Giữa tháng 4, công trường cầu Vĩnh Tuy ở giai đoạn thi công sôi động nhất. Đồng loạt 8 nhà thầu của 5 gói thầu xây lắp chính của dự án đang tăng tốc đẩy nhanh tiến độ, nhất là các hạng mục vượt sông để tránh lũ tiểu mãn.
Tiến độ - chất lượng song hành
Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) được khởi công đầu năm 2021, tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng, quy mô chiều dài cầu chính và đường dẫn hơn 3,5 km, mặt cắt ngang rộng 19,25m (4 làn xe), chiều cao tĩnh không thông thuyền 11 m, nối từ đường Minh Khai-Nguyễn Khoái (quận Hai Bà Trưng) sang đường Long Biên-Thạch Bàn (quận Long Biên).
Thực tế khảo sát công trường dự án, chúng tôi thấy thời điểm này, đoạn cầu dẫn phía quận Long Biên, nhà thầu đã thi công đến phần mặt cầu. Hai trụ cầu tạm nối qua các trụ H17A, H17B và H18 hướng từ quận Hai Bà Trưng đi Long Biên được xây dựng từ giai đoạn 1 cũng đang được tháo dỡ để phục vụ thi công ở giai đoạn 2, khớp nối hoàn chỉnh toàn bộ phần cầu chính với phần đường dẫn phía quận Hai Bà Trưng.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư dự án) cho biết, khối lượng thi công toàn công trường hiện đã đạt hơn 50%, lũy kế giải ngân đến cuối tháng 3 đạt 1.008 tỷ đồng trong 2.068 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng. “Dự án đang được kiểm soát tốt cả về tiến độ và chất lượng. Một số hạng mục thi công trụ sông và đường dẫn vượt bãi sông đang trong quá trình hoàn thiện. Các nhà thầu có đủ năng lực về thiết bị và kỹ thuật, đều cam kết bảo đảm thi công an toàn, chất lượng và vượt tiến độ, đáp ứng đúng yêu cầu của dự án”, Giám đốc Ban Quản lý dự án Nguyễn Chí Cường khẳng định.
Sôi động nhất trên công trường dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 chính là gói thầu số 1 thi công cầu chính vượt sông Hồng, tổng giá trị sản lượng khoảng 1.083 tỷ đồng, do Liên danh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính đảm trách. Trong phạm vi công trường với chiều dài khoảng 2 km dọc theo cầu Vĩnh Tuy, Liên danh Vinaconex-Trung Chính huy động 10 sà lan trọng tải 1.000 tấn, 10 cần cẩu cỡ lớn, 2 tàu kéo, 1 trạm trộn bê-tông trên sông; 3 trạm trộn bê-tông trên cạn,… cùng 200 công nhân, thợ kỹ thuật làm liên tục 3 ca chia thành 5 mũi thi công suốt từ Tết Nguyên đán đến nay.
Tính đến giữa tháng 4, nhà thầu Vinaconex đã hoàn thành khối lượng thi công trụ T24 HL, vượt tiến độ 20 ngày; hoàn thành hơn 90% khối lượng thi công trụ T23 HL, vượt tiến độ 15 ngày; đóng xong cọc khoan nhồi đường kính 2m và bê-tông bịt đáy trụ T22 HL, hiện tiếp tục thi công bệ trụ đạt yêu cầu tiến độ. Tính chung, gói thầu hiện đã đạt hơn 50% khối lượng hợp đồng, các hạng mục đều được chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát nghiêm ngặt về chất lượng cũng như tiến độ.
“Theo kế hoạch, trong tháng 4 này, Liên danh nhà thầu sẽ hoàn thành việc thi công bệ trụ và 1 phần thân trụ nổi trên mặt nước để không bị ảnh hưởng bởi lũ tiểu mãn. Sau khi hoàn thành thi công thân trụ, nhà thầu huy động 14 bộ xe đúc hiện đại đúc dầm theo công nghệ đúc hẫng cân bằng, phấn đấu hợp long các nhịp chính vượt sông có khẩu độ lên tới 135m trước thời điểm 30/4/2023”, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 của nhà thầu Vinaconex Bùi Huy Thái cam kết.
Vượt qua dịch bệnh, “bão giá”
Do dự án giai đoạn 1 đã giải phóng mặt bằng tới quy mô hoàn thiện cho nên giai đoạn 2 việc triển khai rất thuận lợi, thực hiện trên quỹ đất “sạch” sẵn có. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp, kéo dài của dịch Covid-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai dự án.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2) là 1 trong 6 dự án giao thông trọng điểm, cấp bách của thành phố, được phép thi công ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất, khi thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Để đáp ứng tiến độ, trên công trường luôn có hơn 500 kỹ sư, công nhân thi công, gồm 11 mũi thi công chia 3 ca, 4 kíp, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần.
Trong những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các nhà thầu tuân thủ chặt chẽ các quy định về phòng, chống dịch như, tuân thủ nghiêm túc thông điệp 5K,… Các đơn vị đã xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cụ thể như ăn, ở 3 tại chỗ, test nhanh, cách ly tạm,… cho công nhân để bảo đảm thi công thông suốt. Toàn bộ cán bộ công nhân viên trên công trường đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Ngoài ra, các vướng mắc như bố trí bãi đổ thải, cấp phép cho phương tiện vận chuyển nguyên vật liệu được ưu tiên hoạt động trong giai đoạn dịch bệnh cũng được các sở, ngành thành phố kịp thời tháo gỡ. Nhờ đó, các gói thầu luôn bám sát kế hoạch, kiểm soát được tiến độ và chất lượng. Những vướng mắc lớn nhất của dự án đã được tháo gỡ, nguồn vốn phục vụ triển khai dự án được thành phố bố trí đầy đủ.
Theo kỹ sư Lê Quang Hòa, Phó Chỉ huy trưởng gói thầu số 1, gói thầu số 1 được khởi công từ ngày 15/6/2021, tiến độ dự kiến 24 tháng, nhà thầu đã triển khai đồng loạt 5 mũi thi công từ trụ 21 đến 25. Do địa chất lòng sông Hồng phức tạp, có nhiều biến đổi hình thái, thủy triều lên xuống chênh nhau gần 3 m, đã khiến việc thi công cọc khoan nhồi trên sông, làm hố móng sâu dưới nước hết sức khó khăn.
Chỉ sau hơn 8 tháng triển khai, Liên danh Vinaconex-Trung Chính đã hoàn thành thi công an toàn, bảo đảm chất lượng các hạng mục công việc khó khăn nhất của dự án, gồm tất cả 140 cọc khoan nhồi đường kính 2m, độ sâu hơn 50m. Hiện tại, các nhà thầu thi công đang vướng phải khó khăn lớn về “bão giá” vật tư, vật liệu, nhất là xăng dầu và sắt thép. Giá 2 loại vật liệu này hiện đã tăng khoảng từ 30 đến 50% so giá dự toán, trong khi bù giá theo chỉ số chung của chủ đầu tư chỉ đáp ứng khoảng 3-7%. Trong khi chờ chủ đầu tư có giải pháp hỗ trợ, các nhà thầu vẫn cam kết bố trí đủ nguồn tài chính để triển khai thi công, đáp ứng đúng tiến độ của chủ đầu tư.
Gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai và hoàn thành nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn như cải tạo, sửa chữa, nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng giao thông; 6 nhánh lên xuống cầu cạn vành đai 3 (đoạn Mai Dịch-cầu Thăng Long); cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), hầm chui Lê Văn Lương, đường vành đai 3,… Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy sẽ là cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất Hà Nội (40m, quy mô 8 làn xe ô-tô).