Bán can thiệp ngoại tệ để “hạ nhiệt” tỷ giá

Từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0. Đây là biện pháp rất mạnh mẽ để giải tỏa tâm lý thị trường cũng như để “hạ nhiệt” tỷ giá vốn được cho là rất “nóng” hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Hiện lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng.
Hiện lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0 từ ngày 19/4, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng/USD.

Tỷ giá USD tăng 4,9%

Thông tin tại họp báo về kết quả kinh doanh quý I/2024 ngày 19/4, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng can thiệp nếu tỷ giá diễn biến bất lợi. Theo đó, tỷ giá tăng 4,9% so với đầu năm là mức tăng đáng quan tâm.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn theo sát và sử dụng các công cụ, biện pháp, trong đó có việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, góp phần giảm tác động các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.

Về cơ bản đến nay, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.

“Trong ba tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã theo sát diễn biến, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, tình hình kinh tế-chính trị trên thế giới có nhiều biến động, khiến đồng nội tệ của nhiều quốc gia mất giá khá cao, kể cả các nước có nền kinh tế mạnh, dao động từ hơn 3% đến gần 9%. Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, bị mất giá 4,9% so với đầu năm”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.

Lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng, ông Đào Minh Tú cho hay, năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất trong bối cảnh thế giới tăng lãi suất. Hiện lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu để bảo đảm sản xuất cũng là yếu tố khiến tỷ giá tăng thời gian qua. Ngoài ra, còn phải kể đến yếu tố tâm lý muốn găm giữ USD của người dân.

Mặt khác, tỷ giá còn tăng do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm hạ lãi suất trong năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Thậm chí, lạm phát của Mỹ vẫn duy trì cao, số liệu việc làm tích cực, thị trường liên tục điều chỉnh. “Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt.

Mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn điều chỉnh lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi, kể cả là can thiệp ngay từ hôm nay (19/4)”, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Công khai bán ngoại tệ

Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Chí Quang cho biết: Việc công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm là biện pháp rất mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm giải tỏa tâm lý thị trường, bảo đảm nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, bảo đảm đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế”.

Ngay khi Ngân hàng Nhà nước công bố về việc bán ngoại tệ, thị trường đã có phản ứng tích cực, giao dịch ngoại tệ đã xuống dưới mức bán ra của Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, triển khai các biện pháp ổn định thị trường nhằm bảo đảm nhu cầu của nền kinh tế, quản lý tốt lạm phát.

Sáng 19/4, tỷ giá trung tâm giữa đồng USD/VND được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.260 đồng, tăng 29 đồng so với phiên trước. Trước đó, giá USD liên tục tăng cao trong những ngày qua đã gây áp lực đến tỷ giá USD/VND. Riêng ngày 17/4, tỷ giá trung tâm tăng 90 đồng, tương ứng với mức tăng 0,37% so với ngày trước đó. Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại liên tiếp tăng kịch trần, giá USD trên thị trường tự do tiến sát mốc 26.000 VND/USD. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,21%, đạt mốc 106,16.

Đối với thị trường vàng, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Đào Xuân Tuấn cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ thông báo chủ trương đấu thầu vàng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia. Việc đấu thầu sẽ được tiến hành vào ngày 22/4 tới, góp phần cung ứng thêm lượng vàng ra thị trường nhằm bảo đảm cung-cầu, qua đó giúp xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá thế giới.

Cũng tại cuộc họp báo, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các ngân hàng thương mại giảm so cuối năm 2023. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so cuối năm 2023.