Bàn cách đối phó với “già hoá dân số”

NDO -

NDĐT- Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 10% dân số. Trên thực tế, hiện nay người cao tuổi đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nếu không có chính sách phù hợp nền kinh tế của chúng ta sẽ không đủ sức đối phó với già hoá dân số.

Lắng nghe người cao tuổi là một cách đối phó với già hoá dân số. (ảnh: Internet)
Lắng nghe người cao tuổi là một cách đối phó với già hoá dân số. (ảnh: Internet)

Hội thảo “Người cao tuổi ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và định hướng chính sách”, được tổ chức sáng nay (28-9) tại Hà Nội thảo luận về các giải pháp đối phó với “già hoá dân số”.

Người cao tuổi đang gặp nhiều khó khăn

Ông Phạm Năng An - Vụ phó Vụ Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, chỉ số già hóa của nước ta liên tục tăng do tuổi thọ tăng lên trong khi mức sinh và mức chết giảm. Thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ giai đoạn già hóa sang cơ cấu dân số già sẽ ngắn hơn nhiều (17-20 năm) so với các quốc gia có trình độ cao hơn.

Đời sống vật chất của người cao tuổi (NCT) Việt Nam còn nhiều khó khăn. 18% sống trong hộ nghèo. Trên 70% NCT ở nông thôn và làm nông nghiệp, phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, thu nhập thấp và không ổn định.

Theo điều tra quốc gia về NCT Việt Nam năm 2011, sức khỏe của NCT Việt Nam còn nhiều hạn chế. Gánh nặng bệnh tật kép, hầu hết NCT đều có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền.

Hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của NCT. 30% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào. Trong số những người điều trị, có đến 70% người cao tuổi phải trả tiền cho các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thuốc men. 50% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Báo cáo của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho thấy, các chính sách và hỗ trợ hiện nay vẫn chưa giải quyết được các vấn đề của NCT. Tiền trợ cấp xã hội và các ưu tiên hỗ trợ khác không đủ để giúp NCT cải thiện chất lượng cuộc sống. Các chính sách hiện nay cũng chưa phát huy được nội lực của NCT, coi NCT chủ yếu là đối tượng được chăm sóc.

Các trung tâm bảo trợ xã hội, nhà dưỡng lão ít, chất lượng lại kém, trong khi các trung tâm chăm sóc NCT cộng đồng của tư nhân tốn kém nhưng không hiệu quả. Trung tâm dịch vụ đào tạo, giới thiệu chăm sóc NCT không được quản lý, nặng về kinh doanh.

Các câu lạc bộ được tổ chức đã phần nào nâng cao đời sống tinh thần của NCT. Tuy nhiên, đa số NCT nghèo ít tham gia. Các câu lạc bộ này cũng chưa giải quyết các khó khăn như cho NCT.

Cần có chính sách phát huy và chăm sóc người cao tuổi

Ông Bruce Campbell – Trưởng đại diện quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam rất cần các chính sách thực tế và phù hợp. Các chính sách và chiến lược này nên được thiết kế và thực hiện dựa trên bằng chứng về mối tương quan giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế cũng như các dịch vụ xã hội và các nhu cầu về an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, bao gồm chăm sóc y tế.

Ông cũng cho rằng, người cao tuổi có nhiều kinh nghiệm và kiến thức và tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe.

Trả lời phóng viên báo chí, ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội - Ủy viên thường trực ủy ban quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam cho biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã nhận được các ý kiến đóng góp của các bộ ngành, các địa phương, đặc biệt của chính NCT cho chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020 . Hiện nay, chương trình đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chương trình có rất nhiều hoạt động, cả hoạt động của nhà nước, cộng đồng xã hội và hoạtt động hệ thống tổ chức hội người cao tuổi. Chương trình cũng có nhiều dự án phát triển các mô hình chăm sóc phát huy dựa vào cộng đồng, các dự án của chính người cao tuổi chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, các dự án huy động xã hội hoá trong việc chăm sóc người cao tuổi như hệ thống các nhà dưỡng lão, trung tâm văn hoá, câu lạc bộ…

Ông Nguyễn Trọng Đàm cũng cho biết, ngoài kinh phí của Chính phủ, chương trình còn kêu gọi nguồn lực của cả cộng dồng, tổ chức, doanh nghiệp và tranh thủ nguồn lực nước ngoài.

“Khi chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020 được thông qua thì vấn đề người cao tuổi sẽ là trọng tâm của các chương trình, chính sách, đề án của chính phủ” – ông Đàm khẳng định.

Người cao tuổi mong muốn được đóng góp cho xã hội

Ông Đàm Hữu Đắc – Phó Chủ tịch thường trực Hội Người cao tuổi Việt Nam chia sẻ rằng, chính người cao tuổi cũng mong muốn được đóng góp xây dựng đất nước. Các chính sách hiện nay vẫn chưa thực sự sát sao nhưng NCT chia sẻ với Nhà nước trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhưng quan trọng, NCT muốn được tạo điều kiện, môi trường để có thể phát huy khả năng, giúp đỡ cộng đồng.

“Có nhiều người cao tuổi nhưng vẫn mày mò, hiểu biết về công nghệ thông tin, có những người từng là các lãnh đạo chủ chốt ở các ngành. Có những chi hội mấy trăm người, họ không có trợ cấp, nhưng rất nhiệt huyết, muốn được cống hiến cho xã hội”, ông Đắc nói thêm.

Ông cũng cho biết, hiện nay Hội Người cao tuổi Việt Nam đang tích cực đề nghị với Ngân hàng chính sách để NCT có thể vay vốn phát triển sản xuất.

Trên thực tế, có nhiều mô hình chăm sóc, phát huy khả năng NCT đang có những hướng đi tích cực. Mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau do Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam hỗ trợ là một ví dụ. Các Câu lạc bộ này triển khai các hoạt động như: cho vay vốn, tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, chăm sóc tại nhà dựa vào tình nguyện viên, văn hoá văng nghệ, tăng khả năng hiểu biết giữa các thế hệ với nhau, thúc đẩy sự tham gia lãnh đạo của phụ nữ, tự giúp nhau và hỗ trợ cộng đồng…

Bác Trịnh Thị Chung – Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tự giúp nhau số 1 thôn Tự Nhiên – Xã Hoằng Trung - Hoằng Hoá – Thanh Hoá tâm sự: “Tham gia Câu lạc bộ tôi thấy mình như trẻ lại. Chúng tôi được vay vốn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, được chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Mọi người được chăm sóc sức khoẻ thường xuyên, được tư vấn khám sức khoẻ định kỳ”.

Bác Chung cũng cho hay, thôn đã xây dựng được đội văn nghệ với 30 thành viên có đủ ba thế hệ, có nhiều tiết mục hay. Nhờ đó mọi người đã mạnh dạn hơn trước.

Già hoá dân số là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Nếu chúng ta biết cách “chủ động già hoá” thì sẽ tránh khỏi những khó khăn trong tương lai. Như tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc WHO Khu vực Thái Bình Dương có nói: “Điều quan trọng chúng ta nhìn nhận tuổi già không phải như một thời kỳ giảm sút sức khỏe không thể tránh khỏi mà phải như là một cuộc sống năng động, ý nghĩa và hữu ích”.