắng
Đến hẹn lại lên, công viên Thỏ Trắng, Lê Thị Riêng, chào đón bạn đến với Lễ hội Trung thu với chương trình biểu diễn lân sư rồng rướt đèn Trung Thu diễn ra vào ngày 01-10 tức ngày rằm tháng 8.
Đến đây, các bạn nhỏ sẽ được nhận kẹo và chụp hình với “chú Cuội” và “chị Hằng”.
* Rực rỡ sắc màu Phố lồng đèn
Nếu Hà Nội có phố Hàng Mã là địa điểm hút mọi lứa tuổi tới mua sắm và chụp hình check-in thì TP Hồ Chí Minh có Phố lồng đèn Quận 5- Lương Như Học. Khu phố lồng đèn quận 5 đã là một điểm đến quen thuộc với dân TP Hồ Chí Minh vào mỗi dịp Tết Trung thu.
* Ngắm trăng trên cầu đi bộ Ánh Sao
Nếu muốn đón Trung thu ở một không gian ngoài trời lung linh sắc màu, thì cầu Ánh Sao ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 là một điểm đến lý tưởng. Không gian thoáng đãng của cầu Ánh Sao với vô vàn đèn màu ánh lên lòng hồ Bán Nguyệt tạo nên khung cảnh lãng mạn, ấn tượng. Kể từ khi hoạt động vào năm 2010, cây cầu chỉ dành cho người đi bộ này luôn là điểm “check-in” không thể bỏ qua trong các dịp lễ hay cuối tuần.