Bản chất khủng bố của Ksor Kơk và tổ chức Fulro ở Tây Nguyên bị phơi bày


Ngày 21-5 vừa qua, Ủy ban các tổ chức phi chính phủ (NGO) thuộc Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của Việt Nam về tước bỏ quy chế tư vấn ECOSOC của Ðảng cấp tiến xuyên quốc gia (TRP) trong thời gian ba năm, với lý do TRP lạm dụng quy chế này cho phép Ksor Kơk - một phần tử phản động, Chủ tịch cái gọi là "Quỹ người Thượng", sử dụng diễn đàn LHQ để kích động chống phá cuộc sống hòa bình ở Việt Nam. Mặc dù đề nghị này còn phải được ECOSOC thông qua tại phiên họp thường niên vào tháng 7 tới, nhưng với quyết định nói trên của NGO, đã phần nào cho thấy các tổ chức quốc tế đã nhận ra chân tướng của tên phản động lưu vong Ksor Kơk và mưu đồ chống nhân dân Việt Nam của y.

Với bản chất là một tên phản động, dưới chiêu bài của cái gọi là thành lập "Nhà nước Ðề ga độc lập", Ksor Kơk đã dùng nhiều hình thức móc nối, câu kết với bọn tàn quân của tổ chức phản động Fulro cũ trong nước, kích động, lôi kéo và đã tổ chức nhiều hoạt động khủng bố, đòi ly khai nhằm chống phá chính quyền cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên. Từ năm 2000 cho đến tháng 2-2001, bằng thủ đoạn chuyển tiền về nước, Ksor Kơk đã nuôi dưỡng một số phần tử Fulro cũ, từng được Nhà nước ta cho hưởng chính sách khoan hồng, tái hòa nhập cộng đồng, nhưng vẫn không chịu cải tạo sửa chữa lỗi lầm, có những tên có tiền án, tiền sự vi phạm pháp luật bị truy nã..., trang bị cho chúng nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như điện thoại di động, máy fax, đồng thời chỉ đạo cho số phần tử này tổ chức  các  hoạt  động  chống phá chính quyền cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên. Có chứng  kiến vụ việc xảy ra vào ngày 2 và 3-2-2001 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, mới thấy hết những hành động mang tính khủng bố của tay chân Ksor Kơk.

Ở Ðác Lắc, nhiều tên cầm đầu kéo vào đập phá các cơ quan Nhà nước tại TP Buôn Mê Thuột, chặn giữ và đập phá nhiều xe và cướp tài sản của hành khách đang lưu thông trên các trục quốc lộ. Ở Gia Lai, tại trụ sở làm việc của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, nhiều tên dùng đá, gậy gộc, dao rựa đập phá và tiến công làm bị thương và chết nhiều đồng chí cảnh sát bảo vệ. Nghiêm trọng hơn, chúng còn bắt giữ, đánh đập gây thương tích nhiều cán bộ khi tiếp cận để tuyên truyền giải thích, trong đó chúng bắt giữ và đánh đập dã man đồng chí Y Brơm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin, đập phá nhiều phương tiện, nhà cửa, kể cả xe cứu thương đến làm nhiệm vụ cấp cứu.

Sau những gì do bọn tay chân của Ksor Kơk gây ra năm 2001, chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể ở Tây Nguyên đã dành rất nhiều công sức để lo ổn định tình hình, ổn định sản xuất và đời sống cho nhân dân. Trong khi đó, bọn phản động Fulro dưới sự giật dây từ bên ngoài, vẫn chuẩn bị các hoạt động phá hoại.

Vào các ngày 10 và 11-4-2004, một lần nữa Ksor Kơk và tay chân của y được sự tiếp tay của các phần tử phản động nước ngoài, tiếp tục gây thêm những tội ác mới đối với đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, với mức độ nghiêm trọng hơn. Chúng không ngần ngại giương các biểu ngữ sặc mùi ly khai, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, như "Ðộc lập cho Nhà nước Ðề ga", "Ðuổi người Kinh ra khỏi Tây Nguyên"... Một số tên cầm đầu, được nuôi dưỡng bằng cái gọi là "Quỹ người Thượng", đã dùng gạch đá, gậy gộc có đóng đinh, dao rựa, ná cao-su... tiến công lực lượng bảo vệ người Kinh, đập phá các công sở, trường học... Ở trụ sở xã KDang, Gla, Ia Dưk (huyện Ðác Ðoa, Gia Lai) chúng đập phá trụ sở xã, xé cờ Tổ quốc, đánh trọng thương đồng chí Y Miết, Phó Chủ tịch UBND huyện, đuổi đánh cán bộ và  chiếm  trụ sở. Ở xã BNgoong, Ia Tiêm, Ia Phong... (Chư Sê, Gia Lai); AMa Rơ (Ia Pa) thị trấn Phú Thiện (Ayun Pa)... chúng không chỉ đập phá trụ sở, còn điên cuồng phá nhiều xe chữa cháy, xe cứu thương; bắt giữ và đánh trọng thương nhiều cán bộ, công nhân thuộc đội bảo vệ các nông trường cao-su...

Nghiêm trọng và tàn ác hơn, những kẻ cầm đầu đã không những kích động, lôi kéo, mua chuộc những người nhẹ dạ cả tin tham gia gây rối, mà còn đe dọa tính mạng của người dân nếu như không nghe lời chúng. Ở Ðác Lắc, bọn chúng đã buộc các gia đình có xe công nông (loại xe chuyên dùng để chở cà-phê) dùng xe chở chúng đến các trung tâm xã, huyện, thành phố. Ở Gia Lai, nhiều người dân đã phải bỏ cả ruộng vườn, nhà cửa, gia súc để đi theo chúng vì "Nhà nào không đi (gây rối) thì đốt cả nhà, làng nào không đi thì đốt cả làng".

Không dừng lại ở đó, thâm độc hơn, Ksor Kơk còn chỉ đạo tay chân của mình kích động dụ dỗ, lôi kéo người dân vượt biên trái phép sang Campuchia bằng luận điệu: "Sẽ có người của LHQ đón sang Mỹ; sẽ có cuộc sống tự do, sung sướng hơn". Với chiêu thức này, từ năm 2001 đến nay, đã có những người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên bỏ bê sản xuất, nhà cửa để vượt biên trái phép, gây nên tình hình phức tạp ở biên giới. Nhiều người trong số họ, do nhẹ dạ cả tin đã bị lừa phỉnh. KPă Lă ở làng Ang, xã Ia Tiêm (Chư Sê) kể: "Mình được thằng Rơ Mah Nin và Rơ Mah Sinh (ở Ðức Cơ) bảo đi làm thuê cho nó, nhưng đến nơi chẳng thấy làm gì, nó bảo mình đi vào rừng sang Campuchia, mình không đi, nó đòi giết. Cùng đi có 16 người nữa. Ngày 10-5-2004, khi đến núi Krủ thì mình dừng lại". Thật ra, cũng có một số ít người được chúng đưa sang Mỹ, nhằm phục vụ âm mưu thâm độc lôi kéo, tập hợp những kẻ làm tay sai cho nước ngoài chống phá Việt Nam. Ksor Kơk cho tay chân của y đến hỏi địa chỉ người thân của họ, sau đó lâu lâu từ Mỹ gửi một ít tiền về để mua chuộc, kích động, lôi kéo nhiều người khác vượt biên trái phép. Tuy nhiên, thực tế thì cuộc sống của số người được qua Mỹ cũng chẳng "tốt đẹp, tươi sáng" gì, cũng bị Ksor Kơk lừa như chính người thân của họ ở quê nhà. Năm 2002, có lần Ksor Kơk đã bị chính những người này đuổi đánh, đập phá và đốt xe ô-tô giữa ban ngày, ngay nơi Ksor Kơk đang sống trên đất Mỹ.

Sau các vụ gây rối mang tính khủng bố nhằm thực hiện âm mưu đòi ly khai, chia rẽ đoàn kết dân tộc ở Tây Nguyên do Ksor Kơk và những kẻ trong cái gọi là "Quỹ người Thượng" cầm đầu gây ra tháng 4 vừa qua, một số đoàn khách quốc tế từ hai viên chức chính trị của Ðại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP Hồ Chí Minh, đến các vị đại diện Tòa thánh Vatican và đại diện các tổ chức LHQ, đã đến Tây Nguyên. Tuy với nhiều mục đích khác nhau, nhưng với những gì được tận mắt thấy, tai nghe, được công khai gặp gỡ trao đổi ý kiến với nhiều đối tượng, với nhiều chức sắc tôn giáo, họ đều thừa nhận không có cái gọi là "đàn áp người dân tộc thiểu số, đàn áp tôn giáo" như luận điệu xuyên tạc của Ksor Kơk lợi dụng báo chí nước ngoài để rêu rao. Qua các bằng chứng không thể chối cãi, nhất là được xem băng ghi hình, tận mắt thấy các loại vũ khí mà tay chân Ksor Kơk dùng để tiến công lực lượng bảo vệ, đập phá các công sở, cơ quan Nhà nước, đã chứng minh hành vi vi phạm pháp luật mang tính khủng bố chống lại Nhà nước và nhân dân Việt Nam của tên phản động lưu vong Ksor Kơk và tổ chức phản động Fulro của y.

* "Xin hãy tha thứ cho tôi"